Nhiều vấn đề cần giải đáp về mô hình ngân hàng đất nông nghiệp

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, mô hình ngân hàng đất nông nghiệp được quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, góp phần sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả và bền vững hơn. Nhưng, hiện cũng còn một số vấn đề xung quanh mô hình này cần được nghiên cứu làm rõ hơn.

Vì sao nông dân giữ đất nông nghiệp?

- Theo ông, liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất nông nghiệp có những vấn đề gì đặt ra cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong Luật Đất đai?

- Có thể thấy, chính sách pháp luật về đất nông nghiệp nói riêng, chính sách tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) nói chung luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Điều này cũng được thể hiện trong Luật Đất đai. Nhưng, tình hình kinh tế - xã hội hiện nay đang đặt ra một số vấn đề đòi hỏi chính sách pháp luật phải xử lý.

Thứ nhất, cần bảo vệ đất nông nghiệp, đặc biệt là hơn 3 triệu ha đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Thứ hai, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 12 triệu hộ gia đình nông dân trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quỹ đất nông nghiệp bị chuyển đổi sang mục đích khác đang khiến diện tích đất nông nghiệp sụt giảm.

Thứ ba, phải khắc phục được tình trạng manh mún, phân tán trong sử dụng đất nông nghiệp. Làm thế nào để tiếp tục tập trung được đất nông nghiệp, tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp và đưa công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ giới hóa vào là vấn đề đang đặt ra với các cơ quan quản lý.

- Luật Đất đai hiện hành quy định theo hướng giúp bảo vệ tư liệu sản xuất cho các cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Từ thực tế vừa qua, theo ông, quy định này có hạn chế gì?

- Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013 đều có quy định để thực hiện chính sách bảo đảm cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối có đất để sản xuất. Do vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài không được trực tiếp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp. Tổ chức kinh tế trong nước được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng trừ đất trồng lúa ổn định. Các quy định này thể hiện chính sách bảo vệ tư liệu sản xuất cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nhưng vô hình chung cũng tạo rào cản doanh nghiệp trong tiếp cận đất nông nghiệp để sản xuất.

Quy định tại Luật Đất đai năm 2003 và 2013 dù giúp bảo vệ tư liệu sản xuất cho các cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp, song tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng đất nông nghiệp đã diễn ra phổ biến ở một số khu vực. Tình trạng này xảy ra do ruộng đất phân tán khiến nông dân càng làm càng lỗ. Chi phí đầu vào, ngày công, phân bón rồi thuốc bảo vệ thực vật quá cao, trong khi, năng suất lao động thấp, giá nông sản của nước ta nhìn chung còn thấp. Thậm chí, dù nước ta đã tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhưng tiếp cận những thị trường này không dễ, vì vấp phải hàng rào kỹ thuật. Bởi vậy, trong thời gian gần đây, ở nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng người nông dân bỏ hoang ruộng đất, ra các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất để tìm kiếm việc làm.

Tuy nhiên, nông dân bỏ hoang ruộng đất cũng không chuyển nhượng cho cá nhân, đối tượng có nhu cầu sử dụng, vì đây giống như là một cuốn sổ bảo hiểm với họ để khi không tìm được việc làm mới thì họ sẽ về quê, với mảnh ruộng có sẵn thì họ sẽ vẫn tồn tại được. Ngoài ra, đất nông nghiệp được nông dân giữ còn bởi sẽ mang lại lợi nhuận khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định pháp luật hiện hành. Khi đó, người nông dân sẽ được nhận bồi thường – số tiền không nhỏ nếu so sánh với giá thành nông sản, với sự vất vả "hai sương một nắng" của họ. Nông dân cũng không muốn góp đất với doanh nghiệp vì sợ khi doanh nghiệp phá sản thì sẽ mất đất.

Trong cơ chế chính sách hiện nay, việc người nông dân góp đất và góp như thế nào đều chưa rõ, dù trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề cập. Làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn vừa bảo đảm nông dân có tư liệu sản xuất, vừa tạo điều kiện phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, năng suất cao và bền vững là nhiệm vụ đang được đặt ra với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Ngân hàng đất nông nghiệp sẽ tạo lập quỹ đất nông nghiệp bằng cách nào?

