Nhìn lại công tác chống hạn vụ Xuân 2024: Cần thêm những giải pháp căn cơ

Trong bối cảnh mực nước trên hệ thống các sông ngày một hạ thấp, cần có thêm những giải pháp căn cơ nhằm nâng cao hiệu quả chống hạn vụ Xuân cho 11 tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) trong những năm tiếp theo.

Bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất

Vụ Xuân 2024, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả TP Hà Nội) canh tác tổng cộng 492.946ha lúa. Để bảo đảm cung cấp đủ nước phục vụ gieo cấy, thực hiện Quyết định số 740/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã phối hợp cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng kế hoạch, tổ chức hai đợt lấy nước.

Lịch lấy nước của từng đợt được xác định phù hợp với kỳ triều cường, tính toán cụ thể bằng mô hình toán để xác định khoảng thời gian điều tiết nước phù hợp với nhu cầu lấy nước phục vụ gieo cấy của các địa phương; đồng thời, bảo đảm tiết kiệm tối đa nguồn nước cho các hồ chứa thủy điện.

Lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2024 tại trạm bơm dã chiến Trung Hà (huyện Ba Vì).

Nhằm bảo đảm bổ sung nước cho hạ du theo kế hoạch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tăng cường phát điện trước các đợt lấy nước khoảng 2,5 - 3 ngày để dâng mực nước hạ du sông. Dòng chảy trong các đợt lấy nước cơ bản được bảo đảm theo yêu cầu.

Một số công trình lấy nước được nâng cấp, kịp thời đưa vào vận hành ở TP Hà Nội (trạm bơm dã chiến Phù Sa và Trung Hà) cũng đã giải quyết khó khăn về nguồn nước cho các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, giúp đẩy nhanh tiến độ lấy nước chung của địa phương.

Việc lấy nước cơ bản thuận lợi, giúp diện tích có nước tăng nhanh. Sau đợt chống hạn thứ hai, toàn bộ diện tích gieo cấy vụ Xuân khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) đã cơ bản lấy đủ nước. Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong cả hai đợt là 2,78 tỷ m3.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tổng lượng nước xả phục vụ sản xuất vụ Xuân 2024 thấp hơn khoảng 0,72 tỷ m3 so với tổng lượng nước xả dự kiến (3,5 tỷ m3). So với các năm gần đây, tổng lượng nước xả thấp hơn 0,84 tỷ m3 so với năm 2023, thấp hơn 1,46 tỷ m3 so với năm 2022 và thấp hơn 0,36 tỷ m3 so với năm 2021.

Tăng đầu tư, quản chặt khai thác cát

Báo cáo của Bộ NN&PTNT gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây đánh giá: tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông Hồng, với một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là vấn nạn khai thác cát, tiếp tục diễn biến phức tạp. Điều này khiến mực nước sông liên tục bị hạ thấp, ảnh hưởng đến hiệu suất lấy nước của các công trình thủy lợi.

“Thực tế, trong đợt 1 chống hạn vụ Xuân, các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang đã vận hành với lưu lượng lớn, nhưng thời gian mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội chỉ đạt trung bình 1,58m, cao nhất đạt 2,06m” - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Khanh cho biết.

Nông dân sản xuất vụ Xuân 2024 tại Hà Nội.

Từ nguyên nhân trên dẫn đến các công trình thủy lợi cố định chưa được đầu tư, sửa chữa nâng cấp như các cống: Cẩm Đình, Liên Mạc (TP Hà Nội), Long Tửu (tỉnh Bắc Ninh), không đủ điều kiện vận hành lấy nước. Tình trạng này đã thường xuyên diễn ra từ vài năm gần đây, kể cả khi các nhà máy thủy điện vận hành tối đa công suất phát điện.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, việc tiếp tục đầu tư các trạm bơm để có thể vận hành lấy nước chủ động, hạn chế phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện vẫn là giải pháp hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay để thích ứng với tình trạng mực nước sông bị hạ thấp.

Bên cạnh đó, cần thiết phải rà soát, bổ sung, duy trì hoạt động các trạm bơm dã chiến có khả năng vận hành không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, sẵn sàng thích ứng với tình trạng mực nước sông bị hạ thấp bất thường.

Để bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh, vừa bảo đảm tiết kiệm nước để phát điện trong điều kiện nguồn nước ngày càng khó khăn, đồng thời giảm dần sự phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan tiếp tục quản lý chặt chẽ tình trạng khai thác cát lòng sông thuộc lưu vực sông Hồng - Thái Bình. Điều này sẽ giúp hạn chế việc hạ thấp, biến đổi lòng dẫn, không gây tiếp tục hạ thấp mực nước sông.

Các địa phương gặp khó khăn về nguồn nước cần tổ chức rà soát, đánh giá khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi dọc sông. Trên cơ sở đó, có giải pháp thích ứng, bảo đảm an ninh nguồn nước theo chỉ đạo tại Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ công tác chống hạn vụ Xuân 2024 của Hà Nội, Bộ NN&PTNT đề nghị TP sớm có kế hoạch đầu tư các trạm bơm Trung Hà và Liên Mạc thay thế công trình cũ đã không đủ khả năng vận hành do tình trạng hạ thấp mực nước. Trước mắt, cần khẩn cấp xây dựng các trạm bơm dã chiến Liên Mạc và Hồng Vân, bảo đảm đưa vào vận hành lấy nước từ vụ Xuân 2025.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhin-lai-cong-tac-chong-han-vu-xuan-2024-can-them-nhung-giai-phap-can-co.html