Nhiều nơi thừa, nhiều nơi thiếu giáo viên

Trước thực trạng ngành Sư phạm thừa thiếu cục bộ, khó khăn trong tuyển sinh, giảm uy tín với xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đổi mới sư phạm cần từ gốc rễ, giữa Bộ và địa phương cần có sự bắt tay, trao đổi để thực hiện.

Nhiều tỉnh thiếu giáo viên tiểu học. Ảnh internet.

Theo báo cáo Tổng kết năm học 2016-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương, như một số tỉnh dôi dư giáo viên cấp THPT như: Thái Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An Quảng Nam; một số tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La, Bắc Giang, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, TP.HCM; một số nơi lại thiếu giáo tiểu học như Hà Nội, Sơn La, Gia Lai...

Theo Bộ GD&ĐT, trong năm học qua, việc chuyển giáo viên phổ thông dôi dư dạy mầm non chưa qua đào tạo ở một số địa phương đã gây bức xúc trong ngành giáo dục và xã hội. Công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục ở một số địa phương chưa bảo đảm đúng quy định; tình trạng ký hợp đồng và chấm dứt hợp đồng lao động, tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm; đánh giá giáo viên chưa đúng quy định... gây nhiều bức xúc cho giáo viên tại Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, Thái Nguyên...

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang cho rằng, phân bổ biên chế theo số lượng học sinh là chưa hợp lí đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Theo bà Giang, hiện ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang đang thiếu gần 1000 biên chế các cấp học, trong đó cấp mầm non còn thiếu hơn 500 biên chế nhưng khi Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang có làm việc với Bộ Nội vụ được trả lời là biên chế phân theo số học sinh. Trong khi tỉnh Kiên Giang là địa bàn vùng sâu, vùng xa nên có hơn 700 trường học mà tới 1900 điểm lẻ.

“Chúng tôi đã giảm hết mức các điểm lẻ, khoảng cách các điểm từ 5 - 10km nên không thể giảm hơn được nữa. Chúng tôi chỉ có thể tính số biên chế theo lớp chứ không thể làm theo đầu người. Nếu tính biên chế theo đầu học sinh hết sức khó khăn trong quá trình điều hành, giảng dạy của giáo viên”, bà Giang nói.

Bà Giang cũng đề nghị Bộ GD&ĐT làm việc với các Bộ, ngành liên quan để có những điều chỉnh biên chế hợp lí. Cùng với đó, Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị tăng cường biên chế, đặc biệt, biên chế cho các trường mầm non để đảm bảo hoạt động giáo dục.

Tại Hội nghị, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng chỉ ra rằng, hiện nay ngành giáo dục đang rất khó điều hành. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do giáo viên là viên chức do Bộ Nội vụ, sở Nội vụ quản lý. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cũng cần chú ý và có những điều chỉnh, kiến nghị hợp lý.

Trước thực trạng ngành Sư phạm thừa thiếu cục bộ, khó khăn trong tuyển sinh, giảm uy tín với xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng, đổi mới sư phạm cần từ gốc rễ, giữa Bộ và địa phương cần có sự bắt tay, trao đổi để thực hiện.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dự báo về số lượng giáo viên Bộ GD&ĐT phải nắm được để điều tiết, Bộ cũng cần ra những văn bản để đảm bảo các điều kiện chất lượng đội ngũ. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT phải bàn với Bộ Nội vụ để thống nhất chỉ đạo về biên chế giáo viên. Việc đặt hàng đào tạo bồi dưỡng chuyển đổi giáo viên đã nói từ nhiều năm nay, hưng đến nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa được làm đến nơi đến chốn.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhieu-noi-thua-nhieu-noi-thieu-giao-vien.aspx