Nhìn núi lửa ở Việt Nam

- Trong khoảng 10.000 năm trở lại đây đã có khoảng 1.500 núi lửa hoạt động trên mặt đất (chưa kể núi lửa hoạt động dưới biển). Hoạt động núi lửa gần đây nhất ở Việt Nam là năm 1923, núi lửa phun trào tại đảo Tro, thuộc cụm đảo Phú Quý (Bình Thuận).

Chứa nhiều chất độc TS Phạm Tích Xuân, trưởng phòng Địa hóa, Viện Địa chất cho biết, hoạt động núi lửa là quá trình phun trào magma (chủ yếu là silicat nóng chảy) từ trong lòng đất lên bề mặt trái đất. Các sản phẩm chính của các hoạt động núi lửa bao gồm: dung nham (silicat nóng chảy có nhiệt độ cao hơn 1.000độC), khí (hơi nước, khí CO2, SO2...), chất rắn, vật liệu vụn (tro, bụi). Núi lửa hoạt động thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Các dung nham có thể chảy tràn trên bề mặt hoặc chảy dọc theo các thung lũng tạo thành các dòng dung nham dài tới hàng chục km, khi đông cứng tạo thành đá núi lửa. Tro bụi núi lửa có thể phát tán rất rộng ra xung quanh. Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao khi núi lửa phun trào ở Iceland lại khiến cho châu Âu bị bao phủ bởi tro bụi. Cách đây vài năm, khi núi lửa phun trào ở Indonesia, tro bụi đã bay sang tận Việt Nam. Không những thế, tro bụi có thể rơi xuống tạo thành các lớp vật chất rắn nhiều khi rất dày phủ trên một diện rộng và có thể vùi lấp tất cả. Điều đặc biệt, trong tro bụi chứa khá nhiều chất độc (CO2, SO2, metan...) gây ô nhiễm. Những trận núi lửa lớn có thể ảnh hưởng tới cả khí hậu toàn cầu. Đôi khi có dấu hiệu báo trước Hoạt động núi lửa luôn diễn ra bất ngờ, nằm ngoài dự đoán. Nhưng đôi khi, trước khi núi lửa phun trào cũng xuất hiện một vài dấu hiệu như: nhiệt độ nóng lên bất ngờ, phun khí hoặc phun hơi nước lên, các chấn động (động đất). Các dấu hiệu này xảy ra trong một thời gian ngắn thì núi lửa phun trào. Tuy nhiên, cũng có lúc, dấu hiệu này xảy ra cả một thời gian dài mà vẫn không thấy núi lửa hoạt động. Chu kỳ hoạt động của núi lửa không rõ ràng. Có những núi lửa phun trào một lần xong biến mất, có những núi lửa ngủ yên khoảng vài trăm năm thì hoạt động trở lại, điển hình như núi lửa ở Iceland hoạt động trở lại sau gần hai thế kỷ ngủ yên. Núi lửa có nguy cơ hoạt động ở Việt Nam Các kết quả nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam, trong giai đoạn tân kiến tạo và hiện đại đã từng có các hoạt động núi lửa mạnh mẽ cả trên đất liền và thềm lục địa. Chính hoạt động núi lửa đã tạo ra một lớp phủ bazan rộng lớn, ước tính trên 23.000km2 tại khu vực Tây Nguyên hiện nay. Trên các khu vực Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai... vẫn còn thấy hàng trăm ngọn núi lửa dạng chóp như Hàm Rồng (Pleiku), Núi Chai (Đức Trọng, Lâm Đồng), hoặc hàng loạt các hồ núi lửa như Biển Hồ, Iabang (Pleiku)... Hiện, ở Việt Nam không có núi lửa hoạt động. Nhưng Việt Nam có nhiều tiềm năng về hoạt động núi lửa. Lý do là, trong khoảng 100 năm trở lại đây, hoạt động núi lửa vẫn xuất hiện ở Việt Nam (núi lửa gần đây nhất hoạt động vào năm 1923 ở đảo Tro). Các kết quả nghiên cứu địa chấn cũng cho thấy sự tồn tại di thường nhiệt khá nông ở khu vực cao nguyên Pleiku (tiềm năng phát sinh các lò magma cho núi lửa). Đặc biệt, lãnh thổ Việt Nam là vùng có các hoạt động kiến tạo hiện đại tích cực (ví dụ như sự dịch chuyển của các đứt gãy trẻ, các hoạt động nhiệt dịch như sự xuất hiện hàng loạt các nguồn nước nóng, đặc biệt là khu vực duyên hải Nam Trung Bộ từ Quảng Ngãi tới Bình Thuận). Được biết, Việt Nam đã có một số nghiên cứu chi tiết hoạt động núi lửa. Tuy nhiên, các nghiên cứu mang tính chất dự báo thì lại chưa có. Lan Hoa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/2981/201004/Nhin-nui-lua-o-Viet-Nam-1751015/