Nhiều khó khăn trong quản lý cơ sở kinh doanh ka-ra-ô-kê

Để lập lại trật tự trong hoạt động kinh doanh ka-ra-ô-kê, đến nay, phần lớn các biển hiệu vi phạm đã được tháo dỡ. Từ nay đến 25-12, thành phố tập trung hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ka-ra-ô-kê thực hiện các biện pháp bảo đảm phòng, chống cháy, nổ, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ ka-ra-ô-kê trên địa bàn đến nay, hầu hết các quận, huyện đã vào cuộc tích cực. Ngoài quận Cầu Giấy sớm hoàn thành xử lý biển hiệu vi phạm, quận Đống Đa cũng vừa tháo dỡ xong 54 biển hiệu cơ sở ka-ra-ô-kê vi phạm về kích cỡ; các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hà Đông, Long Biên... cũng đã cơ bản hoàn thành công tác xử lý biển hiệu sai quy định, mà phần lớn là do có kích thước quá lớn, che lối thoát hiểm, gây ra nguy cơ cháy nổ.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với quản lý hoạt động kinh doanh ka-ra-ô-kê. Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải bảo đảm nhiều yếu tố, từ diện tích phòng hát, cửa kính, độ sáng của đèn, nhà vệ sinh, cho tới phòng cháy, chữa cháy... và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội. Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt cho biết: "Từ đầu năm đến nay, quận Đống Đa thực hiện 317 lượt kiểm tra các cơ sở kinh doanh ka-ra-ô-kê, xử phạt hành chính 91 trường hợp. Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 2 đã đình chỉ hoạt động bảy cơ sở. Hiện nay, quận đang tổ chức tuyên truyền cho chủ các cơ sở thực hiện Thông tư số 47 của Bộ Công an hướng dẫn về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, ka-ra-ô-kê. Quận kiên quyết tạm dừng các cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện hoạt động. Nhưng từ hoạt động kiểm tra, xử lý thời gian qua cho thấy, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ka-ra-ô-kê khá lớn, trong khi đó mức phạt hiện tại chưa đủ sức răn đe".

Tại Hội nghị chuyên đề về quản lý hoạt động kinh doanh ka-ra-ô-kê, vũ trường do UBND TP Hà Nội vừa mới tổ chức, đại diện nhiều quận, huyện cũng đồng tình với quan điểm về mức phạt đối với các vi phạm trong hoạt động này còn quá nhẹ. Nhiều chủ cơ sở sẵn sàng nộp phạt. Cũng liên quan đến công tác thanh, kiểm tra, đặc thù của ka-ra-ô-kê là hoạt động vào buổi tối. Trong khi đó, lực lượng thanh tra thì có hạn, không thể bao quát hoạt động của tất cả các quán ka-ra-ô-kê đến tận đêm khuya. Đây là lý do nhiều cơ sở tranh thủ hoạt động trong thời gian bị tạm dừng, hoặc không tuân thủ đầy đủ các quy định về hoạt động quản lý. Đáng chú ý, gần đây xuất hiện loại hình ka-ra-ô-kê trá hình, gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Một số chủ cơ sở đã tổ chức hình thức phòng trà, hay dịch vụ "hát cho nhau nghe"... Các cơ sở này không thu tiền hát ka-ra-ô-kê, nhưng lại có sự hiểu ngầm với khách, thu gián tiếp bằng cách tính tiền đồ uống, các dịch vụ với giá cao. Hiện chưa có quy định pháp luật nào về loại hình này. Từ khi thành phố siết chặt hoạt động kinh doanh ka-ra-ô-kê, loại hình kinh doanh này có chiều hướng phát triển. Trong thời gian tới, khi Thông tư số 47 có hiệu lực, nguy cơ "bùng nổ" các dịch vụ trá hình rất dễ xảy ra.

Toàn thành phố hiện có hơn 1.600 cơ sở kinh doanh ka-ra-ô-kê, trong đó có hơn 1.200 cơ sở đã được cấp phép. Các quận, huyện ven đô là địa bàn mà hoạt động ka-ra-ô-kê nở rộ hơn cả. Điển hình như các huyện: Sóc Sơn có 115 cơ sở, Chương Mỹ có 105 cơ sở, Đông Anh có 101 cơ sở... Các quận: Hà Đông có 102 cơ sở, Long Biên có 80 cơ sở... Phần lớn các cơ sở kinh doanh đều không đạt các tiêu chuẩn về phòng, chống cháy nổ, nhất là so với tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 47. Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Quang Trung cho biết: "Các quy định tại Thông tư số 47 hết sức chặt chẽ. Bởi vậy, tôi cho rằng ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng của thành phố phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn để các chủ kinh doanh nắm được, từ đó, họ có thể nâng cấp, sửa chữa sao cho đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Nếu các cơ sở không nắm vững, thực hiện nâng cấp rồi mà không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ gây lãng phí rất lớn. Các cơ sở cần được biết rõ, nếu cảm thấy không đáp ứng được thì họ có thể chủ động chuyển đổi hình thức kinh doanh". Để thực hiện các quy định của Thông tư số 47, đòi hỏi mức đầu tư rất lớn. Chẳng hạn cơ sở kinh doanh từ ba tầng trở lên, ngoài đáp ứng các yêu cầu về vật liệu, thiết kế phòng cháy, chữa cháy, phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động. Điều này càng khó khăn hơn đối với các cơ sở kinh doanh ở các quận mới, hay các huyện ngoại thành.

Từ nay đến hết ngày 25-12, thành phố tổng kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh ka-ra-ô-kê, vũ trường. Nhưng điều mà nhiều người mong muốn là thành phố cần tìm lời giải để quản lý thật tốt hoạt động này vì hát ka-ra-ô-kê là một nhu cầu thực tế, một loại hình giải trí lành mạnh của người dân.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/31431202-nhieu-kho-khan-trong-quan-ly-co-so-kinh-doanh-ka-ra-o-ke.html