Nhiều trẻ em Việt nam dùng đồ chơi không an toàn: Lực lượng chức năng giám sát, xử lý chưa nghiêm

(PL&XH) - Năm nay, thị trường đồ chơi trẻ em chuẩn bị cho ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6) với các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc đã không còn sôi động như các năm trước, song vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo...

Khảo sát của PV báo PL&XH tại các tuyến phố, địa điểm chuyên kinh doanh các mặt hàng này ở Hà Nội vào một ngày cuối tháng 5 cho thấy, nhiều cửa hàng nay đã có hơi hướng chuyển lĩnh vực kinh doanh hoặc giảm về số lượng hàng hóa bày bán. Đây có thực sự là biến chuyển tích cực?

Hàng Trung Quốc vẫn thắng thế

Nhân viên một cửa hàng bày bán thú nhồi bông trên phố Hàng Cân, quận Hoàn Kiếm cho hay, một phần vì kinh tế khó khăn, ước tính lượng khách hàng sẽ không dồi dào như các năm trước, cửa hàng này đã giảm số lượng hàng hóa “nhập” về. “Lấy về nhiều, bán cho ai? Mọi năm, thời điểm này là tấp nập rồi nhưng năm nay khách rất vắng” - nữ nhân viên này cho hay.

Ở một cửa hàng khác, chuyên bán các mặt hàng đồ chơi ô tô, siêu nhân, bộ xếp hình… lượng khách thưa thớt. Thậm chí, vừa mua hàng, vừa quan sát trong hơn một giờ đồng hồ, PV là vị khách duy nhất ở đây. Các mặt hàng của cửa hàng này đều có xuất xứ từ Trung Quốc với mác ghi “Made in China”. “Em muốn mua số lượng khoảng 5-7 triệu đồng tiền hàng để cơ quan làm quà tặng cho các cháu là con cán bộ, nhân viên, cửa hàng có tem chất lượng và hóa đơn không?”, đáp lại câu hỏi này của PV, chủ cửa hàng thẳng thắn: “Chị chỉ bán hàng Trung Quốc em ạ”.

Lý giải cho sự thất thế của mặt hàng đồ chơi Việt Nam ở khu vực này, một chủ cửa hàng đồ chơi trên phố Hàng Lược thẳng thắn cho biết, đã có nhiều Cty sản xuất đồ chơi trong nước (nhiều cơ sở ở Sài Gòn) đến khu vực này đặt đại lý ký gửi, song đa số thất bại. “Tôi không nắm rõ có còn cửa hàng nào bán đồ của Việt Nam mình nữa hay không, còn cửa hàng tôi thì đã từng bán cho một Cty trong Sài Gòn, nhưng rồi không hợp tác nổi, đành thôi” - chủ cửa hiệu cho hay.

Giải thích cho sự vắng bóng của nhiều đồ chơi mang tính bạo lực như súng, gươm, đao, giáo, mác…, một chủ cửa hàng trên phố Lương Văn Can cho hay, do sự truy quét của lực lượng chức năng nên các cửa hàng đã phần nào “biết sợ”. “Bọn chị cũng yêu nước, cũng muốn bán hàng trong nước, mà con người ta cũng như cháu, chắt mình, sao mình không thương, không muốn bán hàng tốt cho chúng nó dùng. Nhưng nói thật là hàng Việt mình…” - nữ chủ cửa hàng này chia sẻ.

Khảo sát của PV báo PL&XH trong ngày 24-5 cho thấy, không chỉ các con phố chuyên bán đồ chơi trẻ em ở khu vực quận Hoàn Kiếm bày la liệt hàng nhãn mác xuất xứ Trung Quốc mà tại các cổng trường học, các quầy bán đồ lưu niệm, đồ chơi dành cho trẻ em, không khó để tìm mua, lựa chọn các mặt hàng này. “Con thích khẩu súng hình đầu con khủng long, phun ra nước này hơn là bộ xếp hình kia”. “Nhưng chơi cái này rất độc”. “Mặc kệ, con chơi vài hôm thôi, mẹ không mua, tối về con đi ngủ sớm, không học bài đâu”. Đây là đoạn đối thoại PV nghe được tại một cửa hàng bán đồ chơi gần trường Tiểu học Kim Liên vào giờ tan học.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (QCVN 3:2009/BKHCN) có hiệu lực từ ngày 15-4-2010, các loại đồ chơi trẻ em (sản xuất trong nước và nhập khẩu) lưu thông trên thị trường bắt buộc phải có dấu chứng nhận hợp quy (tem CR). Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các loại đồ chơi bán trên thị trường đều chưa thực hiện quy định này.

