Nhiều giải pháp đồng bộ giảm tổn thất điện năng trong khâu truyền tải điện

Những năm qua, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã vận hành lưới điện truyền tải (LĐTT) cơ bản ổn định, an toàn với sản lượng điện truyền tải năm 2015 đạt 139,76 tỷ kW giờ, bằng 102,4% kế hoạch, tăng 12,6% so năm 2014, góp phần quan trọng bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.

Mặc dù tình hình vận hành LĐTT đã được cải thiện nhiều so giai đoạn trước đây nhưng việc cung ứng điện còn nhiều khó khăn, căng thẳng do LĐTT nhiều nơi còn vận hành trong tình trạng đầy và quá tải; nhiều công trình nguồn điện khu vực phía nam chậm đi vào vận hành dẫn đến lưới điện 500kV Bắc - Nam luôn vận hành đầy tải, nguy cơ sự cố, tổn thất điện năng (TTĐN) tăng cao. Điều đó đòi hỏi nỗ lực của toàn ngành truyền tải điện (TTĐ) phải bảo đảm vận hành an toàn, ổn định, liên tục LĐTT cao áp, trong đó đặc biệt coi trọng giảm dần tỷ lệ TTĐN.

Năm 2015, tỷ lệ TTĐN của Tổng Công ty đạt 2,34%, thấp hơn 0,15% so thực hiện năm 2014 nhưng còn cao hơn 0,34% so kế hoạch được giao (2%). Sáu tháng đầu năm 2016, tỷ lệ TTĐN là 2,36%, tăng 0,11% so cùng kỳ 2015 (2,25%), vượt 0,26% so với chỉ tiêu kế hoạch EVN giao (2,1%). Trong đó, tổn thất lưới 500kV là 3,3%, tăng 0,57% so cùng kỳ 2015 (2,73%), tổn thất lưới 220kV là 1,17%, giảm 0,07% so cùng kỳ 2015 (1,24%).

Nguyên nhân chính của TTĐN xuất phát từ phương thức vận hành lưới điện 500kV Bắc - Nam luôn phải truyền tải công suất lớn để đưa điện từ miền bắc và miền trung vào miền nam với sản lượng điện truyền tải trên đường dây (ĐZ) 500kV Bắc - Nam năm sau luôn cao hơn năm trước.

Ngoài ra, LĐTT vẫn còn có nơi vận hành trong điều kiện đầy và quá tải, nhiều nơi chưa bảo đảm điều kiện có dự phòng (n-1) cũng là những nguyên nhân gây TTĐN trên lưới còn cao hơn so chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao. Nhiều thiết bị, công trình đưa vào vận hành nhiều năm, thậm chí hơn 20 năm như các trạm biến áp (TBA) 500kV Hà Tĩnh, Phú Lâm, Plây Cu, Đà Nẵng, Hòa Bình; ĐZ 500 kV Bắc – Nam mạch 1 đã xuống cấp, chất lượng giảm sút, lạc hậu, vận hành kém tin cậy. Thiết bị TBA qua nhiều lần cải tạo, nâng cấp dẫn đến khó khăn trong thao tác, sửa chữa, thay thế...

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNNPT Đặng Phan Tường cho biết, tỷ lệ TTĐN hiện nay của Tổng Công ty đã gần bằng tỷ lệ TTĐN của các nước tiên tiến. Về tổng thể, việc truyền tải cao trên ĐZ 500kV Bắc - Nam trong các năm qua mặc dù gây TTĐN cao trên LĐTT nhưng đã tạo điều kiện khai thác hiệu quả các nguồn thủy điện, huy động hợp lý các nguồn nhiệt điện than giá rẻ tại khu vực miền bắc để bảo đảm cấp điện ổn định cho miền nam.

Tính chung lại, trong khi cân đối nguồn phát điện ở các vùng chưa đồng đều, nhất là miền nam còn thiếu nguồn và khó xây thêm những trung tâm nhiệt điện điện lớn, đồng thời các nhà máy điện chậm đi vào vận hành thì việc truyền tải điện công suất cao hướng Bắc – Nam, Trung – Nam là rất cần thiết trong giai đoạn này.

Cũng theo ông Đặng Phan Tường, mặc dù chỉ tiêu TTĐN của EVN giao là 2,1%, nhưng con số này là tính chung của cả lưới 220kV và 500kV, trong khi phương thức vận hành hai lưới điện áp này là khác nhau, tỷ lệ TTĐN cũng chênh lệch lớn (1,17% và 3,3%) và thực tế vận hành thì sản lượng điện truyền tải qua lưới 500kV Bắc – Nam là rất lớn do khách quan miền nam thiếu điện, tỷ lệ TTĐN này hoàn toàn thuần túy là vấn đề kỹ thuật mà trong đó, cự ly truyền tải càng xa thì tỷ lệ TTĐN càng cao.

Do đó, EVNNPT và EVN đang tính toán lại chỉ tiêu TTĐN này để sát thực tế hơn. Để hạn chế TTĐN, về lâu dài, các vùng miền phải được cân đối đủ nguồn phát điện, hệ thống LĐTT được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại hơn. Khi đó mục tiêu đạt giảm tỷ lệ TTĐN của LĐTT cao áp xuống còn 1,8% năm 2020 hoặc thấp hơn nữa vào các năm sau mới khả thi.

