Nhịp đập năng lượng ngày 6/7/2023

Bộ Công Thương đề xuất lại phương án về A0; OPEC+ sẽ làm 'bất cứ điều gì cần thiết' để hỗ trợ giá dầu; Ấn Độ đàm phán cung cấp hydrogen xanh cho EU và Singapore… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 6/7/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Bộ Công Thương đề xuất lại phương án về A0

Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về việc tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0). Theo đó, Bộ đề xuất 2 bước, bước 1 tách A0 khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và lập công ty TNHH MTV, thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Sau đó, sẽ chuyển quyền chủ sở hữu của đơn vị này từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Công Thương.

Về đề xuất trước đó của Bộ Công Thương - chuyển A0 thành đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Nội vụ đánh giá, A0 hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV sẽ có điều kiện thu hút nguồn nhân sự chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ điều độ hệ thống điện lực quốc gia (điều này rất khó thực hiện nếu lựa chọn chuyển A0 thành đơn vị sự nghiệp công lập).

Đồng thời, cũng bảo đảm phù hợp với cơ chế điều hành giá, phí (phí điều độ hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực được quy định là một thành phần chi phí cấu thành giá điện, tương tự như giá truyền tải điện) theo quy định của Luật Điện lực.

70.000 tấn LNG sắp cập cảng Việt Nam

Ông Phạm Văn Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết, ngày 10/7, tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp) chở gần 70.000 tấn LNG từ cảng Bontang - Indonesia sẽ về đến Kho cảng LNG Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tập đoàn năng lượng quốc tế Shell - một trong những nhà cung cấp LNG hàng đầu thế giới - đã được PV GAS lựa chọn làm nhà cung cấp cho chuyến hàng đặc biệt này. PV GAS hiện là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG (Quyết định số 01/GCNĐĐK-BCT do Bộ Công Thương ban hành ngày 5/5/2023).

Chuyến tàu LNG đầu tiên là sự kiện quan trọng đối với PV GAS và ngành công nghiệp khí tại Việt Nam, là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung cấp khí sạch hơn cho ngành công nghiệp năng lượng. Nhất là khi Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt với mục tiêu đến năm 2030 có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh.

OPEC+ sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để hỗ trợ giá dầu

Phát biểu tại Hội thảo Quốc tế OPEC lần thứ 8 diễn ra ở thủ đô Vienna của Áo ngày 5/7, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho biết Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, sẽ tiếp tục theo đuổi các nỗ lực nhằm ổn định thị trường dầu mỏ và sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết" để hỗ trợ giá dầu.

Ông Abdulaziz nhấn mạnh thị trường năng lượng sẽ không bị "bỏ mặc" và chính sách sản lượng được công bố ngày 4/6 là nỗ lực rất lớn để mọi người có thể thấu hiểu các nỗ lực của OPEC+.

Tuyên bố của ông Abdulaziz được đưa ra sau khi Saudi Arabia thông báo sẽ gia hạn quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày thêm 1 tháng, đến hết tháng 8/2023. Nga cũng sẽ cắt giảm lượng dầu xuất khẩu dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8/2023, bên cạnh các mức cắt giảm sản lượng được công bố trước đó.

Liên Hợp Quốc kêu gọi đầu tư quy mô lớn cho năng lượng sạch ở các nước đang phát triển

Ngày 5/7, Liên Hợp Quốc (LHQ) kêu gọi đầu tư quy mô lớn cho năng lượng sạch ở các nước đang phát triển, nếu không sẽ có rất ít hy vọng để đạt được các mục tiêu khí hậu vào năm 2030.

Theo Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD), các nước đang phát triển cần các khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo trị giá khoảng 1.700 tỷ USD mỗi năm nhưng mới chỉ thu hút được khoảng 544 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài cho năng lượng sạch trong năm 2022.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết thế giới sẽ không được đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và không thể bảo vệ trái đất và tương lai nếu lĩnh vực tư nhân không đầu tư quy mô lớn cho năng lượng tái tạo ở các nước đang phát triển. Ông cho biết thế giới đang hành động chậm ít nhất là 10 năm trong các nỗ lực nhằm giảm thiểu tình trạng ấm lên toàn cầu. Do đó, đầu tư cho năng lượng tái tạo ở các nước đang phát triển là việc cần thiết và thường là cách tiết kiệm nhất để lấp đầy khoảng trống năng lượng.

Ấn Độ đàm phán cung cấp hydrogen xanh cho EU và Singapore

Ấn Độ vừa có cuộc thảo luận về một thỏa thuận khả thi để cung cấp 10 triệu tấn hydrogen xanh mỗi năm cho Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, những quốc gia khối này sẽ đầu tư vào các dự án năng lượng sạch này của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Singapore cũng đang hướng đến việc đạt được 5 triệu tấn amoniac xanh mỗi năm, thông qua các thỏa thuận song phương tương tự với Ấn Độ, tương đương 1-1,5 triệu tấn hydrogen xanh mỗi năm.

Ngoài ra, các công ty Ấn Độ như Reliance Industries, Indian Oil và Adani Enterprises đều đang có những kế hoạch lớn đối với hydrogen xanh.

Ai Cập ký thỏa thuận 5 tỷ USD với Scatec để phát triển điện gió

Bộ Điện lực và Năng lượng Tái tạo Ai Cập ngày 5/7 đã ký kết thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD với Công ty Scatec của Na Uy để phát triển một trang trại điện gió với công suất 5 GW tại tỉnh Sohag, thuộc miền Nam Ai Cập. Thỏa thuận được ký kết trước sự chứng kiến của Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly và Đại sứ Na Uy tại Cairo Hilde Klemetsdal.

Trang trại điện gió dự kiến sẽ tạo ra 8.000 việc làm cho lao động địa phương. Đây sẽ là một trong nhiều dự án năng lượng tái tạo được Ai Cập triển khai trong một thập kỷ qua, giữa lúc quốc gia Bắc Phi này đặt mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia lên 42% vào năm 2030.

Ai Cập đang nỗ lực trở thành nhà xuất khẩu điện chủ chốt sang thị trường châu Âu thông qua một tuyến cáp ngầm dưới biển nối Ai Cập với Attica của Hy Lạp. Dự kiến được hoàn thành trong 7 năm tới, tuyến cáp ngầm sẽ truyền tải 3.000 MW điện từ Ai Cập tới châu Âu mỗi năm.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-672023-688885.html