Hiện nay trên thị trường tràn ngập các loại đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, chúng được tuồn về Việt Nam theo đường tiểu ngạch nên khó kiểm soát.

Hiểm họa khôn lường

Hiện nay, trên thị trường tràn ngập các loại đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, đồ chơi được tuồn vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch, rất khó kiểm soát. Từ những loại đồ chơi này, sẽ là hiểm họa khôn lường đối với con trẻ sau này. Lo ngại đầu tiên là trẻ hoàn toàn có thể bị nhiễm các chất độc hại qua đồ chơi.

Theo bác sĩ Lê Thanh Huyền, Bộ Y tế, xét về mặt hóa chất, con trẻ có thể bị nhiễm độc từ các yếu tố thôi nhiễm nguy hiểm. Các yếu tố này chính là các nguyên tố cấu tạo nên vật liệu nhựa, thủy tinh, kim loại, phẩm màu, với 10 nguyên tố nguy hiểm: Stibium (Sb), Asen (As), Bari (Ba), Cadimi (Cd), Crom (Cr), Chì (Pb), Thủy ngân (Hg), Selen (Se), Clo (Cl) và Lưu huỳnh (S). Đây là những nguyên tố cần phải xem xét đầu tiên và cơ bản nhất khi kiểm định tính an toàn độc hại hóa học của đồ chơi trẻ em. Ngoài ra, còn có chất Fomaldehyde trong các sản phẩm nhựa.

Những nguyên tố này, khi thôi ra, chúng có thể gây độc hại. Mặc dù không gây ra những bệnh cấp tính dữ dội song chúng lại có khả năng tích lũy và gây bệnh mãn tính với sự phát triển âm thầm. Chúng có thể gây ra nhiều bệnh khác nhau. Một số bệnh điển hình là bệnh não, suy giảm trí tuệ, viêm gan, suy thận, teo thận, rối loạn giấc ngủ trẻ em, tan máu, ung thư gan, thận, phổi, dạ dày... “Đây là những bệnh lý hệ trọng, cực kỳ nguy hiểm với trẻ em” - bác sĩ Huyền nhấn mạnh.

Tùy vào nguyên tố thôi nhiễm, tùy vào lượng chất thôi nhiễm là bao nhiêu mà trẻ em có thể bị nhiễm độc với các biểu hiện và mức độ khác nhau. Không phải tất cả trẻ em chơi đồ chơi thiếu an toàn đều có thể bị nhiễm độc như trên, không phải mọi nhiễm độc hóa học từ đồ chơi đều có đầy đủ các bệnh trạng như trên nhưng đó là những dấu hiệu và bệnh lý có thể gặp. “Ở giai đoạn đầu, trẻ có thể có một số biểu hiện rối loạn nhất định như quấy khóc, chán ăn, bỏ ăn, ngủ không sâu, hay tỉnh giấc, hay nôn trớ, hay bị rối loạn tiêu hóa” - bà Huyền lưu ý.

Trao đổi với PV, bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho hay, với trẻ em ở tuổi đang phát triển nên cơ thể cực kỳ nhạy cảm với bất kỳ hóa chất nào, đặc biệt là những hóa chất hay kim loại nặng có độc tính cao. Đồ chơi rẻ tiền được sản xuất từ những khuôn mẫu làm bằng kim loại không đảm bảo chất lượng, có nhiều tạp chất và chất độc sẽ thôi nhiễm vào sản phẩm, gây nguy hại cho trẻ khi cầm nắm, cho vào miệng ngậm, mút, cắn... Những tiếp xúc này làm độc chất trong đồ chơi đi trực tiếp qua niêm mạc miệng vào máu rồi đi khắp cơ thể.

Bác sĩ Ký cho rằng, hiện tại, tất cả đồ chơi trẻ em trên thị trường không phải đăng ký và cũng không ai kiểm soát nên không biết được cái nào an toàn hoặc không an toàn. “Do vậy, phụ huynh nên tránh mua những đồ chơi trẻ có thể nhai, ngậm, mút hoặc những đồ chơi không rõ trong đó có những chất gì” - ông khuyến cáo.

