Nhiều trẻ em Việt chưa biết sữa là gì

Theo lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, hiện nay, tại Việt Nam vẫn còn nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chưa được chăm sóc đầy đủ về mặt dinh dưỡng, rất ít được uống sữa hoặc thậm chí không biết đến sữa là gì dẫn đến việc phát triển về mặt thể chất và trí tuệ của các em còn nhiều hạn chế.

Trong suốt 9 năm qua, 40.000 trẻ em nghèo tại 40 tỉnh, thành khó khăn trên cả nước đã được trao tặng sữa để sử dụng liên tục trong vòng 3 tháng.

Theo chuyên gia, 3 năm đầu đời, trẻ tăng nhanh về thể lực, phát triển giới tính và hình thành nhân cách. Học sinh 6 - 10 tuổi phát triển chậm hơn song đây lại là giai đoạn quan trọng để tăng chiều cao vị thành niên sau này.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chiều cao của người Việt chênh lệch nhiều so với các nước không phải do gen di truyền. Bằng chứng là một nhóm nhà khoa học Pháp khi nghiên cứu quần thể dân cư có cha mẹ gốc Việt, nhưng sinh trưởng ở châu Âu, có chiều cao trung bình tương đương với người gốc Pháp.

Trong các yếu tố quyết định chiều cao, dinh dưỡng chiếm 32%, di truyền 23%, vận động và giấc ngủ 40%. Điều đó có nghĩa chiều cao của người Việt có thể vượt trội hơn, nếu được đầu tư về dinh dưỡng phù hợp ngay từ 10 năm đầu đời.

Vì thế, có nhiều chiến lược dinh dưỡng mang tầm quốc gia ra đời, trong đó Sữa học đường là chương trình được đánh giá cao bởi quy mô và hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện dinh dưỡng cho các em học sinh mầm non, tiểu học.

Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg về việc: Phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Theo đó, 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường; chiều cao của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 - 2cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010...

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Hồng Lan cho biết, từ năm 2008, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam (Bộ LĐTB&XH) phối hợp với Vinamilk triển khai Chương trình Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam nhằm cung cấp cho hàng trăm nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên phạm vi cả nước những ly sữa thơm ngon, bổ dưỡng, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng, giúp các em phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.

Với vai trò của đơn vị tài trợ duy nhất cho chương trình Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam trong suốt 9 năm qua, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc điều hành Vinamilk cho biết, 40.000 trẻ em nghèo tại 40 tỉnh, thành khó khăn trên cả nước đã được trao tặng sữa để sử dụng liên tục trong vòng 3 tháng.

Với 4 triệu ly sữa năm 2016, đến nay hơn 373 ngàn trẻ em khó khăn tại Việt Nam đã được thụ hưởng 30 triệu ly sữa với tổng giá trị tương đương 120 tỷ đồng, thông qua Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam, đồng hành bởi Vinamilk.

Vinamilk đã quyết định hỗ trợ 14 tỷ đồng cho học sinh của 14 tỉnh khó khăn nhất Việt Nam và dành tặng 6 tỷ đồng cho 6 tỉnh đang thực hiện chương trình Sữa học đường.

Với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội, chương trình Sữa học đường được kỳ vọng sẽ ngày càng lan tỏa, để trẻ em Việt Namcó thể được bổ sung dinh dưỡng thường xuyên, đầy đủ để khỏe mạnh, cao lớn và thông minh hơn, để không còn trường hợp trẻ không biết đến sữa là gì.

Cũng trong khuôn khổ chương trình Sữa học đường năm 2016, ngày 16/10/2016, tại Trường tiểu học Giai Xuân I, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam đã tổ chức buổi lễ trao tặng 87.000 ly sữa tương đương 550 triệu đồng cho 1.000 trẻ em tại thành phố Cần Thơ. Đây là điểm dừng chân thứ 3 trong hành trình trao sữa năm 2016 của Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ chương trình Sữa học đường năm 2016, Vinamilk sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bắc Ninh triển khai chương trình sữa học đường, nhằm hỗ trợ cho các em học sinh độ tuổi mầm non, tiểu học, hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn, thiếu hụt dinh dưỡng để các em có điều kiện phát triển thể chất và trí tuệ.

Minh Thi

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/nhieu-tre-em-viet-chua-biet-sua-la-gi/289191.vgp