NHNN: Có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay

Gần đây một số ngân hàng thương mại có quy mô lớn đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động khi thanh khoản của hệ thống vẫn tiếp tục dư thừa và đây là cơ sở tốt để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng.

Khách hàng đang giao dịch tại VietinBank. Ảnh minh họa: TL TBKTSG.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều ngày 4-10, khi được báo chí đặt câu hỏi về việc tại sao cách đây 2-3 tháng, Thủ tướng có chỉ đạo NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo xu hướng giảm lãi suất cho vay, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động thái nào từ NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng đã đưa ra lời giải thích.

Theo Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng, bước vào năm 2016, khi cầu trong nước tăng trưởng lại, tín dụng tăng nhanh từ đầu năm, lạm phát có xu hướng tăng trở lại thì câu chuyện điều hành lãi suất là vấn đề rất khó khăn.

Trên thực tế, vào những tháng đầu năm nay, trên thị trường xuất hiện xu hướng một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Khi lãi suất huy động tăng, việc giảm lãi suất cho vay là rất khó.

Vào tháng 4-5 năm nay, Thủ tướng có cuộc đối thoại với doanh nghiệp, tiếp sau đó có chỉ đạo tại các nghị quyết của Chính phủ, yêu cầu NHNN chỉ đạo, tổ chức điều hành làm sao để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

“Vào thời điểm đó, NHNN thấy điều kiện thị trường là như vậy thì mục tiêu đầu tiên đặt ra là ngăn chặn xu hướng tăng lãi suất huy động, từ đó giảm áp lực lên lãi suất cho vay. Vì thế, về phía điều hành của NHNN, chúng tôi đã điều hành theo hướng điều tiết lượng vốn khả dụng của hệ thống một cách hợp lý, tức là cho phép hệ thống dư thừa thanh khoản, cho phép lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Việc này để các tổ chức tín dụng nếu gặp khó khăn về thanh khoản thì họ dễ dàng tiếp cận trên thị trường liên ngân hàng, không quay ra cạnh tranh lãi suất huy động”, bà Hồng cho biết.

Để giảm lãi suất cho vay, Thống đốc NHNN cũng đã ban hành chỉ thị, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn một cách hợp lý, tiết kiệm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Trên thực tế, một số ngân hàng thương mại sau đó đã giảm lãi suất cho vay đối với một số đối tượng khách hàng với thời hạn cụ thể.

“Từ nay tới cuối năm, bao giờ nhu cầu tín dụng cũng tăng cao hơn so với những tháng đầu năm, trong lộ trình và diễn biến của lạm phát hiện nay thì NHNN vẫn theo dõi rất sát để có thể điều hành. Gần đây có một số ngân hàng thương mại lớn có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động khi thanh khoản của hệ thống vẫn tiếp tục dư thừa. Đây là cơ sở tốt để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay”, bà Hồng cho biết.

Trước đó, NHNN cho biết, từ ngày 26-9, một số tổ chức tín dụng lớn (như BIDV, Vietcombank,…) đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiền đồng Việt Nam ở các kỳ hạn dưới một năm với mức giảm 0,3-0,5%/năm. Theo NHNN, đây là giải pháp tích cực để tiết giảm chi phí, phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ngoài ra, từ cuối tháng 4-2016, các ngân hàng thương mại Nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Tuy nhiên, lãnh đạo của một số ngân hàng có quy mô nhỏ, khi được hỏi, đều cho rằng việc một số ngân hàng thương mại Nhà nước giảm lãi suất mới đây có thể chỉ là tạm thời vì động thái này thể hiện ý chí mong muốn có giá vốn rẻ hơn để đầu ra, tức lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp được thấp hơn.

Theo phó tổng giám đốc của một ngân hàng TMCP tại TPHCM, sau động thái dẫn dắt của các ngân hàng lớn, có thể có những ngân hàng nhỏ sẽ giảm từ từ lãi suất huy động 0,1-0,2% để thăm dò thị trường, mà không dám giảm mạnh vì lo ngại mất đà huy động khi hiện nay nhiều khách hàng sẵn sàng chuyển tiền gửi sang những ngân hàng có lãi suất huy động nhỉnh hơn.

Ngoài ra, từ ngày 1-1-2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn phải giảm từ mức quy định hiện nay là 60% về còn 50% - đây cũng là một trong các áp lực để các ngân hàng tăng huy động cả tiền gửi ngắn, trung và dài hạn (nếu huy động tiền gửi trung, dài hạn không tăng lên thì huy động ngắn hạn cũng phải tăng để đảm bảo tỷ lệ này). Do đó, những ngân hàng có các chỉ số an toàn chưa đạt được như mong muốn, sẽ phải giữ đà huy động như hiện nay (tức có thể giữ mức lãi suất như hiện nay, hoặc tăng nhẹ, tùy tình hình thị trường - PV).

Vị này cho biết thêm, hiện đầu ra của các ngân hàng chưa được như mong muốn về giảm lãi suất, cũng như lợi nhuận, vì lãi suất cho vay nhìn chung đã xuống khá thấp so với chi phí vốn.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152327/nhnn-co-co-so-de-giam-them-lai-suat-cho-vay.html/