Nhiều sai phạm tại dự án Cảng cá Sa Kỳ (Quảng Ngãi)

Nhiều bạn đọc phản ánh Dự án Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ, ở xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) hiện nay chưa hoàn thành công tác đền bù, thu hồi, giao đất, cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu kém, nhưng chủ đầu tư đã vội vàng cấp phép cho hàng chục doanh nghiệp, cá nhân thuê đất để sản xuất - kinh doanh, gây nhiều bức xúc cho người dân địa phương.

Diện tích đất chưa được đền bù của gia đình liệt sĩ Lê Văn Phụng, ở xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi bị san lấp và cấp cho HTX Nghề cá để xây dựng cây xăng.

Chưa đền bù xong đã bàn giao dự án

Dự án Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt năm 2008 với diện tích 60.000 m2, tổng kinh phí gần 107,5 tỷ đồng (do Bộ NN&PTNT cấp vốn và giao Sở NN&PTNT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư). Riêng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng do địa phương chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc thực hiện không đến nơi đến chốn, nhiều gia đình trong vùng dự án bị mất đất đến nay vẫn chưa được đền bù đã lâm vào cảnh khó khăn. Cụ thể, hộ bà Lý Thanh Lâm, Nguyễn Thị Thanh, Võ Thành Phấn… đều ở thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ đã bị mất đất sản xuất, không có nghề sinh sống, con cái thất học. Bà Nguyễn Thị Thuận, thương binh loại 2 bức xúc nói: “Năm 2010, đơn vị tiến hành thi công dự án đã tự ý lấn chiếm, san bằng 1.418 m2 đất của tôi. Mặc dù gia đình đã làm đơn kiến nghị gửi các cấp chính quyền, yêu cầu giải quyết nhiều lần, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa bồi thường, trong khi gia đình tôi mất đất sản xuất vĩnh viễn”.

Đáng nói, trong khi dự án đã được Sở NN&PTNT nghiệm thu, bàn giao cho Ban quản lý (BQL) các Cảng cá Quảng Ngãi đưa vào hoạt động gần hai năm, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện xong việc đền bù cho dân. Gia đình ông Phạm Thành Phương đã nhiều lần gửi đơn đến UBND xã Tịnh Kỳ và chủ đầu tư yêu cầu trả tiền đền bù đất đai, hoa màu và hồ nuôi tôm bị san lấp làm dự án, nhưng hiện nay vẫn chưa giải quyết xong. Gia đình liệt sĩ Lê Văn Phụng làm đơn kêu cứu khẩn cấp lần thứ bảy gửi đến nhiều cấp, nhiều ngành yêu cầu giải quyết tiền đền bù đất đai, tài sản trên đất và hồ nuôi tôm do chủ đầu tư ngang nhiên san lấp làm dự án. Gia đình liệt sĩ Phụng cho biết: Năm 2010, BQL các dự án đầu tư và xây dựng thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT) tiến hành xây dựng các hạng mục công trình trên cảng cá, đã tự ý san lấp toàn bộ 500 m2 đất đang sản xuất hoa màu và 1.876 m2 hồ nuôi tôm đến vụ thu hoạch. Trong khi đó, chủ dự án không kiểm kê tài sản trên đất, không có quyết định thu hồi đất, do đó gia đình chưa nhận được tiền đền bù. Gia đình ông lâm vào cảnh mất đất sản xuất, kinh tế kiệt quệ, con cái không có tiền đi học. Trước đây, nguồn sống của gia đình chủ yếu dựa vào hồ nuôi tôm, đất màu, nhưng hiện nay đất đai mất hết mà chưa được đền bù đã làm cho mười người trong nhà đều thất nghiệp, mỗi người đi mỗi nơi để kiếm sống qua ngày.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Kỳ Phan Khánh Lâm cho rằng: Mọi hoạt động của dự án, địa phương không hề nhận thông báo hoặc sự phối hợp nào từ Sở NN&PTNT Quảng Ngãi. Đến nay, còn nhiều hộ bị ảnh hưởng đến đất đai nhưng chủ đầu tư chưa đền bù. Hàng chục héc-ta hoa màu, hồ nuôi tôm, rừng dương của bà con chưa được kiểm kê, đo vẽ bản đồ thực trạng, chưa chi trả tiền đền bù nhưng đơn vị thi công đã san lấp mặt bằng, đẩy nhiều gia đình họ lâm vào cảnh kinh tế khó khăn, đời sống bấp bênh.

Cấp phép vội vàng, thu phí tùy tiện

Mặc dù dự án còn đang dở dang, chưa nghiệm thu, bàn giao sử dụng, nhưng cuối năm 2014, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi (chủ đầu tư) đã đề nghị UBND tỉnh cấp phép cho Công ty CP bột cá Thanh Hoa xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản Sa Kỳ, chuyên sản xuất bột cá - cấp đông thủy sản và cung cấp đá cây, trên diện tích 6.000 m2. Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Minh Quang cũng đã đầu tư xưởng đóng, sửa chữa tàu thuyền và nhà máy nước đá ngay trên cảng cá với diện tích 12.000 m2. Đây là hai doanh nghiệp được chủ dự án cấp phép không đúng quy định; không xem xét đầy đủ hồ sơ, thủ tục cho nên khi công trình hoàn thành, đưa vào hoạt động không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Công ty tự ý cơi nới cầu cảng và xả nước thải trực tiếp ra sông Kinh. BQL các cảng cá đã nhiều lần mời làm việc, nhưng đến nay Công ty Minh Quang không hợp tác.

