Nhiều “sạn” trong phim dành cho tuổi teen

Chưa bao giờ khán giả tuổi teen lại cùng lúc được thưởng thức nhiều bộ phim dành cho mình đến vậy. Hàng loạt các phim tập trung vào đối tượng tuổi học trò đã, đang và chuẩn bị "trấn giữ" các kênh phim truyện trên truyền hình từ Nam chí Bắc. Tuy nhiên, liệu đây có thực sự là một bữa tiệc lớn với những món ăn ngon dành cho các teen?

Các teen xem "mệt nghỉ"… Việc tràn ngập phim dành cho tuổi học trò trên các kênh truyền hình hiện nay là điều chưa từng thấy trước đây. Chỉ cần mở tivi, ở bất kỳ kênh phim truyện Việt Nam nào, tuổi học trò cũng có thể xem "mệt nghỉ" phim về mình. Tính sơ sơ, những phim có đề tài về tuổi học trò và học đường đã và đang lên sóng trong thời gian này cũng tới hơn chục phim: Những ngày hè xanh (Lasta), Cầu vồng đơn sắc (Lạc Việt), Bộ tứ 10A8, Bước nhảy thiên thần (TFS), 48h làm con trai (TFS), Cầu vồng ngày không mưa (Vietcast), Mùa hè sôi động (Hành tinh xanh),... trong số này, một số phim đã tạo được sự cuốn hút đối với đông đảo khán giả tuổi teen. Cảnh trong phim Siêu mẫu xì - trum. Sắp tới đây, một loạt phim mới dành cho lứa tuổi này tiếp tục ra mắt. Đáng chú ý trong số này có bộ phim Nhất quỷ nhì ma, kịch bản của Diêu Như Trang, dài 30 tập do Hãng Creá TV và TV Plus hợp tác sản xuất, sẽ phát sóng vào tháng 12/2009. Phim cảnh báo về sự rạn nứt trong quan hệ gia đình và vai trò của thầy cô - với sự thấu hiểu và bao dung cần có - trong việc cảm hóa lũ học trò bướng bỉnh. Một bộ phim khác được xem là "dự án chủ lực" của hãng BHD trong năm nay đó là Những thiên thần áo trắng, dài 40 tập, dự kiến lên sóng vào tháng 11/2009. Trong sự "ưu ái" dành cho lứa tuổi học trò và môi trường học đường này, còn có những dự án tiền tỷ đang thực hiện và có kế hoạch lên sóng vào dịp hè 2010 như Mùa hè sôi động (30 tập, Hành tinh xanh sản xuất), Những ngày hè xanh (21 tập, Lasta sản xuất, đạo diễn Xuân Phước). Một vài dự án khác cùng đề tài còn ở dạng kế hoạch và chuẩn bị bấm máy là Màu của tình yêu (tác giả Như Trang), Thế giới bí mật (tác giả Thiên Thiên) của hãng Sao thế giới, Con gái láo (chuyển thể từ truyện tranh cùng tên của Đức) của hãng phim Việt... Với những bộ phim dài hơi được sản xuất và chọn để lên sóng trên các kênh truyền hình lớn, có thể thấy, cả giới làm phim và các đài truyền hình đều đang rất ưu ái cho đối tượng khán giả tuổi teen. Điều này đã góp phần giải tỏa sự khan hiếm của những bộ phim dành cho học đường trong suốt nhiều năm qua. Nhưng chưa thấy thỏa mãn Được tha hồ xem phim viết về lứa tuổi của mình, nhưng điều này không có nghĩa là giới trẻ đã hoàn toàn hài lòng với những gì mà các nhà làm phim đã thể hiện. Nhìn lại những bộ phim dành cho teen đã phát sóng có thể thấy nhiều phim chưa thực sự đi vào chiều sâu những vấn đề mà lứa tuổi này quan tâm. Những gì diễn ra trong Siêu mẫu xì-trum quá xa lạ với thực tế. Bộ phim cho thấy sự vô lý trong cách xây dựng hình ảnh giới trẻ Việt Nam, từ biểu hiện bên ngoài đến phẩm chất, trí tuệ. Các nhân vật phục trang hệt như trào lưu Harajuku màu mè, phi giới tính của giới trẻ Nhật. Một số nhân vật nam thì tóc tai dài thượt rủ che cả mặt, vừa chạy xe vừa giật theo nhạc, cứ như đang sống ở một đất nước nào khác, không phải Việt Nam. Ở một số phim teen khác, khán giả dễ dàng nhận ra những bất hợp lý khi thấy không ít cô nữ sinh chẳng lo lắng chuyện học hành, thi cử mà chỉ quan tâm đến những chuyện như ăn uống, yêu đương... Là học sinh chưa làm ra tiền nhưng chỉ thấy các cô suốt ngày tụ tập "tán hươu tán vượn" ở những quán sang trọng, thường mặc quần áo rất mốt, có khi còn mặc cả quần lửng đi học. Ngay cả những khán giả tuổi teen cũng không ít người tỏ ra bất bình khi xem các phim truyền hình về teen Việt nhưng cốt truyện, trang phục, phong cách nhuốm màu lai căng phim ngoại (chủ yếu là phim Mỹ), có những chi tiết gây cười theo kiểu chỉ biết ngúng nguẩy, hấm hứ, mang người béo ra làm trò cười... Một số "người trong cuộc" cũng tỏ ra thất vọng trước những bộ phim kiểu "nửa già nửa trẻ", "nửa ta nửa Nhật" này. Đạo diễn Lê Hoàng than thở: "Cái dở của phim teen nói riêng và phim truyền hình nói chung là thông điệp chuyển tải đến người xem không có. Tính tư tưởng yếu, chỉ được cái trẻ trung. Cái dở khác nữa là ngôn ngữ đối thoại. Thoại trong phim dành cho tuổi teen đa phần hoặc quá ngớ ngẩn hoặc rất ông cụ non!". Bản thân Lê Hoàng đã phải "bước qua lời nguyền", chịu làm phim truyền hình chỉ vì: "Tôi thấy phim truyền hình của ta, nhất là phim dành cho tuổi teen, dở quá!". Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, người từng có những bộ phim khá thành công về lứa tuổi teen thì: "Làm phim cho tuổi teen trước hết phải hiểu được tâm lý của lứa tuổi này. Đó chính là khát vọng làm người lớn, những kiêu căng của tuổi ô mai. Phải dành nhiều thời gian thâm nhập và khám phá xem tuổi trẻ thích gì, muốn được làm gì. Điều này thì những người viết kịch bản ở ta vẫn chưa đạt được". Ông Phần cho rằng, để làm được phim phù hợp với nhu cầu thưởng thức của tuổi trẻ cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải kiên trì. Kiên trì trong việc nghiên cứu tâm lý thanh thiếu niên. Vì đây là lứa tuổi có nhiều biến động nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Dĩ nhiên dòng phim teen chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu nên không tránh khỏi những yếu kém chung của phim truyền hình Việt hiện nay. Song nếu các nhà làm phim thực sự biết đặt mình vào thế giới của teen để khai thác và thực sự có tâm với thế hệ trẻ thì chăc chắn họ sẽ thành công. Dương Văn

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20091026033754873p15c90/nhieu-san-trong-phim-danh-cho-tuoi-teen.htm