Nhiều đổi mới trong công tác biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng

Tờ “Việt Nam Độc lập” số 117 ra ngày 1-2-1942 có đăng bài “Nên học sử ta” của Nguyễn Ái Quốc, bài báo mở đầu bằng 2 câu thơ trong Diễn ca “Lịch sử nước ta”: Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Bài viết của Bác cách đây hơn 80 năm vẫn còn nguyên giá trị, soi rọi vào đó cùng những bài học trong thế kỷ 20…

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Trong những năm qua, tỉnh Khánh Hòa luôn xác định công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng là nhiệm vụ cấp thiết và lâu dài, có quan hệ hữu cơ với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch và tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng tăng cường nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong toàn Đảng bộ. Nhờ có những giải pháp đồng bộ, đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành bộ 2 tập sách Lịch sử Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam Tỉnh Khánh Hòa (từ năm 1930 đến năm 2005). Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20, công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm lịch sử trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Ở cấp tỉnh,Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo biên soạn và xuất bản 03 ấn phẩm lịch sử chuyên đề: Khánh Hòa- những mốc son lịch sử, Bác Hồ trong lòng dân Khánh Hòa, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa - Các kỳ đại hội; thực hiện bộ phim lịch sử “Ba đứa chúng mình”; một số ấn phẩm kỷ yếu hội thảo khác như: Kỷ yếu Hội thảo khoa học tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức, phong cách của cán bộ, công chức; kỷ yếu Tọa đàm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước... Hiện nay, Ban Tuyên giáo đang tiến hành biên soạn tập sách các căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Khánh Hòa (1945 - 975) dự kiến sẽ xuất bản trong năm 2023; Biên niên lịch sử Đảng bộ tỉnh (sau năm 2005 - 2025) và Văn kiện Đảng bộ tỉnh toàn tập.

Đối với các sở, ban, ngành, đến tháng 7-2023 có 17 đơn vị hoàn thành xuất bản sách lịch sử (hoặc kỷ yếu, biên niên) giai đoạn trước và sau năm 1975. Đối với các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc, toàn tỉnh có 8/9 huyện, thị, thành ủy (trừ huyện Trường Sa) hoàn thành công tác sưu tầm, biên soạn sách lịch sử cách mạng, lịch sử đảng bộ giai đoạn trước 1975; 7/8 huyện ủy, thị ủy, thành ủy đã biên soạn và phát hành sách lịch sử giai đoạn sau năm 1975 và có 6/7 đảng ủy trực thuộc xuất bản ấn phẩm lịch sử.Đối với cấp xã, phường, thị trấn,đến nay có 136/136, đạt 100% xã, phường, thị trấnhoàn thành xuất bản lịch sử cách mạng địa phương.

Song song với công tác sưu tầm, biên soạn các cuốn sách lịch sử, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử thường xuyên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh xếp hạng quốc gia; 180 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh xếp hạng cấp tỉnh; 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và nghệ thuật bài chòi miền Trung Việt Nam (trong đó có Khánh Hòa) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây đều là các di sản văn hóa tiêu biểu của cộng đồng cư dân Khánh Hòa qua các thời kỳ, có giá trị nhiều mặt về văn hóa, khoa học, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, mang đậm dấu ấn, bản sắc của con người và vùng đất Khánh Hòa.

Cùng với việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm lịch sử, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng địa phương cũng được các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị quan tâm, tăng cường bằng hình thức phong phú, đa dạng, như: Tổ chức hội thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ, thi viết đề cương tuyên truyền lịch sử Đảng bộ (Thị ủy Ninh Hòa, Huyện ủy Vạn Ninh,…), thi tìm hiểu lịch sử cách mạng địa phương, lịch sử truyền thống (Thành ủy Cam Ranh, Đảng ủy Công an tỉnh, Đảng ủy Quân sự tỉnh,…); Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ban tuyên giáo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng hướng dẫn công tác tuyên truyền, tài liệu tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm trong năm; tham mưu cấp ủy tổ chức các hoạt động mít tinh, tọa đàm kỷ niệm, các cuộc thi tìm hiểu truyền thống lịch sử,…

