Nhiều hồ thủy lợi ở Bình Định xuống cấp cần sửa chữa

Tại tỉnh Bình Định, hàng chục hồ thủy lợi xuống cấp, hư hỏng chưa được sửa chữa, nâng cấp. Các địa phương ở tỉnh này chủ động phương án ứng phó, tập trung vào phương án '4 tại chỗ' đảm bảo an toàn hồ đập, ứng phó các tình huống mất an toàn hồ đập trong mùa mưa bão.

Hồ thủy lợi Cây Thích, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định xây dựng từ năm 1983, dung tích chứa gần 830 nghìn m3. Trước đây, hồ này do UBND huyện Tuy Phước quản lý và khai thác. Năm 2020, hồ được bàn giao cho Xí nghiệp Thủy lợi IV, Chi nhánh Công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi Bình Định khai thác. Qua nhiều năm khai thác trên hệ thống thân đập hồ Cây Thích đã xuất hiện thẩm lậu nước. Hiện nay, hồ chứa nước Cây Thích đã được bố trí nguồn vốn nâng cấp sửa chữa và triển khai thi công vào năm 2024.

Thân đập hồ chứa nước Cây Thích bị sụt lún.

Ông Nguyễn Thanh Thiên, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi IV, Chi nhánh Công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi Bình Định cho biết: “Hồ Cây Thích xuống cấp, bị thấm rất lớn, thấm dọc theo mái hạ lưu. Khi mực nước lớn, có mưa lớn thì anh em trực sử dụng đèn pin đi kiểm tra mái đập. Vào mùa mưa, anh em phải ở tạm chòi nuôi cá của người dân để trực. Bình thường mưa lũ phải trực 4 người, nếu mưa to, mực nước lớn thì phải thay phiên nhau, cứ một tiếng một lần phải đi kiểm tra hết dọc theo mái đập”.

Huyện Tây Sơn có 8 hồ chứa và 1 đập dâng xuống cấp. Các hồ này được xây dựng trước 1990, nền và thân đập đất bị thấm nước. Một số hồ, cửa van xả nước bị hư hỏng gây khó khăn cho vận hành. Mới đây, UBND huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đã tổ chức kiểm tra, đánh giá và báo cáo hiện trạng an toàn hồ đập trước mùa mưa lũ năm 2023.

Khu vực hồ chứa nước Cây Thích, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Ông Lê Hà An, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Sơn cho biết, các hồ chứa hư hỏng sẽ hạn chế tích nước: “Để đảm bảo an toàn cho công trình thì các đơn vị được giao khai thác, tăng cường 24/24 theo dõi, quản lý, kịp thời phát hiện các sự cố để Ban chỉ huy phòng Chống thiên tai có chỉ đạo xử lý kịp thời. UBND huyện Tây Sơn tiếp tục bố trí kinh phí đầu tư, tuy nhiên nguồn lực và khả năng của huyện có hạn, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất với tỉnh, Trung ương quan tâm hỗ trợ, đầu tư nâng cấp các hồ chứa này”.

Toàn tỉnh Bình Định có 164 hồ chứa, tổng dung tích 682 triệu m3. Trong đó, Công ty TNHH khai thác công trình Thủy lợi Bình Định quản lý 63 hồ lớn và vừa. Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định quản lý 2 hồ nhỏ. Các địa phương quản lý 99 hồ vừa và nhỏ, tổng dung tích 40 triệu m3.

Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định phối hợp các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra an toàn đập, hồ chứa nước. Qua kiểm tra, phát hiện 23 hồ chứa hư hỏng, yêu cầu tích nước hạn chế, trong đó 13 hồ đã bố trí nguồn vốn sửa chữa nâng cấp. Tại các hồ chứa xung yếu, hạn chế tích nước, các địa phương đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời ứng phó khi thiên tai xảy ra. Nhiều hồ đã được tháo, mở thông thoáng dòng chảy trước tràn xả lũ.

Các hồ chứa xuống cấp xây dựng đã lâu.

Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết: “Trước mùa mưa, chúng tôi kiểm tra hết tất cả các hồ này, tập trung kiểm tra đập đất bị thấm, cống lấy nước. 23 hồ chứa xuống cấp đó, yêu cầu các tràn xả lũ được thông thoáng hết. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cũng đưa ra phương án hạn chế cấp nước, tích nước để bảo đảm an toàn cho hồ chứa. Tích nước đủ để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân đối với các hồ đã có kế hoạch sửa chữa. Đối với những hồ chứa xuống cấp, chưa được bố trí kinh phí sửa chữa nâng cấp sẽ tích nước rất ít”.

Thanh Thắng/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-ho-thuy-loi-o-binh-dinh-xuong-cap-can-sua-chua-post1054064.vov