Trong khi đó, Phó Trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất của EVN Lê Việt Hùng chỉ ra rằng, phương thức vận hành vẫn đang phải truyền tải cao trên lưới 500kV Bắc - Trung - Nam để đáp ứng nhu cầu phụ tải miền nam, đồng thời, khai thác hiệu quả các nguồn thủy điện và nhiệt điện ở miền bắc có giá thành thấp hơn. Thực tế vận hành, TTĐN của LĐTT phụ thuộc rất nhiều vào sản lượng truyền tải trên lưới 500kV Bắc - Nam.

Nhằm bảo đảm hiệu quả tối đa chung toàn hệ thống điện, việc tối ưu khai thác nguồn điện được ưu tiên hơn mục tiêu giảm TTĐN, EVN đã chấp nhận truyền tải cao trên ĐZ 500kV Bắc - Nam để hạn chế phải huy động các nguồn điện giá thành cao khu vực miền nam. Khi đó, TTĐN của LĐTT sẽ cao hơn nhưng hiệu quả kinh tế chung toàn hệ thống điện lớn hơn nhiều.

Với nhận thức TTĐN là một chỉ tiêu hết sức quan trọng đối với hiệu quả sản xuất kinh doanh, trong các năm qua, EVNNPT đã có sự cố gắng nỗ lực rất lớn, triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp về quản lý kỹ thuật, vận hành, đầu tư xây dựng, quản lý đo đếm và giao nhận điện năng… để đạt kết quả thực hiện tốt nhất đối công tác này.

Trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch EVNNPT giao, các công ty TTĐ xây dựng và giao chỉ tiêu TTĐN cho các TTĐ khu vực xây dựng kế hoạch quản lý tổn thất chi tiết cho từng ĐZ và máy biến áp (MBA) để theo dõi, quản lý, từ đó có số liệu cụ thể để phân tích đánh giá phân tách rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan làm tăng giảm TTĐN của lưới khu vực và từng đối tượng hàng ngày.

Các công ty TTĐ, Ban Quản lý dự án các công trình điện hạn chế đến mức thấp nhất sự cố lưới điện, không để lặp lại sự cố tương tự, tìm và xử lý nhanh sự cố để khôi phục chế độ vận hành, bảo đảm các sự cố thoáng qua được tự động đóng lại thành công; củng cố, nâng cao chất lượng công tác lập, duyệt phương án thi công, phối hợp tốt giữa các đơn vị trong việc cắt điện thi công công trình mới kết hợp với sửa chữa, bảo dưỡng, thí nghiệm lưới điện để hạn chế đến mức thấp nhất việc cắt điện kể cả đối với lưới điện của các công ty điện lực, đặc biệt trong các giờ cao điểm; ưu tiên bố trí cắt điện thi công trong các ngày nghỉ, thời điểm phụ tải thấp.

Các TBA phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm Điều độ hệ thống điện điều khiển đóng cắt các dàn tụ bù ngang, kháng bù ngang ở các thời điểm phù hợp, các xuất tuyến ĐZ để điều chỉnh và giữ điện áp trong giới hạn tối ưu ở mức cao theo biểu đồ điện áp của các cơ quan điều độ.

Các công ty TTĐ tăng cường kiểm tra, giám sát trong vận hành, theo dõi sát mức độ mang tải, trào lưu công suất của các ĐZ, MBA; phối hợp và đề xuất với các trung tâm điều độ các giải pháp, phương án để tránh vận hành quá tải, đầy tải, non tải MBA, ĐZ và thiết bị lưới điện, hạn chế công suất chạy vòng trên lưới.

Từng bước sửa chữa củng cố lưới điện đáp ứng các mức mang tải hợp lý và các tiêu chí về độ tin cậy cấp điện. Tiếp tục rà soát các MBA, ĐZ đã vận hành lâu năm có tổn thất tăng cao trong vận hành để có kế hoạch thay thế kịp thời. Áp dụng các giải pháp sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị đang mang điện công nghệ mới để không phải cắt điện gây dồn tải lên những những ĐZ, MBA khác làm tăng TTĐN, đồng thời giảm thời gian gián đoạn cung cấp điện cải thiện các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện. Bổ sung kháng bù ngang và máy cắt kháng 500kV, SVC, tụ bù ngang 110kV cho các nút trên lưới … để hạn chế truyền tải công suất vô công và cải thiện dải điện áp vận hành, hệ số công suất, nâng khả năng tải.

Cùng với đó, Tổng Công ty chỉ đạo quyết liệt bảo đảm tiến độ các công trình đầu tư xây dựng LĐTT mới và chống quá tải, đặc biệt các công trình ảnh hưởng lớn phương thức vận hành, nâng cao độ tin cậy, độ dự phòng, cải thiện chất lượng điện áp và góp phần giảm TTĐN.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/31284002-nhieu-giai-phap-dong-bo-giam-ton-that-dien-nang-trong-khau-truyen-tai-dien.html