Nhiều vấn đề an ninh nóng trên bàn nghị sự

Kể từ năm 1963, Hội nghị An ninh Munich thường niên là nơi các nguyên thủ, chuyên gia cùng thảo luận về các vấn đề an ninh và quốc phòng châu Âu - Đại Tây Dương. Được chi phối bởi sự hiện diện của các quốc gia NATO, hội nghị có chức năng như thước đo các cuộc tranh luận về an ninh châu Âu và giúp xác định các xu hướng trong tương lai. Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59, sẽ diễn ra từ ngày 17 - 19.2 tại Munich, Đức, đưa ra chương trình nghị sự phong phú với nhiều lĩnh vực trọng tâm.

Hội nghị An ninh Munich 2023 sẽ diễn ra từ ngày 17.2 đến ngày 19.2 tới tại Munich, Đức

Hội nghị An ninh Munich 2023 sẽ diễn ra từ ngày 17.2 đến ngày 19.2 tới tại Munich, Đức

Do một loạt những khó khăn mà NATO gặp phải trong những năm gần đây, như việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi các nước châu Âu tăng chi phí đóng góp, tình trạng hoạt động thiếu hiệu quả như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nhận xét về “cái chết não của NATO”, chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á và câu hỏi về quan hệ với Trung Quốc... Hội nghị An ninh Munich thời gian qua đã nỗ lực làm mới chính mình bằng cách ngày càng tập trung vào các khía cạnh an ninh của các vấn đề toàn cầu, bao gồm khí hậu, đa dạng sinh học, kỹ thuật số, y tế và thực phẩm…

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã buộc Hội nghị này trở lại với nguồn gốc của nó: trật tự an ninh ở châu Âu, mà theo các nhà lãnh đạo châu lục, cần được tái tạo hoàn toàn. Điều này sẽ đòi hỏi phải viết ra các quy tắc mới và cải cách thể chế, nhưng cũng phải suy nghĩ lại về toàn bộ công cụ phòng thủ của châu Âu trước các mối đe dọa mới hoặc chưa được phát hiện trước đây.

Nhiều vấn đề sẽ được đưa ra xem xét tại hội nghị lần này, trong đó nổi lên 6 chủ đề quan trọng như:

Tình hình Ukraine

Quân đội Nga khởi đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine chỉ vài ngày sau Hội nghị An ninh Munich 2022. Và sau gần 1 năm xảy ra chiến sự, câu hỏi về khả năng kết thúc xung đột vẫn là chủ đề còn nhiều tranh cãi. Chiến lược hiện tại của quân đội hai nước cho thấy, dường như họ có xu hướng chấp nhận một chiến tranh không hồi kết trong tương lai gần, bất chấp tổn thất và thiệt hại to lớn.

Trong bối cảnh này, sự ủng hộ của Đức và Pháp đối với cuộc chiến ở Ukraine sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Trái ngược với quan điểm của Đức, Chủ tịch của Hội đồng An ninh Munich từ năm 2022, Christoph Heusgen, ủng hộ việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine. Lầu Năm Góc dường như đang nóng lòng với ý tưởng này sau khi gửi 31 xe tăng Abrams tới Ukraine vào tháng trước.

Tương lai NATO

Khả năng của NATO trong việc duy trì sự đoàn kết của liên minh trong dài hạn, cũng như vấn đề chia rẽ Đông - Tây ngày càng tăng, có thể sẽ bị xem xét kỹ lưỡng tại hội nghị. Bất chấp sự thống nhất do hoàn cảnh hiện tại tạo ra, nhiều quốc gia thành viên phía Đông có chung đường biên giới với Nga ngày càng cảm thấy rằng, các quốc gia phía Tây đang hành động thiếu quyết đoán. Tương lai của liên minh phụ thuộc vào sự nhanh nhẹn, khả năng đáp ứng sự chia rẽ này và khả năng đáp ứng các yêu cầu của môi trường an ninh ngày nay.

Các cuộc thảo luận khác sẽ tập trung vào vấn đề mở rộng liên minh NATO để bao gồm cả Thụy Điển và Phần Lan. Đơn xin gia nhập NATO của Ukraine cũng sẽ được thảo luận nhưng dự kiến sẽ không dẫn đến bất kỳ quyết định nào trong thời gian ngắn.

Chi tiêu quốc phòng

Đức và Pháp, từng công bố khoản tài trợ hàng tỷ euro để hỗ trợ và nâng cấp quân đội của họ trong bối cảnh địa chính trị mới hiện nay, đặt ra những câu hỏi quan trọng về cách thức các khoản tiền này sẽ được tiếp cận như thế nào.

Khái niệm “châu Âu hóa” quốc phòng là trọng tâm của công tác lập pháp ở EU hiện nay, buộc các công ty quốc phòng quan tâm đến thị trường châu Âu phải thể hiện cam kết của họ ở châu Âu. Một khía cạnh khác là sự liên kết chặt chẽ với các ưu tiên của tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị), chẳng hạn như "xanh hóa" quân đội và tôn trọng nhân quyền. Một số câu trả lời có thể được tìm thấy trong Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên của Đức, có thể được công bố tại hội nghị.

Xác định quan hệ với Trung Quốc

Xác định mối quan hệ của châu Âu với Trung Quốc sẽ như thế nào, cả với tư cách là một khối và từng quốc gia riêng lẻ, sẽ là điểm tập trung chính của hội nghị. Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia khiến cuộc thảo luận này trở nên khó khăn hơn so với trước đây, có thể là về công nghệ, thương mại, năng lượng hoặc sự chuẩn bị cho đại dịch.

Năng lượng và khí hậu

Năng lượng sẽ chứng tỏ là chủ đề quan trọng khi các quốc gia cam kết lựa chọn năng lượng xanh đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng an ninh năng lượng. Người châu Âu sẽ tiếp tục thảo luận về câu trả lời của họ đối với Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ và các biện pháp để nới lỏng các quy tắc tập thể nghiêm ngặt của họ về trợ cấp của nhà nước. Hội nghị cũng có thể tập trung vào tính cấp bách trong việc tăng cường khả năng phục hồi trước các tác động của khí hậu, như di cư, đặc biệt là ở những khu vực trên toàn cầu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, chẳng hạn như châu Phi và Đông Nam Á.

Công nghệ và an ninh mạng

Hội nghị có thể sự nhấn mạnh vào việc tăng cường hợp tác thông qua việc thiết lập tiêu chuẩn chung về công nghệ và an ninh mạng, đặc biệt là giữa EU và Mỹ, đồng thời tiếp tục cam kết bảo đảm môi trường thông tin dân chủ và đáng tin cậy. Quy định công nghệ của châu Âu sẽ được chú trọng, bao gồm Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số và thị trường kỹ thuật số, vốn tìm cách tạo ra không gian kỹ thuật số an toàn hơn, bảo vệ các quyền cơ bản của người dùng, cũng như tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp…

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/nhieu-van-de-an-ninh-nong-tren-ban-nghi-su-i316307/