Nhiều vàng… mà chẳng thấy vui

Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5) vừa kết thúc tại Đà Nẵng, thành tích đứng nhất toàn đoàn với 52 HCV của đoàn Việt Nam lại khiến nhiều người chẳng mấy vui. Có vàng mà chẳng thấy vui chính là điều đọng lại bởi câu hỏi kinh phí tổ chức đại hội này liệu có đáng trong bối cảnh đất nước và thể thao thành tích cao vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao.

Thẳng thắn trao đổi với Tinh Hoa Việt, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao đã cho rằng “Phải có trách nhiệm lựa chọn đấu trường trong điều kiện tương ứng hiện nay!”.

Hơn 2 năm trước, dư luận trong nước đã phản đối ý định đăng cai tổ chức Á vận hội 2019 tại Việt Nam. Việc Chính phủ đã đưa ra quyết định rút lui không tổ chức cho sự kiện tốn kém ấy ngay trước giờ G là một quyết định đúng đắn và được nhân dân cả nước vui mừng ủng hộ. Nhưng, việc tổ chức vừa qua ABG 5 tại Đà Nẵng với nguồn ngân sách “không nhiều lắm”, chỉ gần 400 tỷ đồng và đoàn Việt Namđứng thứ nhất. Thế nhưng chả mấy người vui và họ đặt ra câu hỏi thành tích đó có xứng đáng cho một ngày hội hay không?

PV: Ông nghĩ gì về thành tích của đoàn Việt Nam ở ABG 5?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Đại hội này mục đích là thể thao giải trí, không phải là thể thao thành tích cao. Tức là trong cái hệ thống thi đấu thể thao có mấy loại bài tập, một loại bài tập để lựa chọn vận động viên thi đấu các giải, thì đó là thể thao thành tích cao, còn có một loại bài tập nữa để nâng cao sức khỏe phát động phong trào thể thao quần chúng thì trước gọi là thể thao quần chúng còn bây giờ olympic gọi là phong trào sport for all tức là thể thao cho mọi người.

Đây là một dạng thể thao giải trí, là những môn thể thao ở trên biển, bao gồm các loại thuyền buồm, thuyên đôi, thuyền đơn, thuyền lướt sóng buồm… Cái đó là thể thao ở trên biển. Thể thao trên biển, có hai mục đích, một là giải trí, hai là thúc đẩy sự phát triển của du lịch, kéo người ta đến những bờ biển đẹp ở vùng đất nào đó để giới thiệu đất nước, con người ở đó. Nên mục đích của nó rõ ràng là để giải trí, quảng bá, kích cầu du lịch.

Đây là những môn chơi, song khi chúng ta tổ chức lại xoay ra tính chất là thể thao thành tích cao, mà ở VN chưa phát triển những môn thể thao giải trí như thuyền buồm hay những môn thể thao bờ biển, nhưng anh lại đưa những môn trong nhà anh ra làm thể thao giải trí, anh sử dụng vận động viên thể thao thành tích cao để tham gia thi đấu. Đấy là vấn đề thứ nhất,

Vấn đề thứ hai, vì là thể thao giải trí nên các nước không coi trọng, người ta không cử vận động viên cấp cao, trình độ cao tham gia. Thế nên các nước họ chỉ đưa vận động viên đại diện thôi. Giải trí thì bóng chuyền, bóng ném, bóng đá đều ra bãi cát chơi được.

Thành tích giành tới 52 HCV của đoàn Việt Nam có phải do chúng ta thực sự mạnh?