Kỹ sư hóa học Nguyễn Hưng Dũng, Viện Hóa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho rằng, thông thường để hạ giá thành sản phẩm, các cơ sở sản xuất đồ chơi thường dùng nhựa tái sinh (nhựa tạo màu) để sản xuất. Ở đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc trôi nổi rẻ hơn nhiều so với đồ chơi trong nước là vì đa số các doanh nghiệp trong nước chỉ dùng nhựa nguyên chất để sản xuất đồ chơi cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Bởi mỗi khi tung ra một mẫu sản phẩm đồ chơi cho trẻ dưới 3 tuổi, họ đều phải qua kiểm định chất lượng sản phẩm, nếu đạt tiêu chuẩn an toàn cho trẻ mới được bán ra thị trường.

Cũng theo kỹ sư Dũng, đồ chơi trẻ em càng nhiều màu sắc sặc sỡ thì càng nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Nguy hiểm nhất trong dạng đồ chơi bằng nhựa của trẻ em chính là chất làm ổn định nhiệt trong đó có chì. Nhiễm độc chì rất phổ biến ở trẻ em dưới 3 tuổi hiện nay là hay cho pin (có trong các loại đồ chơi phát ra nhạc, đèn) vào miệng. Bình thường vỏ ngoài của quả pin được bọc bằng kẽm, nhưng nếu trẻ ngậm mút lâu ngày hoặc nhằn sứt quả pin cũng dễ có nguy cơ nhiễm độc chì. “Nếu chì được chuyển hóa vào cơ thể sẽ thay thế dần canxi trong xương khiến cơ thể mềm nhũn, da dẻ lở loét và trẻ em rất chậm biết đi” - ông Dũng nhấn mạnh.

Nên chọn đồ chơi cho trẻ theo tuổi

Theo các chuyên gia tâm lý học, việc lựa chọn đồ chơi rất quan trọng cho sự phát triển, hình thành nhân cách, trí thông minh… của trẻ em sau này. Do đó một cách hữu hiệu là các bậc phụ huynh nên chọn đồ chơi thông minh và an toàn theo lứa tuổi của trẻ.

Theo đó, ở lứa tuổi dưới 4 tháng tuổi: Nên mua cho bé những đồ chơi có tác dụng phát triển thị giác, thính giác và các động tác của cơ bàn tay, là những đồ chơi có kích thước hơi to để bé dễ quan sát và không gây nguy hại cho bé, có màu sắc sặc sỡ, có âm thanh phát ra.

Lừa tuổi 5-10 tháng tuổi: Lúc này bé đã có thể giơ tay lên để cầm nắm, bạn cần chọn cho bé những đồ chơi dễ cầm nắm, phát quang, phát ra âm thanh và dễ lay động được.

Từ 11-18 tháng: Bé đã biết đi, nên mua cho bé những món đồ chơi phát ra âm thanh và có thể chuyển động được như xe tập đi, xe đẩy, xe kéo dành cho trẻ nhỏ… nhằm giúp bé tập đi và có hứng thú rèn luyện những kỹ năng vận động khác như chạy, nhảy, leo trèo...

Đối với trẻ 18 tháng-3 tuổi: Bé thích bắt chước và tập làm theo những động tác của người lớn. Tư duy của bé mang tính trực quan hình tượng, nên sắm cho trẻ những đồ chơi có tính chất mô phỏng lại cuộc sống xã hội như: Chơi nấu ăn, chơi trò bác sĩ, chơi mua bán hàng…

Đến khi trẻ 4-5 tuổi: Bé đã lớn và không còn hứng thú với những đồ chơi có chi tiết đơn giản mà thích những thứ có khả năng cử động như búp bê phải cử động được chân tay, mắt hay thay được quần áo...

Khi trẻ đạt độ tuổi từ 5-6 tuổi: Bạn nên chọn mua những đồ chơi phát huy trí thông minh của bé như: Đất sét, đồ chơi xếp hình, tranh động vật, tranh tô màu, trò chơi điện tử…

Dấu hiệu trẻ bị nhiễm độc chì

“Biểu hiện đầu tiên là gây rối loạn tiêu hóa, nôn, tiêu chảy, biếng ăn, hay đau bụng từng cơn dữ dội kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Trẻ trông xanh xao hay mệt do thiếu máu. Trường hợp nặng sẽ gây suy thận, viêm cơ tim. Lâu ngày, chì gây tổn thương não khiến trẻ dễ bị kích thích, co giật, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, bệnh diễn tiến rất nặng và tái đi tái lại do thời gian để loại chì ra khỏi cơ thể rất lâu. Thời gian để loại chì ra khỏi thận là 7 năm và ra khỏi xương là 32 năm” - bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, BV Nhi đồng 1 TP HCM.

