Nhìn lại một liên hoan

Sau 10 ngày trình diễn sôi nổi, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 3 vừa khép lại bằng lễ bế mạc và trao giải. Trong đó, Việt Nam đã thắng lớn khi giành tới 17 HCV ở cả giải thưởng tập thể và cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công thì có nhiều ý kiến xung quanh câu chuyện thử nghiệm trong các vở diễn của nước chủ nhà.

Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 3 “bội thu” giải thưởng.

Đã xứng vàng mười?

Cụ thể, ở giải thưởng vở diễn xuất sắc nhất đã thuộc về các tác phẩm “Chim Hải Âu” (Nhật Bản); “Ramayana” (Trung tâm Kinh kịch tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) và “Dưới cát là nước” (Nhà hát Kịch Quân đội). Ở hạng mục giải thưởng vở diễn, BTC liên hoan cũng đã trao 4 HCB cho “Medea” (Nhà hát Thế giới trẻ); “Khách sạn thiên đường” (Đức); “Giấc mơ” (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần-TP HCM); “Mối tình trong sáng” (Philippines).

Ở hạng mục cá nhân, 29 nghệ sĩ được trao huy chương vàng và 27 nghệ sĩ được trao huy chương bạc. Ngoài ra, Liên hoan cũng đã trao các giải thưởng như Giải Tác giả; Giải Đạo diễn; Giải Họa sĩ; Giải diễn viên ngôi sao; Giải của Hội đồng giám khảo dành cho cho sự tìm tòi thử; Giải tiết mục thử nghiệm Xiếc; Giải tiết mục thử nghiệm Rối cho các nghệ sĩ xuất sắc.

Nhưng việc BTC liên hoan “hào phóng” trao đến 70 giải thưởng tập thể và cá nhân cho 16 vở diễn tham gia đã làm chính giới chuyên môn phải hoài nghi liệu các vở diễn của Việt Nam liệu đã xứng đáng là vàng mười?

Đơn cử, ngay bản thân Trưởng BGK liên hoan NSƯT Trần Minh Ngọc thừa nhận: “Rõ ràng qua Liên hoan lần này, sân khấu VN đã biết mình đang ở vị trí nào, đương nhiên là tụt hậu so với sự phát triển của các nước có nền nghệ thuật sân khấu phát triển trên thế giới. Vấn đề là phải tự đổi mới không chỉ giải đáp cho bài toán hội nhập mà còn để lấy lại khán giả cho mình”.

NSƯT Trần Minh Ngọc cũng cho rằng sân khấu Việt Nam chúng ta không thể cứ ôm khư khư cái cũ và lệ thuộc vào các trình thức, các quan niệm dàn dựng đã quá lỗi thời, lạc hậu.

Sự phát triển và thử nghiệm của các đồng nghiệp quốc tế tại liên hoan lần này là bài học cho các nhà làm nghệ thuật Việt Nam, hãy tự cởi trói cho mình khỏi các quan niệm dàn dựng cũ và phải tìm kiếm những hình thức sân khấu mới.

Không những vậy, thông qua 16 vở diễn tại Liên hoan thì khái niệm sân khấu thử nghiệm cũng đã được làm rõ và phần nào tạo nên sự hoài nghi cho chất lượng của các vở diễn VN.

Đúng như tiêu chí thử nghiệm, các nghệ sĩ quốc tế đưa rất nhiều phép thử mới tới Liên hoan. Như vở “Mối tình trong sáng” (Philippines) dựa trên nguyên tác “Romeo và Juliet” mang một màu sắc đậm giao thoa giữa các nền văn hóa Á- Âu khá độc đáo.

Âm thanh, giai điệu, trang phục, điệu nhảy iga của dân tộc Sama- Bajau ở miền Nam của Philippines, đưa khán giả chìm đắm, lôi cuốn theo trong những cảm xúc của nhân vật. Hay như vở “Chim Hải âu” nguyên gốc là của Tchekhov (Nga), nhưng đã trở một câu chuyện…

Thế nhưng ở một chiều ngược lại khái niệm thử nghiệm của các vở diễn Việt Nam lại khá “mông lung”. Các vở diễn của Việt Nam, tính thử nghiệm có phần khá dè dặt.

