Nhiều khán giả 'sốc' trước tác phẩm về cựu chiến binh tại triển lãm Miền nhớ

Trong 135 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm Miền nhớ, tác phẩm về tình yêu của đôi vợ chồng cựu chiến binh mang tên 'Tình yêu còn lại' đã khiến không ít khán giả cảm thấy bị sốc

Triển lãm mang tên Miền nhớ của CLB Mỹ thuật nữ đã chính thức diễn ra tại trụ sở Hội mỹ thuật TP.HCM (quận 3) vào tối 2-3.

Triển lãm Miền nhớ thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Ảnh: VĂN HÀ

Đa dạng thể loại tại Miền nhớ

Triển lãm Miền nhớ trưng bày 135 tác phẩm của 100 tác giả nữ với sự đa dạng về chất liệu như sơn mài, sơn dầu, acrylic, tổng hợp, khắc gỗ, lụa, màu nước, gốm…

Triển lãm đa dạng về chất liệu lẫn thể loại

Theo GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, triển lãm thể hiện được rất nhiều đề tài trong cuộc sống như thiên nhiên, đất nước con người Việt Nam. Có nhiều chất liệu mới được thực hiện và thể hiện nhiều phong cách từ hiện thực lãng mạn đến trừu tượng…

Bên cạnh hình ảnh thiên nhiên, phong cảnh, tĩnh vật thì hình ảnh người phụ nữ cũng được thể hiện nhiều

"Những tác phẩm do các họa sĩ nữ gửi gắm vào đó tình yêu về gia đình, quê hương, đất nước, con người, đưa người xem đến không gian nghệ thuật ấm cúng, dịu dàng và tràn đầy yêu thương.

Tác phẩm gốm men “Sen” (bộ ba) của tác giả Nguyễn Thị Dũng

Qua đó, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước trong lòng người xem và những tác phẩm này là món quà tình thần, một thông điệp hết sức tốt lành mà các nữ họa sĩ mang đến trong dịp đầu năm cũng như 8-3 sắp đến" - GS-TS Nguyễn Xuân Tiên chia sẻ.

Tranh sơn mài “Miền an nhiên” của họa sĩ Nguyễn Anh Đào

Tác phẩm Nét duyên của tác giả Trần Thị Ngọc Hân mang hơi hướng dân gian

Tác phẩm Yên của Phan Thị Thùy Trang

Những mùa hoa bỏ lại với chất liệu Acrylic của Phan Huỳnh Hạnh Phúc

Tác phẩm sơn dầu “Bên thềm xuân” của họa sĩ Hoàng Thùy Dương

Hình ảnh người phụ nữ được thể hiện nhiều trong các tác phẩm

Vẻ đẹp của nghệ thuật không bình yên

Đặc biệt tại triển lãm, bên cạnh những tác phẩm về người phụ nữ, khung cảnh thiên nhiên hay tĩnh vật, thì tác phẩm mang tên Tình yêu còn lại (chất liệu lụa) mang đề tài "độc nhất" so với các tác phẩm còn lại.

Tác phẩm Tình yêu trở lại được trưng bày cùng đôi nạng và đôi dép của tác giả Tiểu Tân

Theo tác giả Tiểu Tân, đây là tác phẩm được bản thân thể hiện dựa trên câu chuyện có thật của vợ chồng chú Nắm và cô Hồng, 2 cựu chiến binh thời chống Mỹ.

Vợ chồng ông bà quen và yêu nhau trong một lần hành quân ở chiến trường Bình Giã 1964. Thời chiến tranh loạn lạc nên rồi mỗi người một nơi, ông thuộc đơn vị thông tin liên lạc, bà thuộc đơn vị vận tải lương thực và vũ khí.

Chiến dịch Mậu Thân nổ ra, cả hai đều bị thương tật trong quá trình kháng chiến, họ đã những tưởng rằng cả đời này không còn có thể gặp lại sau nhiều năm tháng bặt vô âm tín.

Nhiều bạn trẻ thích thú tác phẩm tại triển lãm

Đến năm 1970, ông bà hội ngộ ở một địa điểm và trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt: Trại làm chân giả tại Hà Nội. Hai người chiến sĩ đều bị mất một chân trên những mặt trận khác nhau, họ nối lại tình xưa và sống với nhau hạnh phúc đến bây giờ.

Tác giả Tiểu Tân giới thiệu về tác phẩm của mình

Câu chuyện khiến nữ tác giả xúc động và thể hiện mối tình đẹp đó bằng ngôn ngữ hội họa.

Tác phẩm mang chủ đề được xem là duy nhất tại triển lãm Miền nhớ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Tham dự tại triển lãm họa sĩ Ngô Đồng cho rằng tỉ lệ tranh đẹp trong triển lãm khá nhiều, đề tài của các nữ họa sĩ rộng mở và bút pháp mạnh mẽ, dứt khoát hơn. Nam họa sĩ cùng cho biết bản thân bị sốc trước tác phẩm Tình yêu còn lại.

Họa sĩ Ngô Đồng cùng tác giả Tiểu Tân

"Cái sốc này mang tính bí cảm nghệ thuật tại vì nó nhắc lại cho chúng ta đất nước đã đi qua thời đạn bom khói lửa như thế nào và chúng ta đừng nên quên chiến tranh. Chúng ta hôm nay sống trong thời bình thì đã quá hạnh phúc, may mắn so với hai nhân vật trong tác phẩm” - họa sĩ Ngô Đồng bày tỏ.

Triển lãm Miền nhớ kéo dài từ ngày 2 đến hết 8-3 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM.

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-khan-gia-soc-truoc-tac-pham-ve-cuu-chien-binh-tai-trien-lam-mien-nho-post778588.html