Đang thanh tra toàn diện đồ chơi trẻ em

Bộ đã có công văn gửi các tỉnh, TP tập trung công tác thanh tra mặt hàng đồ chơi trẻ em trong tháng 5, 6 và các đơn vị đang làm. Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác tập huấn, nâng cao năng lực thanh tra cho cán bộ địa phương. Trong hai tháng 8, 9 là thời điểm cận kề Tết Trung thu, thanh tra sẽ tiến hành các đợt thanh tra diện rộng trên toàn quốc. Dự kiến đến tháng 10 sẽ tổng hợp và công bố kết quả thanh tra. Qua kết quả kiểm tra của 39 chi cục đo lường, chất lượng các tỉnh, thành trong năm 2012 tại 460 cơ sở kinh doanh, buôn bán đồ chơi trẻ em cho thấy, trong số với 26.686 mẫu kiểm tra có 10.366 mẫu vi phạm; 10.428 mẫu không có dấu hợp quy; 13.722 mẫu không có chứng nhận hợp quy. Kết quả khảo sát chất lượng đồ chơi “thú nhún” làm bằng nhựa dẻo tại 37 cơ sở trên toàn quốc cũng cho thấy, hàm lượng chất Phthalates (có khả năng gây vô sinh và ung thư) có hàm lượng cao gấp 5-9 lần tiêu chuẩn hiện hành” - ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ.

Luật chưa nghiêm

“Tại Việt Nam, đồ chơi trẻ em từ tháng 4-2010 đã có quy định các sản phẩm khi lưu thông ngoài thị trường phải dán tem hợp quy (CR). Nhưng trên thực tế, đồ chơi Trung Quốc đang bán phổ biến trên thị trường, đặc biệt là các vùng quê, nông thôn... chủ yếu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, buôn lậu nên không hề có tên nhà nhập khẩu, phụ đề tiếng Việt, dán tem hợp quy... Nếu cơ quan hải quan quản lý chặt hàng nhập khẩu qua biên giới, cơ quan quản lý thị trường làm tốt việc kiểm tra sản phẩm bán trên thị trường có đáp ứng các tiêu chí về an toàn cũng giúp ngăn một lượng lớn hàng trôi nổi, “hàng chợ”, hàng độc hại... trôi dạt từ Trung Quốc sang. Ở góc độ pháp luật, Nhà nước đã ban hành khá nhiều quy định nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng trên thực tế, người tiêu dùng vẫn đối mặt với sản phẩm độc hại” - Luật sư Trần Anh Tú

100% phụ huynh muốn con được dùng đồ chơi truyền thống

Cty CP Kỹ Nguyên Việt (Veesano) Việt Nam đã hoàn thành tổng hợp, phân tích số liệu 100 mẫu khảo sát các bậc phụ huynh trên địa bàn Hà Nội về việc bảo tồn đồ chơi truyền thống. 100% đều rất ủng hộ việc bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc trong các đồ chơi truyền thống. Qua khảo sát cho thấy việc mua đồ chơi cho trẻ em được thực hiện khá thường xuyên. Các sản phẩm được lựa chọn hàng đầu vẫn là đồ chơi nhựa 53%, đồ chơi gỗ 40%, đồ chơi công nghệ cao 35%, trong khi đó đồ chơi truyền thống chỉ chiếm 19%. Đối với đồ chơi truyền thống chủ yếu chỉ được tiêu thụ trong dịp Tết truyền thống: Trung Thu 91% Tết thiếu nhi 67%, Tết Nguyên Đán 47%.

Trông chờ vào cơ quan chức năng

“Là cha mẹ, chúng tôi bao giờ cũng mong muốn con cái mình có được những đồ chơi thú vị, bổ ích, giúp cho trí thông minh của các cháu phát triển và đặc biệt là sức khỏe phải được đảm bảo. Nhưng chúng tôi không thể phân biệt thế nào là sản phẩm tốt, không độc hại. Việc này phải trông chờ vào các cơ quan chức năng Nhà nước. Không thể khuyên chúng tôi là người tiêu dùng thông thái khi mà sự thông thái đó chỉ có thể phát huy bằng máy móc, công cụ pháp luật chứ không phải bằng mắt thường” - anh Vũ Văn Hưng, trú tại đường Giải phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nói.

