Nhiều lo ngại về việc Bình Định triển khai dự án khu gang thép Long Sơn

Sáng 13-4, UBND tỉnh Bình Định tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023. Dịp này, lãnh đạo UBND tỉnh này cũng đã dành nhiều thời gian để trả lời những câu hỏi, thông tin và vụ việc báo chí quan tâm, trong đó dự án gang thép Long Sơn, vốn trên 53.000 tỷ đồng…

Gỡ những vấn đề nóng

Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí tại tỉnh nêu lên nhiều vấn đề tồn tại, như: tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép nhức nhối kéo dài ở địa bàn TP Quy Nhơn; khu đô thị hồ Phù Hòa 5.000 tỷ đồng bỏ hoang, mắc kẹt; ngập lụt phường Ghềnh Ráng; nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh “thâu tóm” 115ha rừng, đất rừng phòng hộ lòng hồ Định Bình; bất cập khu du lịch Ghềnh Ráng – Tiên Sa…

Lãnh đạo tỉnh Bình Định trả lời báo chí tại cuộc họp báo

Liên quan đến tình hình lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất quy hoạch, đất rừng, đất nông nghiệp ở TP Quy Nhơn, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh này cho rằng, đây là câu chuyện dài cần cho tỉnh thời gian để tháo gỡ từng bước.

“Sau khi khảo sát thực tế chúng tôi nhận thấy có rất nhiều trường hợp, hoàn cảnh trong đó rất khó khăn và có lý do và yếu tố lịch sử, lâu dài. Vì vậy chúng tôi chỉ đạo các bên liên quan cần rà soát lại tất cả để phân loại, xử lý từng trường hợp. Đối với trường hợp có lý do chính đáng thì cần bố trí tái định cư, nơi ở mới cho người dân còn trường hợp vi phạm cố tình thì xử lý nghiêm”, ông Tuấn cho hay.

Trước đó, Báo SGGP đã phản ánh hàng loạt công trình xây dựng trái phép ở dọc QL1D, TP Quy Nhơn

Ông Tuấn cũng phê bình cán bộ, nguyên cán bộ, lãnh đạo thiếu gương mẫu tham gia lấn chiếm, xây dựng trái phép ở TP Quy Nhơn.

Về trường hợp báo chí phản ánh ông Nguyễn Tân, cựu Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định xây dựng nhà trái phép ở khu vực 5 (phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), ông Tuấn cho biết báo chí phản ánh đúng sự việc. Tới đây, Bình Định tổ chức hội nghị lớn để tập trung bàn giải pháp, cách làm để giải quyết căn cơ câu chuyện lấn chiếm, xây dựng trái phép ở TP Quy Nhơn và nhiều địa phương trên địa bàn.

Riêng đối với dự án khu đô thị du lịch - văn hóa - thể thao hồ Phú Hòa (gọi tắt khu đô thị hồ Phú Hòa), ông Tuấn cho biết, hiện tỉnh này đã kết nối được với nhà đầu tư, đang tập trung tháo gỡ. Trước mắt, Bình Định sẽ giải quyết dứt điểm “dây dưa” từ lịch sử để lại nhằm sớm “hồi sinh” dự án, trở thành động lực phát triển của TP Quy Nhơn và Bình Định. Người đứng đầu chính quyền Bình Định hứa hẹn, trong 3 năm tới sẽ đầu tư xong khu đô thị này.

Bình Định đang chuẩn bị hồi sinh khu đô thị hồ Phú Hòa

Vụ “thâu tóm” 115ha đất rừng phòng hộ: Không bao che

Liên quan đến vụ ông Nguyễn Đình Kim (cựu Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) “thâu tóm” 115ha rừng, đất rừng phòng hộ lòng hồ Định Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đang giao Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh vụ việc đúng người, đúng tội.

Trước đó, Báo SGGP đã phản ánh cựu Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh "thâu tóm" 115ha đất rừng phòng hộ

“Bí thư Tỉnh ủy đang chỉ đạo giám sát vụ việc này. Quan điểm tỉnh sẽ không có chuyện bao che trong vụ này, xử lý đúng người đúng tội”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.

Nhiều nỗi lo quanh dự án gang thép 53.000 tỷ đồng

Tại cuộc họp báo, các cơ quan báo chí quan tâm nhiều đến dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Nhiều ý kiến nêu lên liên quan đến câu chuyện đi – ở, sinh kế của người dân vùng dự án; năng lực của chủ đầu tư; môi trường sinh thái biển Lộ Diêu; di tích lịch sử Tàu Không Số…

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thông tin tại họp báo

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Anh Tuấn thông tin về tình hình, nội tại phát triển địa phương này và khẳng định tỉnh đang tập trung thu hút các dự án lớn để tạo động lực dẫn dắt kinh tế tỉnh phát triển. Trong đó, dự án gang thép Long Sơn được tỉnh này xác định là dự án động lực dẫn dắt.

