Nhiều mô hình cải tạo vườn tạp hiệu quả ở thành phố Hà Giang

BHG - “Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với các doanh nghiệp có tiến triển tốt, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét... Đó là những thành quả bước đầu mà Chương trình cải tạo vườn tạp (CTVT) mang lại, với nhiều cách làm hay, sáng tạo góp phần huy động nguồn lực cho việc phát triển kinh tế và xây dựng tiêu chí Nông thôn mới nâng cao…” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đào Quang Diệu khẳng định.

Mô hình trồng bưởi kết hợp nuôi ong của gia đình bác Đỗ Tiến Phúc, tổ 3, phường Quang Trung cho thu nhập 300 triệu đồng mỗi năm.

Trong năm 2021, thành phố Hà Giang thực hiện Chương trình CTVT với 66 hộ, trên 268.000 m2. Qua quá trình triển khai, chất lượng vườn được cải tạo không ngừng nâng lên, đảm bảo đủ các tiêu chí. Đa số các vườn thực hiện có sơ đồ cải tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản phẩm hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đúng với mục tiêu của chương trình CTVT, các mô hình bước đầu tạo sinh kế, giảm nghèo cho người dân. Điển hình với các hộ cận nghèo như: Gia đình bác Triệu Văn Trọng, thôn Bản Cưởm 1, xã Ngọc Đường, với diện tích cải tạo 1.000 m2, chủ yếu đầu tư trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn, gia cầm, thu nhập 3 triệu đồng/tháng; hộ bà Giáp Thị Út, thôn Sơn Hà, xã Ngọc Đường, diện tích cải tạo vườn 500 m2, đầu tư trồng rau và chăn nuôi lợn, gia cầm đã mang lại thu nhập 3 triệu đồng/tháng; hộ ông Lý Văn Chài, thôn Gia Vài, xã Phương Thiện, với tổng số diện tích cải tạo 300 m2, đầu tư chăn nuôi lợn, thu nhập 3 triệu đồng/tháng...

Bên cạnh đó, nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao, cho thu nhập khá từ 6 – 10 triệu đồng/tháng xuất hiện ở nhiều xã, điển hình là hộ ông Nguyễn Tiến Hành, thôn Chang, xã Phương Độ diện tích cải tạo 2.200 m2 chỉnh trang khuôn viên, bố trí sắp xếp cấu trúc không gian theo hướng phát triển du lịch, bể bơi, dưới ao chăn nuôi cá, ốc Nhồi xanh và xen ghép nuôi 2.000 con ếch, cho thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Công Giá, thôn Đoàn Kết, xã Ngọc Đường với 30.000 m2, tập trung chủ yếu trồng cây ăn quả xen trồng rau màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá, cho thu nhập bình quân từ 10 triệu đồng/tháng…

Đến thăm gia đình chị Trần Thị Nhị, tổ 3, phường Quang Trung, là một trong những mô hình CTVT mẫu của phường. Với nền tảng sẵn có là làm nông nghiệp lâu năm, thông qua việc được tuyên truyền, gia đình chị Nhị tiến hành CTVT. Chị Nhị chia sẻ: “Với việc nắm được chương trình CTVT của tỉnh, dưới sự hướng dẫn của phường, gia đình tiến hành quy hoạch diện tích vườn với hơn 3 ha, trong đó chia thành các phân khu: Khu vực chăn nuôi gà, nuôi cá và khu trồng cây ăn quả… Qua cải tạo giúp khu vườn có tính khoa học hơn, đó là chăn nuôi gà dưới cây có tán cao như bưởi, nhãn, từ đó giúp khu vườn luôn sạch cỏ và thuận tiện cho việc tưới bón cây; cá được chăn nuôi khu riêng tạo sự sạch sẽ. Hiện, gia đình thường xuyên nuôi 5.000 con gà; 2 ao cá, mỗi ao khoảng 2.000 – 3.000 m2 và kết hợp trồng các cây ăn quả như: Mận, bưởi, lê... mang lại cho gia đình nguồn thu nhập trên 400 triệu đồng/năm”.

Từ định hướng đúng, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, chương trình CTVT không chỉ tạo hướng đi mà đang dần làm thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người dân. Cùng với những kết quả đã đạt được sẽ là nền tảng giúp chương trình CTVT ngày một lan rộng, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo xu hướng mới trong làm nông nghiệp của người dân thành phố cũng như trên toàn tỉnh.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202204/nhieu-mo-hinh-cai-tao-vuon-tap-hieu-qua-o-thanh-pho-ha-giang-8fb68b1/