Nhìn lại những tổng thống Mỹ đắc cử ở tuổi “xưa nay hiếm”

Với 276 phiếu bầu, Donald Trump đã chiến thắng áp đảo Hillary Clinton để bước chân vào Nhà Trắng ở tuổi 70. Trong lịch sử chính trường Mỹ, tỷ phú Donald Trump không phải trường hợp ứng viên đầu tiên đắc cử Tổng thống ở tuổi 70.

Donal Trump

Cuộc tranh đua giành chiếc ghế trong Nhà Trắng năm 2016 của 2 ứng cử viên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã kết thúc với chiến thắng nghiêng về “kẻ ngoại đạo” Donald Trump, vốn là tỷ phú, ngôi sao truyền hình thực tế và không hề có kinh nghiệm làm chính trị.

Donald Trump sinh ngày 14/6/1946 tại thành phố Queens, New York và là con thứ 4 của Fred Trump – ông trùm bất động sản giàu có. Donald Trump kế tục việc kinh doanh của gia đình, gia nhập vào công ty bất động sản của cha: Elizabeth Trump & Son. Năm 1971, ông đổi tên công ty thành The Trump Organization. Donald Trump được biết đến là một doanh nhân bản lĩnh, khôn ngoan.

Năm 2004, lần đầu tiên ông Trump ra mắt với tư cách ngôi sao trong chương trình truyền hình thực tế “Người tập sự” (The Apprentice), hiện lên với hình ảnh một người cực kỳ nhạy bén trước các cơ hội kinh doanh.

Năm 2000 và 2012, ông tỏ ý muốn ra tranh cử Tổng thống Mỹ. Ngày 16/6/2015, tại tháp Trump ở Manhattan, vị tỷ phú này tuyên bố tham gia tranh cử Tổng thống.

Ngày 3/5/2016, ông Trump chính thức trở thành ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa. Đến ngày 21/7, ông được bầu làm ứng viên đại diện tranh cử Tổng thống Mỹ. Với việc giành được 276 phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11 (theo giờ Mỹ), Donal Trump trở thành vị Tổng thống già nhất lịch sử nước Mỹ khi vừa đón sinh nhật 70 tuổi được 5 tháng, vượt qua cả cựu Tổng thống Ronald Reagan. Theo một số bảng khảo sát, với độ tuổi này ông Trump chủ yếu giành được phiếu bầu từ các cử tri có độ tuổi từ 45 trở lên.

Ronald Reagan

Ronald Reagan cũng đắc cử tổng thống Mỹ ở ngưỡng tuổi 70

Ronald Reagan (6/2/1911 – 5/6/2004) của Đảng Cộng hòa trở thành Tổng thống Mỹ thứ 40 khi vừa ngấp nghé 70 tuổi. Tính đến thời Tổng thống Mỹ thứ 44 Barack Obama, ông Ronald Reagan vẫn là Tổng thống già nhất trong các đời Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, “danh hiệu” này vừa bị tỷ phú Donald Trump soán ngôi.

Ronald Reagan từng làm diễn viên truyền hình trước khi là thống đốc thứ 33 của bang California (1967 – 1989) rồi đến cương vị Tổng thống Mỹ. Ông từng 2 lần thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 1968, 1976. Mãi đến năm 1980, ông mới đắc cử Tổng thống Mỹ và bắt đầu hoạt động trong 2 nhiệm kỳ từ năm 1981 đến 1989.

Trong thời gian đương chức, Tổng thống Reagan thực hiện được các đề xướng kinh tế và chính trị mới có tầm cỡ. Các chính sách kinh tế của ông hướng tới chủ trương giảm tỉ lệ thuế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát nguồn tiền để giảm lạm phát, bãi bỏ kiểm soát kinh tế và giảm chi tiêu của chính phủ. Ông là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đạt được những hiệp ước với Liên-xô về kiểm soát vũ khí hạt nhân, giảm thiểu kho vũ khí hạt nhân của 2 nước.

Quay trở lại vấn đề, tuổi tác từ lâu đã là một yếu tố trong chiến dịch tranh cử Tổng thống. Nó được coi như một phép thử của kinh nghiệm, con đường quảng cáo chính trị cũng như “cách thức” truyền tín hiệu đến các nhóm cử tri về 2 nhóm lãnh đạo: một bên là những lãnh đạo mới, trẻ trung còn một bên là những người thông thái, dày dặn kinh nghiệm chính trường.

Năm 1984, trong một cuộc tranh luận, Ronald Reagan khi đó còn đang là Tổng thống, được hỏi rằng có chịu được áp lực công việc của mình vì đã ở độ tuổi khá cao. Ông chỉ châm biếm rằng: “Tôi không cần cố sức cho mục tiêu chính trị, địch thủ của tôi còn non nớt và thiếu kinh nghiệm”.

Tuy nhiên, trong lần bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, tuổi tác dường như không còn nói lên nhiều điều khi cuộc cạnh tranh diễn ra giữa 2 ứng cử viên đều xấp xỉ 70 tuổi từ 2 đảng lớn trong lịch sử bầu cử của nước Mỹ.

Ông Trump cao 1,9m, nặng 107kg, không dùng thuốc lá và rượu được cho là có sức khỏe ở mức ổn định, “thể lực tuyệt vời”. Đối thủ của ông là bà Hillary Clinton (69 tuổi) cũng ở ngưỡng tuổi 70, gặp nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe, bị chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi và từng suýt ngất trong lễ tưởng niệm 11/9 năm nay trước công chúng.

Giới chuyên gia cho rằng, tuổi tác của ứng viên không còn là vấn đề quan trọng. Cử tri Mỹ nên quan tâm hơn tới tình trạng thể chất và tinh thần của họ hơn. Quan sát viên Michael Tortorello từ tờ Politico cho biết: “Chúng ta tìm hiểu về bệnh viêm ruột thừa mắc khi mới 10 tuổi của ứng viên Tổng thống nhưng lại không biết gì về việc liệu ông hay bà ấy có đủ tỉnh táo, sáng suốt cho công việc hay không”.

Bàn về vấn đề này, giáo sư lịch sử và quan hệ công chúng tại Đại học Princeton, Mỹ - Julian Zelizer nói: “Xét về mặt chính trị, tuổi tác là một vấn đề quan trọng nhưng không nên quá đặt nặng vào nó. Một người trẻ vẫn có thể ốm yếu và một người già vẫn có thể sở hữu một sức khỏe dẻo dai và tư duy sắc bén”.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/nhin-lai-nhung-tong-thong-my-dac-cu-o-tuoi-%e2%80%9cxua-nay-hiem%e2%80%9d