Nhiều điểm mới trong dự Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi)

Ngày 13/11, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo xin ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Bộ VHTTDL, kết hợp trực tuyến tại 44 điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chủ trì Hội nghị - Hội thảo tại điểm cầu Bộ VHTTDL.

 Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội nghị - Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, Hội nghị - Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham gia của trên 600 đại biểu. “Mong muốn lớn nhất là thông qua Hội nghị - Hội thảo này, Bộ VHTTDL sẽ thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đó là những căn cứ rất quan trọng để tiếp tục hoàn thiện các văn bản và triển khai các bước tiếp theo”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Với nỗ lực và sức đóng góp của toàn xã hội, qua hơn 20 năm thực hiện, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hàng ngàn di tích lịch sử văn hóa trên toàn quốc được bảo vệ, phát huy; các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được ghi danh; các bảo vật quốc gia được chăm lo, bảo vệ…, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội...

Tuy nhiên, từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến nay, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tiếp tục được ban hành nhằm tăng cường định hướng cho hoạt động văn hóa, trong đó có di sản văn hóa. Theo Thứ trưởng, nhằm thể thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về đảm bảo “quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa” và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay; thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, từ năm 2023, Bộ VHTTDL đã tích cực chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

 Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền trình bày Báo cáo tóm tắt nội dung Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền trình bày Báo cáo tóm tắt nội dung Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đến nay, Dự án đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội (theo Nghị quyết 89/2023/QH15 ngày 2/6/ 2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023); được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì soạn thảo (Quyết định 805/QĐ-TTg ngày 6/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024).

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, Hội nghị - Hội thảo hôm nay là lần thứ ba được Bộ VHTTDL tổ chức với quy mô lớn; thể hiện sự trân trọng, mong muốn lắng nghe những ý kiến đóng góp để Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo Ban soạn thảo, Tổ Biên tập tiếp tục hoàn thiện dự luật.

Trong Hội nghị - Hội thảo này, ngoài những nội dung tham luận theo “đặt hàng”, Thứ trưởng đề nghị quý vị đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa với kinh nghiệm và trí tuệ của mình tập trung làm rõ hơn việc cụ thể hóa các chính sách đã được xác định trong Hồ sơ Dự án xây dựng Luật thông qua 5 nhóm vấn đề sau:

Một là Hệ thống khái niệm và quy trình nhận diện, ghi danh, xếp hạng di sản văn hóa để tiến hành các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị tổng thể di sản văn hóa;

Hai là Vấn đề quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di sản văn hóa; quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, hoạt động bảo tàng và di sản tư liệu;

Ba là Trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ trung ương tới địa phương và cơ chế thống nhất về phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

Bốn là Cơ chế huy động, thu hút tổng thể các nguồn lực xã hội tích cực tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

Năm là Cơ chế đảm bảo để các quy định pháp luật về di sản văn hóa được thực thi hiệu quả.

 TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo.

TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo.

Báo cáo tóm tắt nội dung Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, về bố cục, nội dung cơ bản, dự thảo Luật Di sản văn hóa gồm 10 chương, 154 điều. Trong đó, nhiều quy định mới được bổ sung, nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà quản lý như: quy định biện pháp xử lý đối với các trường hợp di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam sau khi được đưa vào các danh sách của UNESCO không thực hiện đúng Chương trình hành động bảo vệ di sản đã cam kết với UNESCO; bổ sung quy định liên quan đến loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng; quy định cụ thể về loại hình Ngữ văn dân gian và Nghệ thuật trình diễn dân gian; chính sách khuyến khích việc sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng; quy định thực hiện chế độ báo cáo kiểm kê hàng năm; công bố Danh mục quốc gia di sản văn hóa phi vật thể; Chương trình hành động quốc gia, các báo cáo quốc gia, đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Quy định Khu vực Đô thị mang những giá trị tiêu biểu đặc trưng về các khía cạnh lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đối với dân cư địa phương, quốc gia, hoặc cộng đồng quốc tế...

