Nhiều sai phạm lớn nổi lên thuộc lĩnh vực đất đai, đấu thầu, đăng kiểm, y tế

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình báo cáo tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV cho biết, trong năm 2023, tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn diễn ra phức tạp. Trong đó, những sai phạm lớn nổi lên thuộc lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế…

Ngày 21-11, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023. Ảnh: Baochinhphu.vn

Ngày 21-11, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023. Ảnh: Baochinhphu.vn

Tiếp tục kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, ngày 21-11, các đại biểu nghe báo cáo và thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023, TTXVN đưa tin.

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thông tin, trong năm 2023, tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn trong những lĩnh vực như đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế… Những vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng được xử lý thời gian qua liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, AIC, vụ chuyến bay giải cứu…

Bên cạnh đó, quy định của pháp luật đối với một số lĩnh vực còn những sơ hở, bất cập, chậm sửa đổi, bổ sung; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa có những chuyển biến nhiều; vẫn còn các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu trong một số vụ án, vụ việc còn chậm; dù việc thu hồi tài sản tăng hơn so với giai đoạn trước nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu ra những giải pháp phòng ngừa tham nhũng như thực hiện công khai trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy tắc ứng xử; chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, mở rộng ứng dụng khoa học trong quản lý, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt được đẩy mạnh. Cơ quan cũng xử lý trách nhiệm đối với những người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tiếp tục được quan tâm.

Cũng theo bản tin trên, Ủy ban Tư pháp đề nghị các cơ quan hữu quan đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó chấn chỉnh, tăng khả năng quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, hạn chế thấp nhất để xảy ra các vụ việc tương tự trong thời gian tới.

Trước đó, theo baochinhphu.vn, báo cáo của đại diện Bộ Công an cho biết, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp với số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện tăng 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện tăng 51,63%. Ngành tòa án đã xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, như vụ án vi phạm đấu thầu tại bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, vụ án xảy ra tại Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao… Các tòa án đã tuyên thu hồi tiền và tài sản trị giá 1.859 tỉ đồng đối với 761 bị cáo trong 216 vụ án kinh tế, tham nhũng.

Trúc Đào

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhieu-sai-pham-lon-noi-len-thuoc-linh-vuc-dat-dai-dau-thau-dang-kiem-y-te/