Nhiều gợi ý chính sách cho triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII

Ngày 17/8/2023, tại TP HCM, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Triển khai Quy hoạch điện VIII – Những thách thức và gợi ý chính sách'.

Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với nhiều nội dung quan trọng, xác định một khối lượng lớn danh mục và quy mô công suất các dự án nguồn điện, lưới điện, cần một nguồn vốn đầu tư cao kỷ lục, đồng thời có nội dung chuyển dịch cơ cấu năng lượng mạnh mẽ.

Cùng với những mục tiêu, nhiệm vụ hết sức thách thức, có nhiều vấn đề khó khăn đang đặt ra cho việc thực hiện Quy hoạch điện VIII mà tại Hội thảo, các đại biểu, doanh nghiệp, chuyên gia đã chỉ ra như: Ngành điện đang trải qua giai đoạn suy giảm nhanh về khả năng cung cấp nhiên liêu/năng lượng sơ cấp trong nước cho các dự án nguồn điện lớn; Nhiều dự án điện lớn đã và đang triển khai chậm tiến độ; Mục tiêu là chuyển dịch cơ cấu nguồn điện theo hướng xanh, sạch, phát triển bền vững nhưng lại thiếu các quy định pháp lý cần thiết; Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng công nghệ - tài chính cho phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) đang gây ra những hệ lụy cho nhà đầu tư; Vận hành hệ thống điện đang gặp khó khăn khi chưa đủ điều kiện hấp thụ quy mô lớn nguồn NLTT; Cân đối tài chính của EVN – doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính của ngành điện về đảm bảo an ninh cung cấp điện đang bị đe dọa; Khả năng huy động nguồn vốn đầu tư các dự án điện đang gặp nhiều khó khăn.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong các dự án nguồn điện chuyển tiếp từ Quy hoạch điện VII điều chỉnh sang Quy hoạch điện VIII, có 4 dự án/chuỗi dự án đã chậm trễ nhiều năm bởi nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách: Dự án Nhiệt điện than Long Phú 1 (1.200 MW), chuỗi dự án LNG, điện Sơn Mỹ (4.500 MW), Chuỗi dự án khí, điện Lô B – Ô Môn (3.150 MW), Chuỗi dự án khí, điện Cá Voi Xanh (3.750 MW). Tổng công suất các dự án này chiếm tới 20% tổng công suất nguồn nhiệt điện năm 2030 và chiếm 37% tổng công suất nguồn nhiệt điện xây dựng (từ năm 2021 – 2030).

Trong Quy hoạch điện VIII, quy mô phát triển tới 22.400 MW các dự án điện từ LNG từ nay đến 2030; Quy mô điện gió năm 2030 lên đến 27.880 MW (trong đó điện gió trên bờ là 21.880 MW và điện gió ngoài khơi là 6.000 MW);… Đây là những mục tiêu rất thách thức.

Đại diện của Equinor tại Việt Nam tham luận tại Hội thảo

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T, với xuất phát điểm là số 0, trong khi mục tiêu đặt ra là 6.000 MW vào năm 2030 và thời gian phát triển một dự án điện gió ngoài khơi đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn, chỉ riêng giai đoạn khảo sát địa vật lý, thủy văn, đo gió,… có thể đã mất vài ba năm. Do đó cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này.

Ông Jacques –Etienne MICHEL, Giám đốc đại diện quốc gia của Equinor tại Việt Nam nhận định, Quy hoạch điện VIII đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng cho điện gió ngoài khơi. Các dự án điện gió ngoài khơi thường mất 7 – 10 năm để phát triển. Để theo kịp mục tiêu đề ra cần khẩn trương hoàn thiện kế hoạch thực hiện quy hoạch về: trao khu vực phát triển dự án, vấn đề đấu nối và lưới điện, cơ chế giá, chuỗi cung ứng,…

TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đóng góp ý kiến tại Hội thảo

TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, mục tiêu của Quy hoạch điện VIII là hết sức thách thức, đặc biệt là với ước tính dự kiến lượng vốn đầu tư các dự án nguồn và lưới điện lên đến 13,5 tỷ USD/năm giai đoạn đến năm 2030. Với yêu cầu vốn lớn như vậy cần phải thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực. Ngoài ra, nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến thu xếp vốn, hiệu quả đầu tư, các vướng mắc về cơ chế chính sách,… nếu không có giải pháp kịp thời, nguy cơ vỡ quy hoạch là rất lớn vì từ nay đến 2030 rất cận kề với lộ trình triển khai các dự án mất từ 7 – 10 năm.

Thay mặt Hội Dầu khí Việt Nam, TS. Nguyễn Quốc Thập đưa ra kiến nghị “Xác định nguyên tắc tuân thủ theo quy luật thị trường thì nhà đầu tư sẽ yên tâm và nhà quản lý cũng sẽ dễ dàng đưa ra những quyết định”. Với lĩnh vực điện gió ngoài khơi, TS. Nguyễn Quốc Thập bày tỏ sự chia sẻ với những kiến nghị trong Hội thảo về trước tiên cần có quy hoạch không gian biển. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy nếu cứ chờ đợi phải có khung pháp lý hoàn chỉnh mới triển khai các dự án thì sẽ vỡ quy hoạch vì không kịp thời gian, do đó nên xem xét triển khai các dự án thử nghiệm, thí điểm, qua đó rút kinh nghiệm song song với hoàn thiện khung pháp lý. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng cơ chế giá cho điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, làm cơ sở để triển khai/phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu trong những lĩnh vực này.

Ban tổ chức Hội thảo cho biết, sẽ tổng hợp đầy đủ các tham luận, phản biện, kiến nghị tại diễn đàn này để đề xuất, kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, ban hành các quy định phù hợp, cũng như các giải pháp, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VIII với mục tiêu triển khai các dự án điện, năng lượng đảm bảo tiến độ phục vụ an ninh năng lượng trong giai đoạn đến năm 2030, cũng như phát triển bền vững và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Hội thảo được tổ chức với sự “tài trợ Vàng” của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS); cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp đồng tài trợ và phối hợp truyền thông, trong đó Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro là một trong những đơn vị phối hợp truyền thông.

Mai Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/nhieu-goi-y-chinh-sach-cho-trien-khai-thuc-hien-quy-hoach-dien-viii-691988.html