Thu giữ nhiều đồ chơi độc hại, không rõ nguồn gốc trên toàn quốc

* Trong đợt ra quân Tổng kiểm tra, sau 3 ngày kiểm tra thị trường đồ chơi trẻ em, Đội QLTT số 2 TP Hà Nội phối hợp cùng Đội Cảnh sát Kinh tế và Đội Cảnh sát môi trường của CA quận Hoàn Kiếm thu giữ gần 5.000 đồ chơi các loại không có hóa đơn chứng từ hợp pháp tại 4 điểm kinh doanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Hàng hóa thu giữ gồm: Các loại vỉ siêu nhân, con thú chuyển động, mặt nạ nhựa, kiếm, lựu đạn nhựa... trong đó đáng lưu ý, kiếm, lựu đạn là đồ chơi bạo lực ảnh hưởng tới nhân cách trẻ nhỏ. Hầu hết các đồ chơi này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhập lậu vào Việt Nam để phục vụ ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6. Theo khai nhận của các chủ kinh doanh, họ mua trôi nổi trên thị trường nên không xuất trình được bất cứ giấy tờ liên quan.
Theo ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2 TP Hà Nội, từ nay đến hết ngày 1-6, lực lượng QLTT tích cực kiểm tra các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này nhằm lành mạnh hóa thị trường, đặc biệt chú ý tới đồ chơi cấm, đồ chơi bạo lực.
* Chi cục QLTT TPHCM cho biết, vừa kiểm tra và phát hiện 1.636 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại nhập lậu, không tem nhãn hợp quy tại cửa hàng kinh doanh trên đường Chu Văn An, quận 6. Tất cả những đồ chơi trên có xuất xứ từ Trung Quốc gồm các loại xe mô hình, đĩa bay, lục lạc dây, xếp hình... Tương tự, Đội QLTT 5B cũng thu giữ hơn 500 thú nhồi bông Trung Quốc nhập lậu tại đường Gò Công, quận 5.
Ông Trần Văn Xiêm, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa miền Nam, cho biết trong đợt kiểm tra, lấy mẫu đồ chơi trẻ em diễn ra từ giữa tháng 5-2013, đơn vị này đã đình chỉ 4 mẫu đồ chơi trẻ em do không đủ tem nhãn và lấy 10 mẫu đồ chơi đem kiểm định chất lượng.
* Ngày 24-5, ông Dương Đắc Hoan, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị này đã cùng Đội QLTT số 2, Chi cục QLTT Thừa Thiên - Huế mới đây đã bắt giữ một lô hàng đồ chơi bạo lực cho trẻ em nghi chứa chất cực độc, đang chuẩn bị vận chuyển đi phía Nam tiêu thụ. Lô hàng gồm 500 cây súng đồ chơi trẻ em bằng nhựa, có xuất xứ từ Trung Quốc đang tập kết tại bến xe phía Nam TP Huế . Các sản phẩm đồ chơi này đều được làm bằng nhựa tái chế APS và nhựa PE.
Theo ông Hoan, một số kết quả giám định gần đây của Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học kiểm tra, hầu hết đồ chơi bằng nhựa của Trung Quốc như: Súng gươm, lựu đạn, kể cả lồng đèn... đều sản xuất bằng các loại nhựa nói trên, trong đó có chứa chất Cadimi (Cd) cao gấp nhiều lần mức cho phép. Đây là một trong ba kim loại độc hại nhất đối với cơ thể con người, có thể gây ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, dị tật thai nhi... Nguy hiểm nhất là trẻ thường vừa chơi vừa cắn, ngậm đồ chơi, nên mức độ nguy hiểm lại càng cao hơn. Lô hàng trên đang được đội QLTT số 2 lập thủ tục để tiêu hủy. Trong tháng 6 tới (tháng cao điểm hành động vì trẻ em), Chi cục QLTT Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung và tăng cường công tác kiểm tra, bắt giữ các vụ buôn lậu, vận chuyển đồ chơi trẻ em nhập lậu nhất là các đồ chơi mang tính bạo lực.

Nhóm PV thực hiện:
Q.Minh-Đ.Thịnh - T.Hà

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20130525075452878p1001c1049/nhieu-tre-em-viet-nam-dung-do-choi-khong-an-toan-luc-luong-chuc-nang-giam-sat-xu-ly-chua-nghiem.htm