Kinh tế số bùng nổ, quản lý thuế thế nào?

Nền kinh tế số mang đến những cơ hội lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, song cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý thuế, làm sao để huy động được các nguồn lực, hạn chế thất thu ngân sách.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, đến nay, cả nước có gần 1 triệu DN, hơn 3 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế) và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, trong đó khoảng 7 triệu cá nhân thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân.

Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với chủ trương đẩy mạnh hội nhập, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự bùng nổ của internet và các nền tảng số, đã tạo ra một nền kinh tế số đầy tiềm năng và cơ hội to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về thuế.

Các khó khăn đó là giao dịch kinh tế thời số hóa diễn ra trên môi trường mạng, thông qua các nền tảng số, khiến cho việc theo dõi, kiểm soát và quản lý trở nên khó khăn hơn. Nhiều người nộp thuế, đặc biệt là các cá nhân kinh doanh qua các trang mạng xã hội chưa tự giác đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.

Công tác quản lý về doanh thu của các cá nhân kinh doanh mạng trên nền tảng số, người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen yêu cầu cung cấp hóa đơn khi mua hàng hóa và cung cấp dịch vụ. Việc trao đổi thông tin, cung cấp thông tin giữa các ngành đối với ngành thuế để làm sao quản lý được đối tượng.

Để bắt kịp với xu thế phát triển của kinh tế số, công tác quản lý rủi ro tuân thủ pháp luật thuế là một giải pháp đang được cơ quan thuế triển khai. Theo đó, cơ quan thuế thực hiện tổ chức thu thập, xử lý dữ liệu bên trong và từ các cơ quan, tổ chức bên ngoài ngành thuế; xây dựng các bộ chỉ số tiêu chí, quy trình và ứng dụng về phân tích, nhận diện rủi ro người nộp thuế hỗ trợ cho công tác quản lý thuế, để lựa chọn người nộp thuế thực hiện thanh, kiểm tra thuế; phân loại hồ sơ hoàn thuế và xây dựng kế hoạch kiểm tra sau hoàn thuế; quản lý giám sát chặt chẽ việc sử dụng hóa đơn của người nộp thuế phòng ngừa gian lận hóa đơn, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Hành lang pháp lý phù hợp với các hình thức kinh tế số mới hiện nay cũng dần được hoàn thiện, phù hợp với định hướng chiến lược cải cách hiện đại hóa của ngành đến năm 2030. Hệ thống dữ liệu về người nộp thuế trên không gian số được tổ chức triển khai hiệu quả qua công tác thu thập, phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử nói riêng, dữ liệu quản lý thuế nói chung; thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đối soát dữ liệu lớn với hóa đơn điện tử.

Các giải pháp khác như xây dựng chức năng cảnh báo xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử để phát hiện rủi ro giá bất thường, chuỗi mua bán hóa đơn, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng, phân tích chuỗi mua bán hóa đơn theo từng mặt hàng rủi ro hoặc theo chuỗi quan hệ mua bán của các DN trong nền kinh tế giúp tìm các chuỗi nghi ngờ (mua bán lòng vòng, chỉ mua không bán, chỉ bán không mua, xuất khống hóa đơn...)… cũng được áp dụng và mang lại hiệu quả ban đầu.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng hệ thống quản trị thuế trong DN cũng rất cần thiết và hiệu quả. Điều này giúp DN chủ động, tích cực kê khai nộp thuế. Việc duy trì tính tuân thủ của DN lớn giúp nâng cao tính tuân thủ thuế của cả nước. Vì DN lớn có doanh thu cũng như số thuế nộp lớn. DN lớn tác động đến tập đoàn, nhà thầu… Nâng cao tính tuân thủ cho DN lớn là biện pháp hữu hiệu nhằm quản lý thuế hiệu quả.

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kinh-te-so-bung-no-quan-ly-thue-the-nao.html