Đến năm 2016, Sở NN&PTNT chính thức bàn giao dự án này cho BQL các cảng cá Quảng Ngãi sử dụng. Mặc dù cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường nội bộ, chợ thu mua hải sản và hệ thống xử lý nước thải, chất thải trong vùng dự án chưa đạt yêu cầu theo quy chuẩn môi trường (QCVN 40:2011/BTNMT), nhưng BQL các Cảng cá Quảng Ngãi vẫn cấp đất cho hơn 40 hộ kinh doanh cá thể và một số doanh nghiệp thuê cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, một số gia đình bị mất đất để thực hiện dự án đã có đơn xin thuê đất làm dịch vụ hậu cần nghề cá, nhưng đều bị BQL các Cảng cá Quảng Ngãi từ chối. Lẽ ra, các hộ bị mất đất, gia đình chính sách phải được ưu tiên thuê đất tại cảng cá để đầu tư sản xuất - kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống, nhưng BQL các cảng cá đã không giải quyết thấu tình, đạt lý. Trường hợp gia đình liệt sĩ Lê Văn Phụng (ở thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) là một thí dụ. Gia đình ông đã hiến 24.000 m2 đất cho Nhà nước quy hoạch làm dự án, đến nay đất sản xuất còn lại 2.400 m2 nằm trong cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ cũng chưa được đền bù. Ông Phụng đã có đơn yêu cầu BQL các cảng cá cho thuê lại đất để sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình. Ngày 28-4-2017, BQL các cảng cá đã làm việc với gia đình ông Lê Văn Phụng và có biên bản cam kết thống nhất cho ông thuê cơ sở hạ tầng tại vị trí thuận lợi giáp sông. Tuy nhiên, sau đó Giám đốc BQL các Cảng cá Quảng Ngãi Trịnh Văn Kiệt không giữ đúng cam kết như đã ký biên bản trong buổi làm việc mà lại cấp cho hộ kinh doanh khác, gây bức xúc trong dư luận.

Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ Trần Đình Tiến cho biết: Đến nay dù dự án đã đưa vào sử dụng nhưng hậu quả để lại chưa giải quyết xong, nhất là công tác đền bù, thu hồi, cấp đất cho người dân. "Việc BQL các Cảng cá chỉ quan tâm ưu ái chọn một số vị trí nhiều thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có tiềm lực kinh tế và có sự đầu tư của người nhà lãnh đạo BQL thuê đã gây bất bình trong nhân dân. Quá trình hướng dẫn thủ tục, cho thuê đất không có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương, thiếu dân chủ, giá đất cho thuê không công khai theo quy định” - Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ khẳng định và thông tin thêm: Gần đây, trên Cảng cá Tịnh Kỳ xảy ra nhiều vụ tranh chấp đất đai đã khiến tình hình trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn khá phức tạp. Việc HTX dịch vụ khai thác hải sản đánh bắt xa bờ Tịnh Kỳ được BQL các Cảng cá cấp đất xây dựng nhà máy nước đá, kho lạnh, cây xăng… trên đất của người dân chưa được đền bù, đã dẫn đến xảy ra tranh chấp quyết liệt. Xã đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Quảng Ngãi và chủ đầu tư sớm giải quyết dứt điểm công tác đền bù cho người dân trong vùng dự án, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.

Không chỉ có nhiều uẩn khúc trong việc cấp đất, cho thuê cơ sở hạ tầng mà ở dự án này còn những hạng mục đầu tư chưa xác định được khối lượng san lấp mặt bằng, quyết toán không rõ ràng. Chưa kể, theo kiến nghị của một số hộ dân thuê đất ở đây, mức thu phí BQL đưa ra cũng chưa hợp lý, không công bằng. Hiện, Công ty TNHH MTV Minh Quang và Công ty CP bột cá Thanh Hoa vẫn không nộp phí, trong khi đó các hộ thuê đất phải nộp nhiều mức phí khác nhau (dù trên cùng diện tích, kinh doanh ngành nghề giống nhau). Có hộ phải trả phí 12.000 đồng/m2/năm, có người nộp 80.000 đồng, 60.000 đồng và 30.000 đồng/m2/năm… trong khi đó điện, nước, xử lý rác thải và các dịch vụ khác họ đều phải gánh chịu. Theo người dân, BQL các Cảng cá cần tính toán mức thu phí hợp lý, thống nhất giá để các hộ thuê đất yên tâm đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống.

Lý giải những vấn đề nêu trên, Giám đốc BQL các Cảng cá Quảng Ngãi Trịnh Văn Kiệt thừa nhận, dự án còn nhiều vấn đề vướng mắc rất phức tạp. Cái khó của BQL hiện nay là chưa hoàn thành công tác đền bù, thu hồi, giao đất, mặc dù dự án đã bàn giao, đi vào hoạt động từ hai năm qua. Trước đây, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng do UBND huyện Sơn Tịnh và BQL các dự án đầu tư và xây dựng Thủy sản thuộc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi thực hiện. Trong quá trình đền bù đơn vị không kiểm kê, đo vẽ bản đồ hiện trạng, phương án đền bù bị hạn chế dẫn đến san lấp mặt bằng không đúng quy định, gây bất bình cho người dân trong vùng.

Dự án Cảng cá và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ được Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ tàu thuyền trong mùa mưa bão và hàng chục nghìn ngư dân các xã ven biển trong tỉnh. Đây là một dự án mang tính nhân đạo cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thể hiện sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với địa phương. Thế nhưng, do việc triển khai, thực hiện đã để xảy ra một số bất cập, đến nay dự án đang bộc lộ nhiều sai sót. Thực trạng này đang đòi hỏi các cấp chính quyền, ngành chức năng có biện pháp điều tra, xử lý kịp thời, bảo đảm dự án hoạt động có hiệu quả.

Bài và ảnh: MINH TRÍ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/33193602-nhieu-sai-pham-tai-du-an-cang-ca-sa-ky-quang-ngai.html