Nhiều lao động chưa khai thác tối đa quyền được hỗ trợ đào tạo nghề khi mất việc làm

Sáng 21-3, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2024.

Quang cảnh hội nghị.

Tại chương trình, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã giới thiệu các văn bản hướng dẫn thực hiện hỗ trợ học nghề cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp và thủ tục hồ sơ đăng ký đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp đối với các cơ sở đào tạo nghề.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu nhấn mạnh: Người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng quyền lợi khi mất việc nếu đáp ứng đủ 4 điều kiện theo Điều 49 của Luật Việc làm.

Cụ thể: (1) Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, và có các giấy tờ như: Bản chính hoặc bản sao của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (trừ các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng); (2) Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với người lao động ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng. (3) Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trong thời hạn 3 tháng (90 ngày), kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc. (4) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Đáng chú ý, quyền lợi của người lao động thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ngoài việc được hỗ trợ một khoản tiền trợ cấp theo quy định, giúp người lao động ổn định cuộc sống trong thời gian mất việc và được hưởng thẻ y tế trong thời gian thất nghiệp, người lao động còn được tư vấn, giới thiệu việc làm và tư vấn hỗ trợ học nghề miễn phí nhằm giúp người lao động sớm tái hòa nhập thị trường lao động và hỗ trợ học nghề nhằm giúp người lao động chuyển đổi nghề nghiệp.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhiều người lao động chưa khai thác tối đa quyền lợi được hỗ trợ đào tạo nghề khi bị mất việc. Đa số chỉ mong muốn nhanh chóng tìm ngay công việc mới nên số lượng người lao động hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp đăng ký học nghề ít, chưa hiểu rõ được các nghề đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động với các nghề đào tạo…

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam phát biểu tại hội nghị.

Khắc phục tình trạng số lượng người lao động bị mất việc đăng ký học nghề còn thấp, một số giải pháp đã được nêu, bàn thảo tại hội nghị, bao gồm: Làm tốt hơn công tác tư vấn, tuyên truyền đối với người lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng phương thức đào tạo linh hoạt, đáp ứng được tiêu chí “người học có thể học mọi lúc, mọi nơi”, thuận tiện sắp xếp các công việc cá nhân đăng ký lượng kiến thức học phù hợp năng lực; tăng cường xây dựng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo…

Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam đề nghị Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trên cơ sở tổng hợp ý kiến tại hội nghị để thống nhất đề xuất các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, kịp thời xây dựng Kế hoạch triển khai nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo nghề cho người lao động thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, phối hợp Phòng Việc làm - An toàn lao động của Sở và các đơn vị liên quan, hoàn thành trước ngày 31-3-2024.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhieu-lao-dong-chua-khai-thac-toi-da-quyen-duoc-ho-tro-dao-tao-nghe-khi-mat-viec-lam-661381.html