Nhiều hộ dân sạt lở nặng ở Quảng Nam vẫn chưa di dời đến nơi an toàn

Cứ vào mùa mưa lũ, hàng trăm hộ dân sống ven sông, ven biển tỉnh Quảng Nam lại nơm nớp lo sợ nhà cửa bị cuốn trôi. Các địa phương đã chủ động lên phương án di dời dân đến nơi an toàn.

Khu vực thôn Trung Phường, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam hiện có 30 hộ dân sống sát biển Cửa Đại. Đây là điểm thường xuyên xảy ra sạt lở. Tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, ăn sâu vào khu dân cư. Có những chỗ bờ biển chỉ còn cách nhà dân vài mét.

Ông Trương Công Trực cho biết, sạt lở kéo dài nhiều năm nay, nhà ông cách bờ biển 10m

Ông Trương Công Trực, nhà ở thôn Trung Phường, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên than thở: Trước đây, vườn nhà ông cách bờ biển khoảng 100m nhưng hiện nay nước biển chỉ cách nhà khoảng 10 m, sóng biển đánh mạnh vào bờ bật hết gốc cây, gia đình nơm nớp lo sợ.

“Mùa mưa bão là nhà tôi rất sợ không an tâm nên phải di dời, người dân làm hoa màu, trồng đậu, khoai lang bị nhiễm mặn. Do sạt lở, nhiều hộ dân bỏ đi chỗ khác ở. Bữa nay chưa có gió bão đã sạt lở tới sân rồi. Ban đêm ngủ không yên, di dời cháu nhỏ đi chỗ khác còn vợ chồng ông bà già ở nhà. Người dân chúng tôi mong chính quyền địa phương làm kè tạm, dùng tre đóng xuống hạn chế sóng đánh”, ông Trực nói.

Khu vực thôn Trung Phường, xã Duy Hải sạt lở nghiêm trọng

Duy Hải là xã bãi ngang ven biển phía Đông của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, đoạn bờ biển này đang bị sạt lở gần 2 km nhưng chưa được đầu tư xây dựng kè kiên cố. Sạt lở ngày càng phức tạp, đe dọa tính mạng, tài sản và hoa màu của bà con. Trước tình trạng này, chính quyền địa phương đã vận động người dân chuyển đến khu tái định cư đề phòng những tình huống do sạt lở gây ra. Năm 2018, UBND xã Duy Hải bố trí đất tái định cư cho 16 hộ dân nhưng chỉ có 5 hộ đồng ý di dời, còn lại bà con bám ruộng vườn cũ sinh sống. Các hộ dân này không di dời vì họ không đồng tình với giá đền bù giá quá thấp.

“Đối với khu vực sạt lở, UBND xã tổng hợp và báo cáo huyện xin chủ trương đầu tư kè để đảm bảo an toàn cho người dân. Trước mắt, địa phương vận động các hộ này vào phía trong để đảm bảo an toàn. Từ năm 2019 đến nay tốc độ sạt lở rất nghiêm trọng có nơi gần 500m, sạt lở sâu trong đất liền, ảnh hưởng đến đất sản xuất, đất ở”, ông Trần Văn Siêm, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết.

Ngôi nhà từng cách mép biển 150m nay đã bị sóng biển xâm lấn toàn bộ

Trên địa bàn huyện Duy Xuyên có 25 km bờ biển chưa được xây kè, ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống của gần 1.000 hộ dân. Ông Nguyễn Chí Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: huyện đang lên kế hoạch di dời dân đến nơi an toàn.

“Trước tình hình mưa lớn kéo dài, nếu xảy ra lũ, huyện chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai bố trí các phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời sơ tán dân những vùng ven sông, ven biển và có nguy cơ sạt lở đất và vùng trũng thấp về nơi an toàn. Cùng với đó, triển khai việc dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống hỗ trợ cho nhân dân đi sơ tán. Kiến nghị tỉnh và Trung ương quan tâm xây dựng bờ kè kiên cố”, ông Công cho hay.

Thời gian qua, các địa phương ở tỉnh Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chống sạt lở, tu sửa đê điều, hồ chứa, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Tỉnh Quảng Nam hiện có gần 4.900 hộ dân với hơn 12.000 nhân khẩu nằm trong vùng ngập lụt, thấp trũng, ven sông, ven biển có nguy cơ sạt lở cần di dời.

Người dân mong muốn chính quyền địa phương quan tâm xây dựng bờ kè kiên cố

Chủ động ứng phó với mưa lũ, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan rà soát, chủ động sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, vùng bị ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án bố trí chỗ ở tạm, chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho người dân sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.

“Chúng tôi chỉ đạo các địa phương, các ngành có kế hoạch bài bản cho việc phòng chống thiên tai. Đề nghị các địa phương chú trọng vào "4 tại chỗ", cương quyết không để có tình trạng thiếu lương thực và thực phẩm, tránh tình trạng người dân thiếu đói trên ở vùng sạt lở, chia cắt. Chúng tôi chỉ đạo các địa phương ứng dụng khoa học công nghệ cho người dân biết sớm và phòng chống tốt hơn, chỉ đạo các thủy điện đảm bảo quy trình xả nước, tích trữ nước an toàn”, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết.

Tuyết Lê/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-ho-dan-sat-lo-nang-o-quang-nam-van-chua-di-doi-den-noi-an-toan-post1052536.vov