Nhiều đề nghị nên bỏ Luật Đầu tư

Ngay cả việc Luật Đầu tư quy định ưu đãi cho nhà đầu tư cũng là không đúng, bởi trên thực tế không có ưu đãi cho nhà đầu tư, chỉ ưu đãi doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập.

Thông tin trên được nêu tại Hội thảo “Hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh: Vướng mắc và kiến nghị” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án tăng cường năng lực xây dựng pháp luật (thuộc Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ - USAID) tổ chức ngày 22.7 tại Hà Nội.

Sự ổn định của luật chỉ là tương đối

Theo tổng hợp của VCCI, có khoảng 37 luật về đầu tư kinh doanh cần phải được sửa đổi và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp và để tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật chuyên ngành gồm có: Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoa học công nghệ, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, Luật Quảng cáo, Luật Nhà ở…

Ông Vũ Tiến Lộc cho hay, ngay bản thân một số luật vừa ban hành đã thấy có nhiều điểm bất hợp lý, cần phải thay đổi. Do đó, cần phải ban hành một luật để sửa đổi nhiều luật khác liên quan đến doanh nghiệp, kinh doanh. Trước đây chúng ta đã có tiền lệ là dùng luật thuế để sửa nhiều luật thuế.

“Tôi cũng đã phát biểu điều này trước Quốc hội rồi. Người dân hay doanh nghiệp thì đều yêu cầu luật phải ổn định, tất nhiên, luật ổn định thì tốt nhưng nếu luật thay đổi thường xuyên theo chiều hướng thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp thì đáng hoan nghênh. Sự ổn định chỉ là tương đối trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ như hiện nay” – ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, hiện nay Nghị quyết 19 của Chính phủ đã làm theo cách hằng năm đều ra Nghị quyết 19 mới để sửa đổi, thích nghi. Ông Lộc đề nghị hằng năm cũng cần có Nghị quyết 35 mới và nên xây dựng luật theo hướng này.

“Luật là phải động theo yêu cầu của cuộc sống. Chính phủ ban hành nghị định theo hướng hằng năm đều có thể sửa đổi nên tôi cũng đề nghị Quốc hội cũng xây dựng luật theo hướng đó, để mỗi năm lại có thể sửa chữa, đáp ứng nhanh chóng yêu cầu phát triển kinh tế. Chứ cứ với tốc độ như rùa trong những năm qua thì không đạt yêu cầu” – ông Lộc nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về điều này, ông Lộc cho biết hướng làm là cộng đồng doanh nghiệp sẽ đề xuất những vướng mắc, các chuyên gia, nhà quản lý sẽ ngồi lại xem xét, thảo luận và điều chỉnh. Trước đây, trong quá trình rà soát các điều kiện kinh doanh, các kiến nghị chỉ được đưa vào để sửa đổi từng bộ luật chứ chưa có hẳn một bộ luật để sửa đổi sai sót của các luật khác.

“Luật bất hợp lý thì phải sửa đổi chính bản thân luật, phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân, đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp. Cải cách hành chính cần phải đi liền với cải cách tư pháp” – ông Lộc khẳng định.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định việc dùng một luật sửa nhiều luật như kế hoạch soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về kinh doanh sẽ tránh được tình trạng “cát cứ thẩm quyền” do việc các bộ được giao soạn thảo từng bộ luật gây ra. Do đó, việc dùng một luật để sửa nhiều luật là rất cần thiết.

Nên bỏ Luật Đầu tư?

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã tiếng về những bất cập, trùng lặp, chồng chéo của Luật Đầu tư 2014 với các đạo luật khác như: Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ… Một số ý kiến tại hội thảo còn cho rằng nên bỏ Luật Đầu tư.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, qua rà soát của VCCI, Luật Đầu tư 2014 còn tồn tại khoảng 30 ngành nghề trong tổng số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này là không cần thiết và hệ lụy là gây ra sự chồng chéo với hệ thống luật về môi trường kinh doanh, đầu tư, tạo rào cản cho nhà đầu tư và không đảm bảo được mục tiêu quản lý nhà nước. Như vậy, ngay cả các điều kiện kinh doanh được quy định trong luật cũng không còn phù hợp.

Phát biểu tại hội thảo, luật sư Ngô Việt Hòa (Công ty General Motor) cho rằng nên bỏ hẳn Luật Đầu tư. Theo ông Hòa, luật này đang khiến hệ thống pháp luật về kinh doanh tại Việt Nam trở nên phức tạp hơn rất nhiều và không cần thiết phải có Luật Đầu tư.

Ông Hòa cho rằng Luật Đầu tư lẽ ra chỉ nên quy định về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng hiện đang điều chỉnh cả hoạt động của doanh nghiệp trong nước. Nội dung về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thì lẽ ra phải đưa vào Luật Doanh nghiệp, như vậy, nội hàm của Luật Đầu tư không còn nhiều. Ngay cả việc Luật Đầu tư quy định ưu đãi cho nhà đầu tư cũng là không đúng, bởi trên thực tế không có ưu đãi cho nhà đầu tư, chỉ ưu đãi doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết việc xây dựng Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014, ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp… chính là những bước đi của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, ông Hà vẫn đồng tình với luật sư Ngô Việt Hòa là không cần thiết phải có Luật Đầu tư. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, cần rà soát lại các luật về đầu tư kinh doanh để tìm kiếm những điểm bất hợp lý và còn chưa tương thích để điều chỉnh, nếu cần thiết thì bãi bỏ, để phục vụ sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Đặng Huy Đông cũng cho biết đã nghe nhiều phản ánh về Luật Đầu tư. Ông Đông chia sẻ rằng: “Người ta đi đăng ký đầu tư, tạo nhiều công văn việc làm cho xã hội, mà sao phải qua nhiều cửa ải thế? Nếu có tiền muốn đầu tư còn gặp thủ tục rắc rối thì cần phải xem xét lại vấn đề vướng ở đâu? Do chính sách hay do con người?". Bản thân ông Đông cũng ghi nhận những ý kiến góp ý nói trên và hứa sẽ nghiên cứu kỹ để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền.

Trí Lâm

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tai-chinh-dau-tu-c-98/nhieu-de-nghi-nen-bo-luat-dau-tu-38571.html