Riêng về di sản tư liệu, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung thể hiện nội dung này trong các quy định tại Chương V: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, gồm 17 điều, từ điều 85 đến điều 101, với các nội dung chủ yếu: Phân loại di sản tư liệu; Kiểm kê, Ghi danh di sản tư liệu vào Danh mục quốc gia và UNESCO; Trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa Di sản tư liệu đã được ghi danh ra khỏi Danh mục quốc gia và Danh mục di sản tư liệu của UNESCO. Nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị 11 di sản tư liệu sau khi được ghi danh; Bảo quản; Bản sao; Đưa di sản tư liệu sau khi được ghi danh đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước, nước ngoài và từ nước ngoài về nước Quyền và trách nhiệm của các chủ sở hữu trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu...

Tại Hội nghị- Hội thảo, các đại biểu đã có nhiều tham luận, góp ý hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa sửa đổi. Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy nêu ý kiến về các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nhấn mạnh: Chủ trương không xếp hạng, mà kiểm kê phân loại di sản văn hóa phi vật thể và xây dựng Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo tinh thần của Luật di sản văn hóa là hết sức đúng đắn. ”Tuy nhiên, mặc dù trong hướng dẫn thực hiện kiểm kê có ghi rõ “ưu tiên kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể đang bị mai một cần bảo vệ khẩn cấp”, Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Danh mục quốc gia) chưa thể hiện rõ về tình trạng sức sống của các loại hình di sản. Chẳng hạn loại hình nào đang có sức sống tốt, loại hình nào đang ở tình trạng khẩn cấp hoặc cực kỳ khẩn cấp, ngoại trừ các loại hình nằm trong các danh sách của UNESCO...”, ông Nguyễn Đắc Thủy nêu.

Ông Thủy cũng cho biết, trong các hướng dẫn thực hiện xây dựng hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục quốc gia, các tiêu chí và biểu mẫu chưa thể hiện rõ tinh thần và mục tiêu ưu tiên nhận diện và bảo vệ kịp thời các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ biến mất.

Bên cạnh đó, chính sách đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể con chậm, chưa đáp ứng được thực tế, thiếu đồng bộ, thiên về danh hiệu. Mặc dù đã có những văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa liên quan tới nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể, tuy nhiên, chính sách đối với nghệ nhân vẫn còn nhiều nội dung khác mà hệ thống văn bản này chưa đề cập đến hoặc có đề cập nhưng còn nhiều vướng mắc trong thực hiện.

Theo ông Thủy, việc phong tặng các danh hiệu NNND, NNƯT bị chi phối bởi Luật Thi đua, Khen thưởng và các chính sách cũng đang chỉ tập trung vào nghệ nhân đã có danh hiệu.

TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, không nên chia thành nhiệm vụ thường xuyên và không thường xuyên và cũng không nên thống kê lẻ tẻ từng hoạt động mà nên chi tiết hóa theo nội dung về chức năng nhiệm vụ của định nghĩa bảo tàng. Bên cạnh đó, trong dự án Luật, điều 109 quy định về giải thể bảo tàng công lập. Theo TS. Lê Thị Minh Lý, không nên có điều này vì điều kiện không đủ cơ sở thực tiễn để đánh giá.

PGS.TS Trần Văn Hải (Trường Đại học KHXH & NV, Hà Nội) phân tích mối quan hệ giữa quyền Sở hữu trí tuệ với việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa, đề xuất giải pháp cho vấn đề nghiên cứu từ việc phân tích quyền sở hữu di sản văn hóa, đồng thời đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian” và “tri thức truyền thống” cho phù hợp giữa Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Di sản văn hóa.

Phát biểu kết luận Hội nghị - Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đầy tâm huyết, trách nhiệm. Theo Thứ trưởng, kết quả của Hội nghị - Hội thảo sẽ củng cố thêm cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để Bộ VHTTDL nghiên cứu, tiếp thu, từng bước hoàn thiện quy định trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội thời gian tới.

Báo Văn hóa

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nhieu-diem-moi-trong-du-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-post375957.html