Nhiều ý kiến góp ý vào bản thảo tài liệu lịch sử và tài liệu địa lý tỉnh Lào Cai

Ngày 9/1, Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức Hội thảo bản thảo tài liệu lịch sử và tài liệu địa lý tỉnh Lào Cai.

Thừa ủy quyền của Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đồng chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo có đại diện các ban tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan; ban tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; thành viên Ban biên soạn, Tổ giúp việc 2 cuốn tài liệu lịch sử, tài liệu địa lý tỉnh Lào Cai.

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nêu rõ: Thực hiện Kế hoạch 200 ngày 18/4/2023 của Tỉnh ủy Lào Cai về biên soạn tài liệu lịch sử tỉnh Lào Cai và địa lý tỉnh Lào Cai, trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban biên soạn triển khai xây dựng và hoàn thiện bản thảo hai cuốn tài liệu lịch sử và tài liệu địa lý tỉnh Lào Cai.

 Đồng chí Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo.

Bản thảo hai cuốn tài liệu đã tuân thủ đầy đủ các mục tiêu, yêu cầu Thường trực Tỉnh ủy đặt ra, bám sát đề cương chi tiết được phê duyệt, được kết cấu như sau:

Bản thảo “Tài liệu lịch sử tỉnh Lào Cai” có dung lượng 271 trang, ngoài phần lời nói đầu, mục lục, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, bản thảo được kết cấu gồm 6 phần: Lào Cai từ khởi nguyên đến khi thành lập tỉnh (1907); Lào Cai từ khi thành lập tỉnh đến trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1907 - 1930; Đấu tranh cách mạng tiến tới giải phóng Lào Cai (1930 - 1950); Bảo vệ thành quả cách mạng, khôi phục phát triển kinh tế, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1951 - 1975); Lào Cai trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc (1976 - 1990); Lào Cai sau 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển (1991 - 2021).

Bản thảo "Tài liệu địa lý tỉnh Lào Cai" có dung lượng 168 trang, ngoài lời giới thiệu, bản đồ hành chính, phụ lục, bản thảo được kết cấu gồm 5 phần: Khái lược địa lý hành chính tỉnh Lào Cai; Địa lý tự nhiên; Địa lý xã hội; Tình hình khai thác, sử dụng, phát huy lợi thế so sánh tỉnh Lào Cai trong thời gian qua; Một số định hướng lớn về quy hoạch phát triển tỉnh Lào Cai trong thời gian tới.

Để hoàn thiện cuốn Tài liệu lịch sử tỉnh Lào Cai và Tài liệu địa lý tỉnh Lào Cai bảo đảm chất lượng, trình Tỉnh ủy phê duyệt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu tham gia hội thảo phát huy tinh thần khoa học, dân chủ, tích cực thảo luận, đề xuất ý kiến góp ý vào dự thảo hai cuốn tài liệu quan trọng của tỉnh.

 Đại diện Trường Chính trị tỉnh đóng góp ý kiến bổ sung vào nội dung bản thảo Tài liệu lịch sử tỉnh Lào Cai.

Đại diện Trường Chính trị tỉnh đóng góp ý kiến bổ sung vào nội dung bản thảo Tài liệu lịch sử tỉnh Lào Cai.

 Đại diện Sở tài nguyên và Môi trường đóng góp ý kiến vào bản thảo Tài liệu địa lý tỉnh Lào Cai.

Đại diện Sở tài nguyên và Môi trường đóng góp ý kiến vào bản thảo Tài liệu địa lý tỉnh Lào Cai.

 Các đại biểu nêu nhiều ý kiến góp ý vào bản thảo hai cuốn tài liệu lịch sử, địa lý của tỉnh.

Các đại biểu nêu nhiều ý kiến góp ý vào bản thảo hai cuốn tài liệu lịch sử, địa lý của tỉnh.

Tại hội thảo, đa số đại biểu đánh giá bản thảo hai cuốn tài liệu lịch sử và tài liệu địa lý tỉnh đã thống nhất theo đề cương, có dung lượng lớn, nhiều thông tin, dữ liệu quan trọng, đề cập khá đầy đủ tiến trình lịch sử và đặc điểm địa lý của tỉnh.

Các đại biểu cũng nêu 14 ý kiến góp ý vào bản thảo tài liệu lịch sử và tài liệu địa lý tỉnh, tập trung vào một số vấn đề như: Kết cấu các phần bản thảo; sự chính xác, khách quan, thống nhất của các thông tin, số liệu giữa các phần, các mục; bổ sung, hiệu chỉnh nội dung các phần trong bản thảo; cách trình bày các biểu, bảng số liệu; bổ sung các hình ảnh tư liệu…

 Đồng chí Dương Đức Huy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Dương Đức Huy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá cao tinh thần khoa học, trách nhiệm của các đại biểu với nhiều ý kiến đóng góp mang tính xây dựng để làm cơ sở hoàn thiện hai cuốn sách theo kế hoạch.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh, hai cuốn tài liệu được ban hành sẽ góp phần đắc lực phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống và địa lý tỉnh Lào Cai nói chung và các địa phương trong tỉnh nói riêng; giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh nắm vững, hiểu rõ về lịch sử, địa lý tỉnh Lào Cai, từ đó nâng cao nhận thức chính trị, lòng tự hào về truyền thống dân tộc, quê hương, tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước.

Do đó, để việc xuất bản hai cuốn tài liệu bảo đảm chất lượng, đáp ứng tốt mục tiêu, yêu cầu đề ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo Ban biên soạn tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện bản thảo hai cuốn tài liệu theo định hướng chỉ đạo, kết luận hội thảo, trình Tỉnh ủy phê duyệt; hoàn tất các thủ tục xin phép xuất bản và phát hành tài liệu theo quy định.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nhieu-y-kien-gop-y-vao-ban-thao-tai-lieu-lich-su-va-tai-lieu-dia-ly-tinh-lao-cai-post378289.html