Nhiều tiềm năng phát triển ngành truyền thông VN

Theo đánh giá của giới công nghệ truyền thông nước ngoài, Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng phát triển trong lĩnh vực công nghệ giải trí và điều này sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đây đầu tư.

Phát biểu tại Triển lãm quốc tế về thiết bị âm thanh ánh sáng, thiết bị nghe nhìn và truyền thông số (PALME và Broadcast & Media Tech Việt Nam) khai mạc sáng 2/11 tại Hà Nội, bà Rosalind Ng - Giám đốc điều hành Công ty triển lãm IIR Exhibition khu vực châu Á khẳng định Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực giải trí và truyền thông.

Bà nhận định trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong việc mở rộng thị trường giải trí và truyền thông, với mức độ tăng trưởng 16,7%.

Theo bà Rosalid Ng, Việt Nam có mức độ sử dụng tivi cao ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện Việt Nam có 67 đài phát thanh và truyền hình, 60 nhà cung cấp truyền hình cáp và 5 nhà cung cấp truyền hình IPTV.

Ngành công nghiệp phát thanh truyền hình ở Việt Nam đang phát triển và trong quá trình chuyển từ công nghệ analog sang kỹ thuật số vào năm 2020 với mức chi phí dự tính khoảng 231 triệu USD.

Với những tiềm năng trên, triển lãm sẽ là một sân chơi và cơ hội cho doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, tìm hiểu những sản phẩm mới nhất về âm thanh, ánh sáng, thiết bị nghe nhìn và công nghệ truyền thông số chuyên nghiệp, qua đó cùng hợp tác kinh doanh, bà Rosalid Ng cho biết.

Cùng quan điểm trên, ông Robert Rosenberg, giám đốc điều hành công ty Danmon Asia - một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới về thiết bị phát thanh, truyền hình cũng cho rằng Việt Nam đang có thay đổi rất lớn trong quá trình phát triển lĩnh vực giải trí, truyền thông và là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Robert Rosenberg cho biết thời gian tới Danmon Asia sẽ thành lập văn phòng tại Việt Nam để đẩy mạnh đầu tư trong lĩnh vực này.

Để đạt được mục tiêu là một trong những quốc gia có ngành truyền thông giải trí phát triển mạnh mẽ vào loại nhanh nhất thế giới, ông Robert Rosenberg cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm tới việc đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư vào công nghệ cao, sản xuất thiết bị theo hình thức kỹ thuật mới.

Diễn ra từ ngày 2 đến 4/11, Triển lãm PALME và Broadcast & Media Tech Việt Nam đã thu hút trên 130 công ty đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự; trong đó có nhiều thương hiệu nổi tiếng đến từ các quốc gia như Đan Mạch, Pháp, Đức, Italy, Anh, Tây Ban Nha, Singapore, Trung Quốc.

Ngoài giới thiệu các sản phẩm như phát thanh truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, phương thức truyền thông mới, trong khuôn khổ triển lãm sẽ có hai hội thảo chuyên đề về truyền hình số nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường về các dòng sản phẩm mới và công nghệ tiên tiến, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp này của Việt Nam.

Theo đánh giá của IIR Exhibitions - công ty hàng đầu thế giới trong tổ chức sự kiện, triển lãm, Việt Nam hiện được xem là quốc gia có ngành truyền thông giải trí phát triển mạnh mẽ vào loại nhanh nhất thế giới. Dự kiến, sự tăng trưởng vượt bậc trong ngành giải trí sẽ vượt qua con số 2,3 tỷ USD vào năm 2013./.

Khánh Vân (Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/nhieu-tiem-nang-phat-trien-nganh-truyen-thong-vn/201111/111672.vnplus