Nhiều kết quả nổi bật trong Chương trình MTQG 1719 tỉnh Hậu Giang

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Chương trình đã đạt được một số kết quả nổi bật, giúp người dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Theo ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, Chương trình MTQG 1719 được triển khai trên địa bàn tỉnh Hậu Giang 3 năm qua và đã đạt được một số kết quả nổi bật:

Thứ nhất: Có lẽ kết quả nổi bật cụ thể nhất trước tiên phải kể đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển mà tỉnh đã đạt được là 95%.

Thứ hai: Mục tiêu mà Chương trình đã đề ra giai đoạn 2021 - 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo người DTTS 8%. Kết quả thực hiện năm 2022, giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo, đạt 100% kế hoạch, riêng kết quả thực hiện năm 2023 được đánh giá vào cuối năm.

Ông Nguyễn Hoàng Triệu - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trao lẵng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang lần thứ III nhiệm kỳ 2022 – 2027

Thứ ba: Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên thì qua triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu dự án của Chương trình tỉnh cũng đã đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu: Nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa đường nông thôn 7,5 km; 530 hộ được giải quyết nước sinh hoạt phân tán; 375 người được đào tạo nghề giải quyết việc làm; 44 cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở được hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng 01 công trình nước sinh hoạt tập trung...

Công tác thông tin tuyên truyền được chú trọng, các cơ quan báo chí truyền thông của Trung ương và địa phương đã kịp thời đưa nhiều phóng sự và tin tức liên quan đến Chương trình, các dự án, nội dung hỗ trợ cho đồng bào vùng DTTS. Tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh, điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS và khen thưởng, biểu dương thanh niên, sinh viên, người có uy tín tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công…

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Triệu, qua thời gian triển khai, thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh có một số những thuận lợi: Nguồn lực thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương; đồng thời, tỉnh cũng chủ động bố trí ngân sách đối ứng đảm bảo theo tỷ lệ quy định. Việc phân bổ nguồn lực thực hiện Chương trình năm 2022 - 2023 là phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn theo quy định hiện hành.

UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương khẩn trương triển khai thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ thuộc phạm vi, lĩnh vực được phân công phụ trách theo đúng tiến độ quy định. Dự kiến đến 30/12/2023 sẽ hoàn thành đầy đủ các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu theo Kế hoạch của UBND tỉnh và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao năm 2022.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Chương trình thực hiện tương đối đồng bộ, nhằm để chuyển tải hết các nội dung của từng dự án, tiểu dự án đến đối tượng và người dân thụ hưởng.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, trong quá trình triển khai Chương trình MTQG 1719 tỉnh cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc:

Chương trình triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh với nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực thuộc nhiều cấp quản lý nên việc áp dụng đồng thời, thống nhất về nội dung giữa các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình dự báo sẽ gây ra khó khăn nhất định đối với các địa phương.

Đây là Chương trình tương đối mới, các cơ chế chính sách hướng dẫn thực hiện Chương trình chưa kịp thời ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Số lượng cán bộ công chức hệ thống công tác dân tộc chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao trong giai đoạn hiện nay.

Khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS thuộc Tiểu dự án 3 của Dự án 5 là do đối tượng áp dụng thực hiện nội dung này chỉ trong vùng đồng bào DTTS trong khi đó cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp lại ở xã không phải vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng đúng theo quy định ít, nguồn vốn được cấp lại nhiều từ đó việc giải ngân sẽ không đạt được 100%.

Phân bổ nguồn vốn về địa phương phân bổ chi tiết đến từng dự án nên địa phương không chủ động được trong bố trí nguồn vốn thực hiện phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Qua đó, tỉnh Hậu Giang đề xuất Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh cơ chế phân bổ nguồn vốn, theo hướng giảm nguồn vốn sự nghiệp chuyển sang chi cho đầu tư phát triển. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, giao thẩm quyền cho tỉnh được điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án, tiểu dự án.

Do có quá nhiều văn bản hướng dẫn, mỗi văn bản hướng dẫn lại dẫn chiếu nhiều văn bản có liên quan khác gây khó khăn trong việc nghiên cứu, áp dụng thực hiện vì vậy, Ủy ban Dân tộc cần sớm ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình; tài liệu Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp thuộc Tiểu dự án 3 của Dự án 5, vì đến nay Ủy ban Dân tộc mới ban hành được khung đào tạo tại Quyết định 752/QĐ-UBDT ngày 11/10/2022 nên tỉnh chưa giải ngân được Tiểu dự án này.

P.V

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-ket-qua-noi-bat-trong-chuong-trinh-mtqg-1719-tinh-hau-giang-post277721.html