Nhiều địa phương đã phát huy các ấn phẩm lịch sử được xuất bản để tuyên truyền giáo dục bằng nhiều hình thức như: tổ chức Cuộc thi sáng tác ấn phẩm tuyên truyền về lịch sử, văn hóa, du lịch quê hương Khánh Hòa,Cuộc thi sáng tác tác phẩm tuyên truyền ca khúc cách mạng chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; thiết kế các ấn phẩm tuyên truyền, infographic về các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội, phong tục truyền thống của người dân Khánh Hòa đăng tải trên các trang mạng xã hội; xây dựng chuyên mục “Kể về Xứ Trầm Hương” giới thiệu các di tích lịch sử, di sản văn hóa; Hội thi sáng tác ấn phẩm tuyên truyền ca khúc cách mạng và lịch sử truyền thống quê hương Khánh Hòa; tổ chức thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa cho sinh viên;... Các hoạt động góp phần giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống văn hóa; nâng cao ý thức, trách nhiệm về việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương; nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Trường Chính trị tỉnh và trung tâm chính trị cấp huyện tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương vào giảng dạy trong chương trình các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Hiện nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện lồng ghép nội dung thích hợp về truyền thống, lịch sử cách mạng địa phương vào môn lịch sử và các môn khoa học xã hội khác (ngữ văn, địa lý, giáo dục công dân, tự nhiên - xã hội...); bố trí một số tiết học giới thiệu những nét chính về lịch sử truyền thống ở địa phương; thường xuyên tổ chức những hoạt động ngoại khóa, lồng ghép với giáo dục truyền thống, lịch sử, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ sở giáo dục, từng nhóm đối tượng học sinh, sinh viên. Đồng thời, thực hiện Quyết định số 2448 ngày 26-5-2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về ban hành Chương trình bồi dưỡng chuyên đề lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đang nghiên cứu, biên soạn chuyên đề lịch sử cách mạng địa phương “Khánh Hòa, một long sắt son với Đảng” làm tài liệu để phục vụ công tác giảng dạy chuyên đề lịch sử tại các Trung tâm chính trị cấp huyện.

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lịch sử đảng

Trong giai đoạn cách mạng mới, Khánh Hòa đang thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực hiện chủ trương đó, nghiên cứu đầy đủ và sâu sắc lịch sử Đảng là nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai sâu rộng nội dung Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; Thực hiện nghiêm túc tinh thần của Chỉ thị “Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng và toàn xã hội, trước hết là của người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp về vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới”.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tài liệu lịch sử nhằm bổ sung nguồn tư liệu, góp phần nâng cao chất lượng các ấn phẩm khi được tái bản, bổ sung. Đẩy mạnh công tác số hóa tư liệu lịch sử phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn; chú trọng tư liệu của cấp ủy, chính quyền các cấp, sổ tay, bút ký, hồi ký,…của các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ.

Ba là, tỉnh tiếp tục duy trì hội đồng thẩm định lịch sử, trong đó, thành viên hội đồng thẩm định có chuyên môn sâu, được đào tạo bài bản, có kỹ năng phân tích, đánh giá, lập luận, am hiểu về lịch sử địa phương và kỹ năng phản biện vừa để giúp nâng cao chất lượng các ấn phẩm lịch sử, vừa đảm bảo phản bác các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận sự thật lịch sử của các thế lực thù địch.

Bốn là, chủ động xây dựng đội ngũ làm công tác lịch sử Đảng có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất chính trị ngang tầm nhiệm vụ; thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức mới, kiên định lập trường của giai cấp công nhân, giữ vững nguyên tắc tính Đảng và tính khoa học trong các công trình lịch sử, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn, tổng kết lịch sử Đảng. Trong đó, đội ngũ làm công tác lịch sử Đảng ở cấp tỉnh và cấp huyện được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ và kiến thức lịch sử; ở cấp cơ sở, tuy chưa có cán bộ chuyên trách, cán bộ chưa được đào tạo bài bản về khoa học lịch sử nhưng cần phát huy những người có đam mê, có tâm huyết, có trách nhiệm, có kiến thức thực tiễn, am hiểu về lịch sử địa phương.

Năm là, trong quá trình biên soạn phải làm tốt công tác chuẩn bị nguồn tài liệu lịch sử, trong đó đặc biệt coi trọng nguồn tài liệu thành văn. Mặt khác, chủ động công tác tổ chức các hội thảo khoa học để phân tích, đánh giá các nguồn tài liệu khác nhau, nhất là nguồn tài liệu là các nhân chứng lịch sử, nguồn tài liệu mới, tài liệu là các văn bản của chế độ cũ để phân tích, xử lý chính xác.

Sáu là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ bằng những hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng, như: Thi tìm hiểu, thi xây dựng video clip tuyên truyền về lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, các nhân vật lịch sử; tăng cường tổ chức các hoạt động “về nguồn” tại các di tích lịch sử;… nhất là phát huy giá trị các cuốn sách lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng địa phương, lịch sử truyền thống đã được xuất bản để tuyên truyền, giáo dục.

Bảy là, thường xuyên đổi mới phương pháp dạy và học lịch sử tại các cơ sở giáo dục; tiếp tục đưa nội dung lịch sử đảng bộ địa phương lồng ghép giảng dạy trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng. Chủ động nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử.

Với tri thức lịch sử đúng đắn, khách quan, logic, các công trình lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã góp phần thực hiện tốt công tác tư tưởng của Đảng, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc lịch sử, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, góp phần quan trọng xây dựng và kiến thiết quê hương ngày càng giàu mạnh, tạo cho vùng đất Khánh Hòa một tâm thế mới, đủ bản lĩnh để khai thông một hành trình mới, đưa “con tàu” Khánh Hòa tiến về tương lai.

THU THẢO

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202309/nhieu-doi-moi-trong-cong-tac-bien-soan-tuyen-truyen-lich-su-dang-b044358/