“Dự án khi đưa vào hoạt động sẽ giúp tỉnh nâng cao nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc cho người dân và kéo theo dự án phụ trợ cùng phát triển”, ông Tuấn cho hay.

Toàn cảnh đời sống người dân vùng dự án gang thép Long Sơn

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, dự kiến dự án di dời trên 560 hộ dân ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn). Hiện dự án mới bắt đầu có chủ trương, tỉnh chỉ mới chấp thuận cho nhà đầu tư khảo sát, thực hiện dự án sau đó mới trình lên các bộ, ngành Trung ương thẩm duyệt và trình Chính phủ quyết định.

Tuy nhiên, dự án muốn “qua cửa” tỉnh, ông Tuấn cho rằng cần đạt các yêu cầu về công nghệ phải hiện đại; đảm bảo không ô nhiễm môi trường, cảnh quan, di tích lịch sử; người dân vùng dự án dời đi đảm bảo có chỗ ở, đời sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ và họ có sinh kế bền vững lâu dài...

Tại cuộc họp báo, nhiều ý kiến báo giới lo ngại về năng lực nhà đầu tư khi đơn vị này khá “kín tiếng” trong việc thực hiện dự án gang thép trong nước, quốc tế. Nội dung này, người đứng đầu chính quyền Bình Định khẳng định rằng, trước khi thực hiện dự án tỉnh quan tâm trước tiên đến năng lực tài chính chủ đầu tư (thể hiện con số cụ thể; hợp đồng ngân hàng thương mại). Bởi, có tài chính thì đảm bảo tốt về năng lực công nghệ, kiểm soát môi trường.

Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận nhiều rủi ro có thể gặp phải đối với dự án, thậm chí có thể không triển khai được khi không đảm bảo được yêu cầu tỉnh và năng lực của nhà đầu tư. “Rủi ro về môi trường vẫn sẽ có, tuy nhiên chúng ta kiểm soát nó như thế nào. Việc này các bộ ngành Trung ương, Chính phủ đã có quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể”, ông Tuấn nói thêm.

Ông Phạm Anh Tuấn đề cập thêm bài học từ sự cố xả thải tại nhà máy thép Fomosa năm 2016 và cho rằng, đây là bài học đắt giá, lớn của cả nước và các bộ ngành chức năng. Vì vậy, từ phía cạnh chính quyền địa phương, cũng như Trung ương cân nhắc rất kỹ lưỡng tất cả các yếu tố đảm bảo thực hiện dự án…

Bãi biển Lộ Diêu sinh thái, môi trường đầy tiềm năng

Về thông tin trước kia dự án từng triển khai ở ven biển Phù Mỹ bị dân phản ánh sau đó dời ra biển Lộ Diêu, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, không có chuyện ngẫu hứng muốn dời nhà máy thép đi đầu thì dời; và cũng không có chuyện người dân phản đối nên dời đi. Việc dời từ ven biển Phù Mỹ ra Lộ Diêu là do yêu cầu kỹ thuật, bến cảng… của nhà đầu tư. Việc lựa chọn biển Lộ Diêu là do nhà đầu tư tiếp tục khảo sát thấy phù hợp nên đề xuất chuyển dời.

Thu ngân sách gặp khó

Theo UBND tỉnh Bình Định, mặc dù thu ngân sách tỉnh năm 2022 đạt ngưỡng kỷ lục trên 16.500 tỷ đồng, song bước qua quý I năm 2023 thu ngân sách tỉnh giảm mạnh. Cụ thể, tổng thu ngân sách đạt 2.309 tỷ đồng, đạt 16,9% dự toán năm, giảm 42,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, thu nội địa chưa tính tiền sử dụng đất 1.815 tỷ đồng, đạt 25,7% dự toán năm, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng thu từ tiền sử dụng đất giảm mạnh 73,3% so với cùng kỳ chỉ đạt 388 tỷ đồng, đạt 7,1% dự toán.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách địa phương tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước với 4.020 tỷ đồng (đạt 21,5% dự toán). Chi thường xuyên 2.162 tỷ đồng, đạt 25% dự toán, giảm 0,6% so với cùng kỳ.

Tại họp báo, lãnh đạo tỉnh Bình Định thông tin về một số kế hoạch, chương trình tỉnh này đang thực hiện nhằm giúp tỉnh có nguồn thu ổn định, bền vững hơn. Trong đó, địa phương tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu hướng tới dây chuyền sản xuất, xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng tiêu biểu có giá trị lớn.

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-lo-ngai-ve-viec-binh-dinh-trien-khai-du-an-khu-gang-thep-long-son-post685630.html