Ngay như nhà văn Nguyễn Quang Vinh- tác giả của vở diễn “Dưới cát là nước” giành HCV vở diễn và giải thưởng,thừa nhận ông viết kịch bản không quan tâm tới thử nghiệm.

Nhà hát Kịch Quân đội dựng một đề tài như “Dưới cát là nước” khác đề tài chiến tranh cách mạng gắn chặt với thương hiệu của mình đã là một thử nghiệm rồi, hơn thế ông cũng nhận thấy đạo diễn, diễn viên khiến tác phẩm hay hơn nhiều.

Còn ở góc độ một khán giả, NSND Giang Mạnh Hà- Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai nhận xét: “Các đoàn nước ngoài đưa các hình thức vào để vở diễn lung linh và hấp dẫn hơn.

Riêng với một số vở kịch của Việt Nam tôi thấy chưa phát hiện được những yếu tố mới. Mấy chục năm nay sân khấu vẫn cũ xưa chính vì vậy mới thử để tìm cái mới nhưng vẫn nghèo nàn về ngôn ngữ đạo diễn, về ý tưởng kịch bản và ngôn ngữ xử lý không gian”.

Ông Hà cũng cho hay một số anh em diễn viên có nghề vẫn giữ được phong độ nhưng chưa có sự bứt phá khác lạ đi. Nếu mà không tạo được yếu tố mới thì cảm giác sân khấu bị na ná nhau như mấy chục năm nay chúng ta vẫn làm.

“Có một xu hướng mà các nhà đạo diễn của VN có vẻ thích “thử” tại liên hoan lần này đó là việc kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn trong cùng một chương trình như “Nguyễn Du với Kiều” kết hợp cả hát văn, chèo, ca cải lương; “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” kết hợp chèo, hát xẩm, hát văn, múa. “Ionah Show” là sự kết hợp của nhiều loại hình biểu diễn trên nền chủ đạo là xiếc” - ông Hà cho hay

Thiếu giải thưởng do khán giả bình chọn

Tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 3, một điều đáng tiếc nhất BTC đã “quên mất” giải thưởng quan trọng là giải giành do khán giả bình chọn.

Việc các buổi diễn đã thu hút được khán giả xem chật kín khán phòng, bên cạnh những nhận xét chuyên môn thì đây mới thực sự là những nhận xét công tâm nhất.

Bởi suy cho cùng mỗi vở diễn khi được dàn dựng mục đích lớn nhất là phục vụ khán giả. Và, như NSƯT Mỹ Uyên - Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ nhỏ thể nghiệm 5B TP HCM cho rằng: “Chúng tôi đã có cơ hội học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp từ các đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Dù mỗi quốc gia trên thế giới có nền văn hóa dân tộc khác nhau nhưng tôi tin tất cả chúng ta trong liên hoan đều có chung một điều, đó là tình yêu dành cho nghệ thuật sân khấu, chúng ta đều nhiệt huyết và dốc hết tâm sức cho sự sáng tạo trong mỗi tác phẩm của riêng mình”.

Bỏ qua những tranh cãi thì việc tìm tòi, thử nghiệm là điều hết sức bình thường đối với bất cứ người làm sân khấu nào, có thể chỉ là cải tiến, có thể là phá vỡ không gian xưa cũ để tạo ra một loại hình mới. Hôm nay thử nghiệm là mới, nhưng ngày mai đã thành cũ; hoặc với người này, nơi này là lạ lẫm nhưng ở nơi khác thì đã được sử dụng từ lâu.

Hoàng Minh

Từ khóa

Sân khấu thử nghiệm sân khấu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/nhin-lai-mot-lien-hoan/135812