- Tất nhiên trong bất cứ cuộc đấu nào, giải đấu nào thì sự nỗ lực của các HLV, VĐV luôn được trân trọng vì họ đã thi đấu vì màu cờ sắc áo, vì chiến thắng. Việt Nam có sự chuẩn bị tốt cho đại hội lần này, điều đó ai cũng phải thừa nhận. Các đội tuyển được tập trung, tập huấn rất tốt. Ngoài ra, chủ nhà có thế mạnh, lợi thế trong việc lấy huy chương, cụ thể là đưa các môn mạnh của chúng ta. Đây chính là chiến thuật lấy huy chương. Các nước thường không đánh giá cao chiến thuật này, mà họ quan tâm tới luật thi đấu, điều lệ, sự sòng phẳng... Các nước không coi trọng thành tích ở các giải này, nên không cử VĐV xuất sắc, ưu tú. Từ những vấn đề trên đây, thì việc chúng ta giành tới 52 HCV cũng là dễ hiểu, nhưng thực tế ở một giải đấu thể thao thành tích cao làm sao chúng ta có thể đứng trên được các cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran... Như vậy, cá nhân tôi không đánh giá cao thành tích đứng đầu của đoàn Việt Nam. Như vậy rõ ràng đây là một kỳ đại hội mà chúng ta đã rất tốn kém nhưng hiệu quả thu lại không cao.

Chúng ta đưa ra những vận động viên cấp độ cao ra để thi đấu với những vận động viên ở nước ngoài nói nôm na là không chuyên, nên chúng ta giành giải cao không có gì lạ cả.

Đây vẫn là căn bệnh hám thành tích phải không thưa ông?

- Tôi nghĩ đây là một cách nhìn nhận tính mục đích và phương thức tổ chức không rõ ràng. Thực ra VN không đặt mục tiêu lớn lắm về thành tích ở đây đâu. Nhưng do cách thức, vì anh không có các môn kia (thể thao bờ biển) nên anh lại đưa các môn trong nhà ra, những môn này các nước lại không chơi nhiều ví dụ như vật, hay pencat silat, anh đều lấy tất cả huy chương, hay vovinam, võ cổ truyền, nước ngoài họ không chơi… Tôi không nói là chúng ta đạt được thành tích không có ý nghĩa gì, song tính chất của cuộc đấu cho thấy, thành tích ấy không thể hiện được trình độ thể thao của nước mình. Thể thao nước mình có mạnh hay không, trình độ có mạnh hay không thể hiện ở đấu trường thế giới như Olympic, ASIAD… còn ở chỗ này, là vui chơi giải trí.

Vì vậy, quan điểm của tôi, nếu đã là vui chơi giải trí, thì phải bao gồm phương tiện, kinh phí, đời sống, đặc biệt nguồn kinh phí phải xã hội hóa. Vì thể thao VN đựa vào nguồn ngân sách nhà nước, mà ngân sách chỉ cấp cho thể thao thành tích cao thôi. Cho nên khi đặt vấn đề cấp ngân sách cho loại hình thể thao này, Bộ Tài chính họ mãi không thông được là vì vậy. Cho nên cái cần thiết của nhà quản lý là phải định hướng, định hướng thứ nhất là phát triển loại thể thao nào, đặc biệt là thể thao thành tích cao, rồi đến thể thao quần chúng, kế đó mới đến là thể thao khuyết tật. Đừng nghĩ thể thao khuyết tật là cũng chỉ để lấy thành tích. Tôi cho rằng, nghĩ như vậy cũng không đúng. Thể thao khuyết tật là cổ vũ những người khuyết tật vượt qua chính mình, chúng ta tìm mọi cách để chăm sóc người khuyết tật, chứ không phải tập trung những vận động viên khuyết tật rồi cũng luyện tập, tập huấn như vận động viên thi đấu, rồi cũng thi đấu với mục đích giành thành tích như thể thao thành tích cao. Còn thể thao quần chúng thì phải xã hội hóa, vui chơi giải trí mà. Ví dụ thi hoa hậu thì có thi hoa hậu biển, thuyền buồm… cái này xã hội hóa làm chứ Chính phủ có làm đâu. Cho nên nếu lấy nguồn ngân sách để phục vụ cho chương trình thi đấu vừa qua là anh sẽ gặp khó khăn.

