Nhiều tỉnh thành 'mạnh tay' đầu tư nâng cao năng lực PCCC

TP Đà Nẵng, Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành khác đã quyết định 'mạnh tay' đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực PCCC và CNCH.

Đà Nẵng mua robot chữa cháy nhà cao tầng

HĐND TP Đà Nẵng và xem xét, thông qua tờ trình của UBND TP về chủ trương đầu tư nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH nhà cao tầng và công tác hậu cần PCCC trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 200 công trình từ 10 tầng trở lên tập trung vào các loại hình như nhà ở căn hộ, văn phòng, khách sạn, chung cư.

Bình chữa cháy được trang bị tại một cơ sở rửa xe ở TP Hà Nội.

Trong đó nhiều nhà cao tầng hơn 100m đã xây dựng và đưa vào hoạt động như khách sạn Novotel (38 tầng), Trung tâm hành chính thành phố (34 tầng), tổ hợp khách sạn Mường Thanh (42 tầng), khách sạn Vinpearl Condotel Riverfront Đà Nẵng (36 tầng).

“Đây là loại hình cơ sở thường xuyên tập trung đông người, có nguy cơ cháy, nổ cao, diễn biến cháy, nổ và công tác cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn”, UBND TP Đà Nẵng nêu.

Theo UBND TP Đà Nẵng, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với chung cư, nhà cao tầng trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, vướng mắc nên hiệu quả phòng cháy chữa cháy chưa cao và hậu quả nếu xảy ra là rất nghiêm trọng.

Việc đầu tư phương tiện, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn cho toàn lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy để ngày càng có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy ứng phó tại chỗ, nhanh chóng, kịp thời mọi tình huống... là cần thiết.

Vì vậy, TP Đà Nẵng sẽ đầu tư mua sắm trang thiết bị cho lực lượng PCCC gồm 9 xe tiếp nước phòng cháy chữa cháy, 7 chiếc xe chở phương tiện phòng cháy chữa cháy, 5 bộ thiết bị cứu nạn trong không gian hạn chế (dây, giày, cán, ròng rọc cứu hộ…) và 1 robot chữa cháy. Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 70 tỷ đồng.

Hà Nội mua trực thăng cứu hộ, chữa cháy

HĐND TP Hà Nội cũng vừa thông qua tờ trình với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng để nâng cao năng lực PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn từ nay đến 2045.

Một trong những cơ sở thực tiễn để UBND TP Hà Nội trình HĐND TP Hà Nội xem xét đề án là tình hình cháy, nổ trên địa bàn Hà Nội những năm qua diễn biến phức tạp, khó lường.

UBND TP Hà Nội cho biết, trong 10 năm (từ 2013-2023), trên địa bàn thành phố có tới 4.459 vụ cháy, 18 vụ nổ và trên 8.000 sự cố nhỏ khác. Trong số này có 44 vụ cháy lớn, 68 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng và 32 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.

Qua tổng kết, các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng tập trung số nhiều tại loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, số ít vụ tại các nhà kho, xưởng, địa điểm dịch vụ tập trung đông người.

Tuy tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp như vậy nhưng trang thiết bị PCCC và CNCH của lực lượng chức năng đang ngày càng xuống cấp, khó sửa chữa. Do vậy, TP Hà Nội dự kiến từ nay đến năm 2045 sẽ đầu tư gần 10.000 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị cho lực lượng PCCC, nâng cao ý thức PCCC của người dân, đồng thời đầu tư hạ tầng đảm bảo điều kiến PCCC và CNCH. Đặc biệt, Hà Nội dự tính mua máy bay để làm thiết bị cứu nạn và chữa cháy.

TP.HCM phát huy tối đa vai trò của các tổ liên gia PCCC

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc đánh giá 10 tháng thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng về công tác PCCC trong tình hình mới, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trên địa bàn hiện có gần 60.500 nhà chung cư, nhà nhiều căn hộ, nhà trọ, phòng trọ, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh. Trong đó, số nhà trọ, phòng trọ là nhóm nguy cơ với 55.444 căn.

Hiện trạng những nhà này ở vị trí sâu, khó tiếp cận, không đạt quy chuẩn xây dựng và PCCC. Bên cạnh đó, nguồn lửa, lối đi ở các căn nhà này sắp xếp không hợp lý, ảnh hưởng đến lối thoát hiểm và di chuyển cứu hộ. Việc bố trí lực lượng và các phương tiện PCCC các nơi này thường không đảm bảo.

Đối với các nhà ở riêng lẻ, hộ gia đình, thành phố đã yêu cầu các gia đình trang bị các bình chữa cháy tại chỗ, sắp xếp cũng như tạo thêm lối thoát hiểm và khuyến khích trang bị thêm thiết bị cảnh báo cháy, nổ. TP.HCM có hơn 3.200 tổ liên gia PCCC đã được thành phố tổ chức tập huấn và phát huy tối đa vai trò của các tổ này. Song với đó, chỉ đạo các xã, phường thành lập thêm khoảng 80.000 tổ nữa, tập huấn các kỹ năng để đảm bảo thực hành PCCC tại chỗ.

Đối với các cơ sở tập trung đông người, nhà cao tầng, thành phố có các giải pháp ngăn cháy lan, ngăn khói từ các khu vực dễ cháy như bãi xe, chỗ ở như: Lắp đặt hệ thống báo cháy; trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ như bể nước, bình chữa cháy lớn; phương tiện thoát cháy (ống tuột, thang dây…) cũng nhiều biện pháp khác.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhieu-tinh-thanh-manh-tay-dau-tu-nang-cao-nang-luc-pccc-2226901.html