Nhìn lại văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Sáng 25-4, tại TPHCM, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học 'Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng'.

Hội thảo là sự tập hợp, tiếp thu ý kiến của các đồng chí lãnh đạo và ủy viên hội đồng qua các thời kỳ; của các nhà quản lý, các nhà khoa học; được Ban Bí thư và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương ủng hộ, khích lệ.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cùng khoảng 200 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương…

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM và đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tham dự hội thảo. Ảnh: QUỲNH YÊN

Chủ trì hội thảo gồm các đồng chí: Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật (VHNT) Trung ương; Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; TS Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng; TS Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo hội thảo. Ảnh: QUỲNH YÊN

Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Trần Luân Kim cho rằng, suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đặc biệt là qua các cuộc kháng chiến giữ nước trường kỳ, văn nghệ sĩ nước ta như những chiến sĩ thực thụ trên tiền tuyến, luôn bám sát tình hình và kịp thời phản ảnh, tường thuật các chiến công trên khắp các mặt trận. Nhờ đó, đã có rất nhiều tác phẩm VHNT trên các lĩnh vực như: văn học, phim truyện, âm nhạc, nhiếp ảnh. Tuy nhiên, hiện trong các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình, phổ biến tác phẩm VHNT, mặc dù điều kiện đã được mở rộng, song vẫn tồn tại những hạn chế, kìm hãm bước tiến xa và nhanh đối với hoạt động VHNT đề tài quân đội và chiến tranh giải phóng.

PGS-TS Trần Luân Kim phát biểu. Ảnh: QUỲNH YÊN

“Trước đây, trong giai đoạn chiến tranh, từng xuất hiện những tác phẩm VHNT về quân đội và chiến tranh cách mạng sâu sắc, thuyết phục, động viên người người quyết chí xông lên. Song hiện nay, khi quân đội vẫn đêm ngày rèn luyện tiến lên chính quy hiện đại, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, lại có quá ít tác phẩm về đề tài quan trọng này, đặc biệt lại hiếm tác phẩm giá trị cao. Thậm chí, có tác phẩm bị hạ thấp tính khách quan khoa học; khiến tác dụng cổ vũ, tuyên truyền vốn sẵn có ở đề tài này, bị phân tán, hạ thấp”, PGS-TS Trần Luân Kim bày tỏ.

Hôm nay, sau gần 80 năm nhìn lại, chúng ta có thể tự hào nói rằng, nền VHNT Việt Nam về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, góp phần vào những thắng lợi to lớn của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm phong phú và rạng rỡ nền văn học Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Đồng chí NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ

Ngoài PGS-TS Trần Luân Kim, hội thảo cũng đã được lắng nghe những ý kiến chia sẻ từ các đại biểu như: GS Đinh Xuân Dũng, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Thiếu tướng - nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Trần Quốc Dũng, PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, TS Bùi Thế Đức, PGS-TS Thái Phan Vàng Anh.

Hội thảo đã nhận được 126 bản tham luận đến từ các đại biểu đang công tác và làm việc tại các ban, bộ, ngành Trung ương, ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, hội VHNT các tỉnh, thành và TPHCM. Ảnh: QUỲNH YÊN

Hội thảo đã nhận được 126 bản tham luận, các tham luận cùng tập trung vào các mục tiêu: Đánh giá thực trạng của VHNT trong việc phản ánh truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và quân đội ta trong 80 năm qua, nhất là mảng đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng; Phân tích, đánh giá thực trạng VHNT tham gia phản ảnh tầm vóc, ý nghĩa chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ở thời điểm 70 năm trước và những năm sau; Phân tích, đánh giá thực trạng, vai trò của VHNT cách mạng trong việc phản ánh hiện thực đời sống thời chiến tranh và thời hậu chiến; Đánh giá vai trò của các nhà văn, nghệ sĩ trong việc khắc họa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, hình tượng Công an nhân dân và các lực lượng vũ trang qua các thời kỳ cách mạng...

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: QUỲNH YÊN

Kết quả hội thảo sẽ là cơ sở, luận cứ khoa học để Hội đồng xây dựng báo cáo gửi Thường trực Ban Bí thư; Ban Tuyên giáo Trung ương đưa vào nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tư vấn cho Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển công nghiệp văn hóa nước nhà; phát huy vai trò định hướng của lý luận, phê bình VHNT trong hoạt động thực tiễn.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cho rằng, những bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học trình bày tại hội thảo sẽ là những kinh nghiệm để đội ngũ những người làm công tác lý luận, phê bình VHNT cả nước nói chung, TPHCM nói riêng và các đại biểu tham gia hội thảo sẽ có những đúc kết sâu sắc về vai trò của VHNT và công tác lý luận, phê bình; công tác quảng bá VHNT đối với sự phát triển văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội thảo. Ảnh: QUỲNH YÊN

“Sau hội thảo này, lãnh đạo thành phố mong muốn sẽ có thêm nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao, xứng tầm tiếp tục được sáng tác, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 50 năm thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nhắn nhủ.

Hội thảo khoa học “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” tiếp tục diễn ra trong chiều 25-4.

QUỲNH YÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhin-lai-van-hoc-nghe-thuat-voi-de-tai-luc-luong-vu-trang-va-chien-tranh-cach-mang-post737007.html