Nhịp đập năng lượng ngày 2/10/2023

Xuất khẩu dầu diesel của Nga giảm gần như bằng 0 vào tháng 10; Ngành điện mặt trời châu Âu lo ngại về biện pháp áp thuế nhập khẩu; Australia có thể trở thành 'siêu cường' về năng lượng tái tạo… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 2/10/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Xuất khẩu dầu diesel của Nga giảm gần như bằng 0 vào tháng 10

Nga dường như đang thực hiện tốt lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel vào tháng 10, với lượng hàng từ các cảng của Nga trên Biển Đen và Biển Baltic sẽ giảm xuống gần như bằng 0 trong tháng này. Lịch trình bốc hàng của Nga trong tháng 10 bao gồm 223.000 nghìn tấn - 222.800 nghìn tấn sẽ được xếp ở Primorsk và Novorossiysk cho khách hàng trong Liên minh kinh tế Á - Âu, những nước được miễn lệnh cấm.

Trước đó, vào tháng 9, Nga đã công bố lệnh cấm xuất khẩu hầu hết dầu diesel từ các cảng phía Tây trong nỗ lực ổn định giá nhiên liệu trong nước, nhưng sau đó đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với dầu diesel chất lượng thấp. Nga đang theo đuổi các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lặp lại của cuộc khủng hoảng nhiên liệu năm 2018.

Lệnh cấm xuất khẩu của Nga có thể làm trầm trọng thêm thị trường dầu diesel toàn cầu vốn đã thắt chặt, khiến giá dầu thô và sản phẩm chưng cất trung gian cao hơn bao giờ hết. Giá dầu diesel ở châu Âu tăng sau khi lệnh cấm xuất khẩu của Nga được công bố, đạt mức cao tới 1.008 USD/tấn. Lệnh cấm dự kiến chỉ mang tính tạm thời khi các bể chứa dầu diesel của Nga cuối cùng sẽ đạt công suất tối đa.

Ngành điện mặt trời châu Âu lo ngại về biện pháp áp thuế nhập khẩu

Hiệp hội Ngành Năng lượng Mặt trời châu Âu (SolarPower Europe) ngày 2/10 cảnh báo rằng việc các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU) áp thuế nhập khẩu đối với thiết bị sản xuất điện mặt trời sẽ gây thiệt hại tất cả các bên.

Hiệp hội này lo ngại khả năng gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc có thể hủy hoại nghiêm trọng năng lực của châu Âu trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Thay vì áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu thiết bị, EU cần đưa ra các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà sản xuất của khối phát triển lĩnh vực này.

Ông Gunter Erfurt, thành viên Ban Giám đốc của SolarPower Europe, nhấn mạnh cần có các chính sách để thúc đẩy các nước trong khu vực lắp đặt thiết bị và hệ thống điện mặt trời có nguồn gốc châu Âu. Nhờ đó, việc triển khai các dự án tại châu Âu sẽ không bị gián đoạn hoặc đình trệ, đồng thời vẫn có thể duy trì lộ trình sản xuất năng lượng điện mặt trời trong khối một cách ổn định và bền vững.

Australia có thể trở thành “siêu cường” về năng lượng tái tạo

Chính phủ liên bang Australia mới đây đã phê duyệt một dự án trang trại năng lượng mặt trời mới ở khu vực Smoky Creek, miền Trung bang Queensland. Đây là một trong những dự án năng lượng tái tạo lớn giúp Australia đạt được tỷ lệ 82% năng lượng tái tạo vào năm 2030 và hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo các chuyên gia, trang trại năng lượng mặt trời Smoky Creek sẽ sản xuất ra hơn 1 triệu MWh năng lượng tái tạo mỗi năm, đủ để cung cấp cho hơn 200.000 hộ gia đình; giúp cắt giảm gần 1 triệu tấn khí thải carbon, tương đương với việc loại bỏ khoảng 310.000 ô tô ra khỏi hệ thống giao thông đường bộ mỗi năm, đồng thời sẽ thúc đẩy nền kinh tế địa phương và giải quyết ít nhất một nửa số lượng việc làm tại khu vực này.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Môi trường và Nước Tanya Plibersek cho biết, Australia có thể trở thành một "siêu cường" về năng lượng tái tạo và những dự án như Smoky Creek sẽ giúp quốc gia này đạt được tham vọng đó. Bà Tanya Plibersek cũng nhấn mạnh chính phủ đang tăng gấp đôi tốc độ phê duyệt các dự án năng lượng tái tạo, với số lượng các dự án đang được triển khai cao kỷ lục.

Hàn Quốc vận hành thử nghiệm lò phản ứng hạt nhân Shin-Hanul số 2

Công ty Thủy điện và điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP) ngày 2/10 thông báo lò phản ứng hạt nhân Shin-Hanul số 2 ở miền Nam nước này bắt đầu hoạt động thử nghiệm trong vòng 6 tháng trước khi vận hành toàn bộ hệ thống vào tháng 3 năm sau.

Nằm tại huyện ven biển Uljin, lò phản ứng Shin-Hanul số 2 đã được nạp nhiên liệu và đưa vào vận hành thử nghiệm trong tuần qua. Đây là lò phản ứng hạt nhân thứ 28 của Hàn Quốc, có công suất phát điện 1.400MW, sử dụng công nghệ APR1400 với tuổi thọ dài và chi phí hợp lý.

Hồi tháng 12/2022, nước này đã vận hành thương mại lò phản ứng Shin-Hanul số 1. Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết đang chuẩn bị triển khai dự án xây dựng các lò phản ứng Shin-Hanul số 3 và số 4 sau khi các cơ quan liên quan phê duyệt, nhằm tăng tổng sản lượng năng lượng điện hạt nhân lên hơn 30% vào năm 2030.

Mỏ khí đốt lớn nhất châu Âu chính thức đóng cửa

Hà Lan ngày 1/10 đã chấm dứt việc khai thác khí đốt tự nhiên từ mỏ Groningen, mỏ khí đốt lớn nhất châu Âu. Việc khai thác mỏ này trong 60 năm qua là nguyên nhân gây ra động đất tại địa phương trong nhiều thập niên và có nguy cơ kéo dài.

Tuy nhiên, các nhà chức trách đang duy trì hoạt động của 11 đơn vị khai thác cuối cùng thêm một năm nữa trong trường hợp mùa đông "rất khắc nghiệt" và căng thẳng địa chính trị kéo dài, trước khi đóng cửa hoàn toàn.

Theo tập đoàn năng lượng Shell, khoảng 2.300 tỷ m3 khí đốt đã được khai thác từ mỏ. Từ năm 1963-2020, khí đốt Groningen tạo ra khoảng 429 tỷ euro và 85% lợi nhuận này được chuyển vào Kho bạc quốc gia.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2102023-695652.html