Nhiều trăn trở với phim hoạt hình Việt

Tại các cuộc hội thảo, tọa đàm giữa các nhà làm phim hoạt hình Việt Nam - quốc tế diễn ra gần đây, chúng ta thấy rõ khoảng cách chênh lệch trong chiến lược sản xuất phim hoạt hình của ta với thế giới.

Có lẽ, phim hoạt hình Việt muốn phát triển thì ngoài việc trang bị công nghệ hiện đại, cần cải tiến cách làm phim, đầu tư cho những kịch bản thú vị, tạo hình nhân vật ấn tượng...

Nhiều tác nhân kìm hãm

Một trong những nguyên nhân khiến phim hoạt hình Việt yếu kém là do cách nhìn về phim hoạt hình ở ta đã lỗi thời. Chúng ta quan niệm, phim hoạt hình chỉ dành cho thiếu nhi, trong khi đó nước ngoài họ làm phim hoạt hình cho cả người lớn xem. Bên cạnh đó, đầu ra trên kênh truyền hình quốc gia cho phim hoạt hình vẫn hạn chế, còn việc phát hành phim tại các rạp chiếu với mục đích thương mại thì chưa từng được nghĩ tới, có chăng chỉ là một vài dự án “liều lĩnh” với mục đích thăm dò thị trường, sản xuất phim nhưng lại không có kinh phí quảng cáo, tiếp thị.

Trên thực tế, thể loại phim hoạt hình vốn quen thuộc, được thiếu nhi và cả người lớn yêu thích, góp phần giáo dục cho trẻ em. Đây cũng là một thị phần hấp dẫn, có thể mang lại nguồn thu lớn. Tuy nhiên bấy lâu nay chúng ta chưa thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn: không đào tạo, ít tiền, phim không hay để rồi đổ lỗi cho nhau.

Để có phim hoạt hình công chiếu liên tục, theo nhiều chuyên gia, ít nhất phải có 10-15 nhóm làm phim, luân phiên nhau sản xuất. Thiếu nhân lực nên việc sản xuất phim hoạt hình ở ta bị hụt là chuyện tất yếu. Một vấn đề nữa là kinh phí, một phim hoạt hình 10 phút lên tới hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, muốn cập nhật những thiết bị mới nhất, công nghệ 3D tiên tiến nhất, người đầu tư cần phải có tiền tỷ. Trong điều kiện tối thiểu nhất cũng phải mất khoảng 100-200 triệu đồng để hoàn thành một phim truyện hoạt hình 3D dài 5-7 phút. Do vậy, dù biết sân chơi này còn trống và béo bở, không nhà đầu tư nào dám mạo hiểm bỏ tiền tỷ để làm, bởi rủi ro rất lớn.

Chúng ta quan niệm, phim hoạt hình chỉ dành cho thiếu nhi, trong khi đó nước ngoài họ làm phim hoạt hình cho cả người lớn xem.

Muốn vươn tầm cần sáng tạo

Nếu như ở ngoài rạp, Shrek, Wall-E hay Up gắn mác Hollywood luôn nhận được sự hâm mộ của khán giả, thì trên truyền hình, khán giả nhí no nê trước những bộ phim hoạt hình vui nhộn của Cartoon Networks, Disney Channel... Và phim hoạt hình Việt hầu như chẳng có đất để thể hiện. So về công nghệ, kỹ xảo và kinh nghiệm rõ ràng ta kém xa những người khổng lồ Walt Disney, Pixar... nhưng đó không phải là nguyên nhân chính khiến khán giả quay lưng với phim hoạt hình Việt Nam. Phim hoạt hình vốn dĩ dành cho khán giả nhỏ tuổi, nhưng có lẽ những người làm phim vẫn chưa hiểu hết được thị hiếu của các em, mà cứ mang những nghĩ suy, tâm lý của người lớn phủ lên những bộ phim. Thêm nữa, sự thiếu đầu tư chất xám trong việc tạo hình nhân vật cũng gây nên sự nhàm chán. Những nhân vật cứ mờ nhạt, na ná nhau, nói những câu kiểu như người lớn, thiếu chất hồn nhiên, vô tư của trẻ em. Hơn nữa, có một sự thật ai cũng thấy rõ ràng là phim hoạt hình Việt Nam không hấp dẫn được người xem bởi nội dung quá khô khan, nặng nề về răn dạy, triết lý những vấn đề xã hội lớn lao mà thiếu chất hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ, thiếu tính khoa trương, phi lý... của nghệ thuật hoạt hình.

Nhiều người làm phim này cho rằng, cái khó của những người làm phim hoạt hình giờ đây không chỉ là công nghệ, kỹ thuật hay phương tiện để làm phim... mà còn là nguồn kịch bản. Đề tài phim cho thiếu nhi hay phim hoạt hình hiện nay rất khan hiếm, bởi hầu hết các nhà biên kịch đều “né”. Không hẳn là do các nhà biên kịch đã hết “chất” trẻ con, mà do họ không chịu đầu tư tìm hiểu xem trẻ con thích gì, cần gì, nghĩ thế nào và ứng xử ra sao với cuộc sống, với các mối quan hệ của trẻ. Đương nhiên, những người viết kịch bản phim hoạt hình đều biết, trong nghề viết kịch bản điện ảnh thì kịch bản phim hoạt hình là khó nhất. Có nhiều người đã khá thành công trong nghề viết kịch bản phim truyện và các loại phim khác, nhưng khi “thử tài” sang kịch bản hoạt hình lại thất bại, hoặc sự thành công cũng rất ít ỏi so với công sức bỏ ra.

Ông Park Hong Su, Viện trưởng Viện Phát triển Văn hóa Thông tin Gangwon - từng nhận định: “Việt Nam sở hữu nhiều nhân lực trí tuệ, đặc biệt các bạn có khả năng sáng tạo cũng như khả năng tham gia sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo rất lớn. Nếu chú trọng vào ngành công nghiệp sáng tạo, Việt Nam sẽ có một tương lai tươi sáng”. Mảng phim hoạt hình cũng nằm trong ngành công nghiệp sáng tạo. Chúng ta có đủ chất liệu trong tay nhưng chưa thực sự chú trọng vào việc phát triển nó thành một sản phẩm công nghiệp có lợi nhuận.

Hưng Vũ

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhieu-tran-tro-voi-phim-hoat-hinh-viet-n136053.html