- Mâu thuẫn nêu trên đã được giải quyết như thế nào tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến Nhân dân thưa ông?

- Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến Nhân dân đã tiếp tục kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013 về thời hạn giao đất, cho thuê đất nông nghiệp. Tức là, không phân biệt thời hạn giao đất, cho thuê đối với đất trồng cây hằng năm, lâu năm, đất lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản hay làm muối. Với nhóm đất nông nghiệp thời hạn giao, cho thuê là 50 năm. Khi hết thời hạn, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng sẽ phải làm đơn gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét trong thời hạn sử dụng đất anh sử dụng đất có đúng mục đích không, có chấp hành đúng pháp luật đất đai không, nếu đúng thì Nhà nước sẽ gia hạn thời hạn sử dụng là 50 năm. Qua quá trình thực hiện, quy định này đã cho thấy sự hợp lý, tạo yên tâm với người nông dân. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng nâng hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.

Để góp phần khắc phục tình trạng phân tán đất đai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận được đất để thực hiện dự án đầu tư trong nông nghiệp, dự thảo Luật cũng đã sửa quy định cho phép các đối tượng nêu trên được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp. Tất nhiên, tổ chức, doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi đáp ứng một số điều kiện. Cụ thể, doanh nghiệp, tổ chức phải thực hiện các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp; chứng minh năng lực tài chính và phương án sử dụng đất sẽ mang lại hiệu quả. Các điều kiện này được đưa ra để nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế lợi dụng việc luật mở ra, cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đi gom đất nông nghiệp của người nông dân, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô, bán nền, kiếm lời.

- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đưa ra một mô hình rất mới là ngân hàng đất nông nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về mô hình này?

- Ngân hàng đất nông nghiệp là một mô hình rất mới được dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, trên cơ sở học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, của Đài Loan từ những năm 60 của thế kỷ trước. Kinh nghiệm từ các nước đã áp dụng mô hình này cho thấy, khi người nông dân có đất nhàn rỗi, thay vì bỏ hoang, thì có thể cho ngân hàng đất nông nghiệp thuê lại. Ngân hàng này sẽ cho các doanh nghiệp thuê lại và trích từ tiền đó trả cho người nông dân.

Như vậy, người nông dân vẫn giữ được đất, vừa có thêm thu nhập từ mảnh đất nhàn rỗi của mình, trong khi doanh nghiệp cũng có đất đai để sản xuất lớn. Khi người nông dân cần lấy lại đất thì họ có thể lấy lại, tương tự như việc gửi tiết kiệm vậy. Tôi cho rằng, mô hình ngân hàng đất nông nghiệp sẽ thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, góp phần khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp vừa qua.

- Ngân hàng đất nông nghiệp là một mô hình để thực hiện chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua cho thuê, chuyển nhượng. Để thực hiện đúng mục tiêu khi xây dựng dự án Luật này thì cần có những yếu tố nào nữa?

- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, ngân hàng đất nông nghiệp do Chính phủ thành lập. Nhưng, cơ quan nào thay mặt Chính phủ quản lý mô hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước? Ngân hàng đất nông nghiệp thực hiện chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp bằng cách nào? Sẽ được thành lập theo một hệ thống từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, hay chỉ thành lập ở những địa phương có nhiều đất nông nghiệp? Cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của mô hình này như thế nào? Khi tranh chấp xảy ra sẽ giải quyết theo cơ chế riêng hay đưa ra tòa án?

Tôi cho rằng, khi trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ra Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai, cơ quan chủ trì soạn thảo cần có báo cáo giải trình cụ thể về những vấn đề nêu trên, qua đó bảo đảm mô hình này sẽ vận hành hiệu quả.

- Xin cám ơn ông!

Lê Bình thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/nhieu-van-de-can-giai-dap-ve-mo-hinh-ngan-hang-dat-nong-nghiep-i317197/