Tôi nghĩ cũng không cần thiết, bởi cái thành tích ấy không thể hiện được và không có tác dụng nhiều trong việc phát triển các bộ môn thể thao thi đấu Olympic. Tôi lấy ví dụ như các nước Trung Quốc, Nhật Bản họ chỉ nhắm vào đấu trường thế giới hoặc như ASIAD, bao giờ họ cũng giành đến 100 huy chương vàng trên tổng số 300 bộ huy chương, vận động viên của họ kéo đến 500-700 người. Còn đại hội này của mình họ đến có 50-70 người, đến để chơi vui vẻ. Hai mục đích hoàn toàn khác nhau. Cái được ở lần này chỉ là có tác dụng là quảng bá cho bờ biển của Đà Nẵng, chứ họ không coi trọng thành tích ở đây.

Chúng ta rút ra được những bài học gì cho tương lai, thưa ông?

- Chúng ta cần phải lựa chọn đấu trường nào, sân chơi nào, trong điều kiện khó khăn về tài chính, tổ chức như hiện nay. Chúng ta phải quan tâm hơn tới sự đầu tư cho các môn thể thao thành tích cao, với mấy trăm tỷ đăng cai đại hội này thì đầu tư cho các môn hướng tới ASIAD, Olympic có hơn không, chứ cái gì cũng làm, sẽ phân tán nguồn lực, sự chỉ đạo. Nói tóm lại là nếu chúng ta có tiền, có điều kiện thì tổ chức, còn không thì tập trung vào các mục tiêu chính. Cần phải nhắc lại Đại hội AIG 3 tổ chức năm 2009, khi đó chẳng quốc gia nào đăng cai thì chúng ta nhận, sau đó thì đại hội này cũng không được tổ chức nữa vì không hiệu quả. Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần này cũng vậy, sau Việt Nam hiện chưa có quốc gia nào nhận đăng cai tiếp theo. Chúng ta cần xem xét lại, phải có trách nhiệm lựa chọn đấu trường trong điều kiện tương ứng hiện nay.

Thể thao cần rút kinh nghiệm gì sau đại hội này?

- ABG5 không được giới truyền thông quan tâm, và cũng chẳng phải là sự kiện khơi dậy tình yêu thể thao nơi người hâm mộ. Người ta đã tốn quá nhiều cho “festival biển” này mà rốt cuộc thể thao chẳng thu về được gì nhiều. Điều đáng suy ngẫm nữa chính là trong khi nhiều chiến lược, kế hoạch chấn hưng và phát triển thể thao nước nhà quan trọng hơn chưa được quan tâm đúng mức, thì chúng ta lại đổ tiền và nhân lực vào một đại hội “vô thưởng, vô phạt”.

Cái này cũng bàn nhiều rồi. Tôi nghĩ các nhà quản lý thể thao đều biết hết những điều tôi nói. Nhưng có điều, trong cơ chế bộ đa ngành như thế này, quản lý của lãnh đạo thiếu chặt chẽ, giám sát thiếu chặt chẽ. Giám sát cái gì? Sau khi anh xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển tập trung vào cái gì thì hãy tập trung vào cái đó, chứ không nên phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của một số cá nhân lãnh đạo. Tôi cho rằng Đại hội này được tổ chức là từ ý muốn chủ quan của một số lãnh đạo cấp cao chứ còn ngành thể thao tôi biết, họ rất vất vả và họ không muốn làm cái này. Nhưng đã đưa về rồi, trách nhiệm thì phải làm thôi, nhưng làm rất khó khăn. Nếu anh chỉ có một tỷ thì anh chỉ tập trung vào một thứ thôi làm sao làm nhiều thứ được. Nói thế để thấy nguồn ngân sách của Chính phủ rất hạn hẹp, chủ yếu là anh lựa chọn đấu trường nào, tổ chức đại hội nào và nhằm mục đích gì, đấy là bài học mà lúc nào cũng cần phải cân nhắc xem xét kỹ lưỡng.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Quân (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nhieu-vang-ma-chang-thay-vui/129285