Nhiều dự án nghiên cứu khoa học của học sinh chỉ dừng ở… ý tưởng

Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2016 - 2017 đã kết thúc thành công, với rất nhiều sáng kiến, sáng chế, giải pháp có tính ứng dụng cao. Tuy nhiên, thực tế, việc ứng dụng các nghiên cứu khoa học - kỹ thuật của các em thời gian qua vẫn gặp không ít khó khăn, rất cần sự hỗ trợ không chỉ của riêng ngành giáo dục.

Các sáng kiến, sáng chế khoa học trưng bày tại Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía nam. Ảnh: NGUYỄN NAM

Các sáng kiến, sáng chế khoa học trưng bày tại Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía nam. Ảnh: NGUYỄN NAM

Trong khuôn khổ của Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía nam được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) cũng tổ chức hội thảo nghiên cứu khoa học - kỹ thuật trong trường trung học. Tại hội thảo, nhiều thầy giáo, cô giáo trực tiếp tham gia hướng dẫn, giảng dạy, cùng các thầy cô làm công tác quản lý giáo dục tại nhiều tỉnh, thành phố đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác nghiên cứu khoa học - kỹ thuật của học sinh phổ thông, trong đó nổi bật là những thiếu thốn về cơ sở vật chất. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), chia sẻ: Cơ sở vật chất của hầu hết các trường phổ thông hiện chưa đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học của các em học sinh. Tại các trường đều không có các phòng thí nghiệm đạt chuẩn, thiếu các trang thiết bị chuyên dùng để phục vụ công tác thí nghiệm. Thầy Lê Văn Long, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD và ÐT tỉnh Ðác Nông), cho biết: Giáo viên, học sinh không thiếu những ý tưởng, dự án nghiên cứu khoa học. Nhưng để biến những ý tưởng thành hiện thực, ngoài phương pháp nghiên cứu, cần phải có điều kiện cơ sở vật chất, phòng thực hành thí nghiệm, kiểm nghiệm dự án, song hiện nay, nhiều trường vẫn chưa đáp ứng được.

Qua khảo sát cho thấy, học sinh phổ thông rất "nhanh nhạy" với những vấn đề đặt ra trong cuộc sống tại địa phương mình. Thầy Nguyễn Quốc Túy (Sở GD và ÐT Lâm Ðồng) cho biết, số lượng các đề tài nghiên cứu của học sinh Lâm Ðồng tăng đều hằng năm. Có những đề tài đã giải quyết hiệu quả những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, như giải pháp chế tạo máy đánh bóng quả hồng, hiện được ứng dụng phổ biến tại huyện Ðơn Dương và một số huyện trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của hầu hết các trường vẫn còn rất thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, tìm tòi, xác định hướng phát triển ý tưởng của các em học sinh. Theo thầy giáo Nguyễn Bảo Quốc (Sở GD và ÐT TP Hồ Chí Minh), công nghệ sinh học, hóa sinh, tự động hóa… là những lĩnh vực thu hút rất đông các em học sinh nghiên cứu và tìm hiểu. Thế nhưng, đây đều là những lĩnh vực cần thực hiện rất nhiều thí nghiệm. Chính sự thiếu thốn về cơ sở vật chất đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả nghiên cứu của các em.

Từ kinh nghiệm hướng dẫn các em học sinh nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, nhiều giáo viên đã xây dựng quy trình năm bước để triển khai một dự án nghiên cứu. Ðó là: Hình thành, chọn lựa và sàng lọc ý tưởng; lập kế hoạch triển khai dự án; chế tạo sản phẩm; kiểm chứng đề tài; báo cáo và trình bày dự án. Tuy nhiên, theo cô giáo Nguyễn Bích Ngọc, Trường THCS Duy Tân (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), lứa tuổi học sinh chưa lường hết những hạn chế về mặt kiến thức, kinh nghiệm, tài chính… nên vai trò hướng dẫn của thầy, cô rất quan trọng. Thế nhưng, kinh nghiệm, kiến thức của các giáo viên phổ thông để hỗ trợ, hướng dẫn học sinh lại không đồng đều, nên rất cần sự tư vấn của các trường đại học, viện nghiên cứu. Việc gắn kết này hoàn toàn mang yếu tố quan hệ cá nhân, mạnh trường nào trường ấy làm, thiếu tính nhất quán.

Thầy Huỳnh Trường Phú, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Châu Ðức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ: Khi thực hiện dự án khảo sát thành phần tinh dầu tiêu và chiết xuất Piperine từ hạt tiêu lép và tiêu sọ ở địa bàn huyện Châu Ðức, thầy trò phải mang nguyên liệu lên Viện Công nghệ hóa học TP Hồ Chí Minh để thực nghiệm. Do vậy, thời gian thực nghiệm không nhiều, nên hiệu quả của nghiên cứu khoa học chưa được như mong muốn. Tương tự, thầy Võ Sỹ Hiện, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: Khi hướng dẫn đề tài nghiên cứu ứng dụng chế phẩm EDTA vào xử lý nước sinh hoạt nhiễm chì, do cơ quan chuyên môn của địa phương chưa đủ năng lực kiểm nghiệm mẫu này nên thầy trò phải gửi lên Viện Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hạn hẹp cũng khiến nhiều giáo viên, học sinh gặp khó khi thực hiện đề tài nghiên cứu. Nhiều đề tài, dự án xuất phát từ ý tưởng hay, mới lạ nhưng không thể triển khai vì kinh phí quá lớn, vượt ngoài khả năng hỗ trợ của nhà trường.

Cá biệt, có một số địa phương, trên địa bàn không có các trường đại học, các viện nghiên cứu chuyên ngành nên đã làm hạn chế rất nhiều đến việc phát triển ý tưởng nghiên cứu của các em. Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Sóc Trăng Châu Tuấn Hồng chia sẻ, với 38 trường THPT và hơn 100 trường THCS nhưng thực tế thời gian qua chỉ có một vài trường phổ thông trên địa bàn có những hoạt động nghiên cứu khoa học - kỹ thuật thiết thực. Bởi trên địa bàn tỉnh hiện nay không có các trường đại học, thiếu các chuyên gia, nên nghiên cứu của các em hầu hết chỉ dừng lại ở... ý tưởng.

Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật là một hoạt động trải nghiệm bổ ích, thiết thực, gắn liền giữa lý thuyết với thực hành và thực tiễn lao động sản xuất. Qua nghiên cứu đã giúp học sinh yêu thích khoa học, đam mê tìm tòi khám phá, tạo động lực mạnh cho các em học tập, nghiên cứu, nuôi dưỡng và phát triển, biến các ước mơ, ý tưởng khoa học thành các sản phẩm hiện thực. Mặt khác, qua việc định hướng, hướng dẫn cho học sinh nghiên cứu, giáo viên được nâng cao năng lực của bản thân về những kiến thức có liên quan các đề tài nghiên cứu khoa học. Do đó, theo Thứ trưởng GD và ÐT Nguyễn Thị Nghĩa, việc đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh phổ thông là rất cần thiết. Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh thực tế tại các địa phương mà giáo viên cần hướng các em vào những lĩnh vực phù hợp lứa tuổi, thiết thực, hiệu quả, không nên quá cao siêu, áp đặt. Thông qua việc phát động các phong trào nghiên cứu khoa học hình thành các nhóm, câu lạc bộ nghiên cứu khoa học của học sinh phổ thông nhằm định hướng nghề nghiệp cho các em sau này.

LÊ ANH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/32571702-nhieu-du-an-nghien-cuu-khoa-hoc-cua-hoc-sinh-chi-dung-o%e2%80%a6-y-tuong.html