"Nhiều CSGT bị người dân trách nhầm'

Để cải thiện hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ CSGT đẹp hơn trong mắt người dân, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho CSGT biết cười, xin lỗi khi xử phạt vi phạm giao thông.

GS.TS Vũ Gia Hiền (phó hiệu trưởng trường trung cấp Âu Việt TP.HCM, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa Du lịch, chuyên gia Hội Tâm lí - Giáo dục TP.HCM) đã có những trao đổi cụ thể về nội dung của những lớp tập huấn này.

Tập cười và biết xin lỗi cho CSGT

Biết cười và xin lỗi dân khi xử phạt vi phạm trên đường phố trên thực tế ít xảy ra. Theo ông ứng xử đúng chuẩn mực của CSGT với người dân trong khi thi hành công vụ cần được thực hiện như thế nào?.

Trước hết chúng ta cần phải xác định rõ vai trò của công an nhân dân nói chung và CSGT nói riêng. CSGT là những chiến sĩ có nhiệm vụ cơ bản là điều tiết phương tiện tham gia giao thông và kiểm tra xử lý phương tiện vi phạm luật giao thông. Bấy lâu nay nhiều CSGT vẫn nhầm lẫn giữa vai trò của lực lượng CSGT với các lực lượng công an làm nhiệm vụ khác.

Nội dung quan trọng ưu tiên hàng đầu là làm thế nào để lực lượng CSGT có được nét mặt đôn hậu, nụ cười thân thiện với người tham gia giao thông. Khi người dân bắt gặp được hình ảnh người CSGT như thế thì người dân sẽ có thiện cảm hơn đối với lực lượng CSGT.

GS.TS Vũ Gia Hiền.

Thực trạng của lực lượng CSGT hiện nay như thế nào mà chúng ta cần phải mở lớp tập huấn chấn chỉnh những hành vi giao tiếp, ứng xử thiếu văn hóa, hành vi quan liêu, thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân của CSGT thưa GS.TS?

Cũng xuất phát từ những biểu hiện của một bộ phận chiến sĩ chưa đúng chuẩn với tác phong của người CSGT, nên người dân phản cảm, đồng thời lãnh đạo của ngành công an cũng tỏ bức xúc khi nhận được nhiều phản ánh của người tham gia giao thông. Mở ra đợt tập huấn về cách ứng xử của CSGT ban lãnh đạo Công an TP.HCM kì vọng sẽ thu được những kết quả tích cực. Để cải thiện hình ảnh của CSGT trong mắt người dân trước tiên phải cải thiện qua nét mặt rồi đến cách ứng xử với người dân.

Việc mở ra lớp học này chỉ nhắm vào lực lượng CSGT. Ông có thể cho biết, trong quá trình học tập CSGT đã có những biểu hiện như thế nào?

Ngay từ đầu thí điểm những buổi tập huấn này, Ban giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo rất chặt chẽ, lớp học mang tính kỉ luật cao, đúng là "quân lệnh như sơn". Đối tượng tham gia lớp tập huấn nhiệt tình tiếp thu bài giảng, chăm chú lắng nghe giáo viên hướng dẫn. Theo tôi, các chiến sĩ CSGT đã nhận thức rất rõ tầm quan trọng của những buổi tập huấn này nên tham gia học nghiêm túc từ đầu cho đến khi kết thúc đợt tập huấn. Từ trước đến giờ ít có lớp học nào tiếp thu nghiêm túc như vậy.

CSGT vẫn nhầm lẫn khi xử phạt

CSGT khi làm nhiệm vụ phải luôn tươi cười, phải xin lỗi dân trước khi công bố lỗi vi phạm, xử phạt người tham gia giao thông. Theo GS.TS, sau khi kết thúc lớp tập huấn mục đích trên có trở thành hiện thực?

Nhất định sẽ thành hiện thực, nhưng kết quả chưa thể thay đổi trong một sớm một chiều. Chúng ta có thể cải thiện được hình ảnh CSGT đẹp trong mắt người dân như mong muốn nhưng không thể quá vội vàng. Tuy nhiên, hiện nay người dân vẫn có những suy nghĩ xấu về CSGT khi xử phạt trên đường. Lí do vì sao lại có chuyện này?

Thật ra người dân đến cơ quan công an với mục đích vì quyền lợi của bản thân như đăng CMND, hộ khẩu... họ sẽ có thái độ tôn trọng cơ quan chức năng. Riêng người dân đi đường hễ gặp CSGT trong đầu luôn nghĩ bản thân sẽ có thiệt nên trong họ có sự phẫn nộ sẵn. Bởi đối với người tham gia giao thông hầu hết ai cũng bị CSGT thổi còi để dừng phương tiện một vài lần và có thể bị phạt. Nhất là trong tình hình người tham gia giao thông ở Việt Nam rất tùy tiện, nhưng họ không nghĩ họ sai nên mỗi lần đối diện với CSGT hay xảy ra đôi co, tranh cãi. Một số CSGT vì áp lực công việc không kiềm chế được bản thân đã vô ý nảy ra những lời lẽ hơi nặng nề với nhân dân. Vì những lí do đó, nhiều CSGT bị người dân trách nhầm.

Thiết nghĩ người tham gia giao thông phải chấp hành luật giao thông tốt, nếu bị công an thổi phạt có lỗi thì nhận lỗi, không có lỗi phải chứng minh thì mối quan hệ giữa CSGT và người tham gia giao thông sẽ bớt căng thẳng hơn nhiều.

Là người giảng dạy trực tiếp ở những lớp tập huấn này, vậy GS.TS có những nhận xét riêng gì về những lớp tập huấn này?

Thông qua những buổi nói chuyện ở các lớp tập huấn, tôi nhận được sự chia sẻ chân thành của CSGT trong lúc thi hành nhiệm vụ. Đôi khi, CSGT vẫn mâu thuẫn giữa khái niệm về tội phạm với lỗi vi phạm hành chính nên một số CSGT khi xử phạt đã tấn công người tham gia giao thông như tội phạm. CSGT phải học phương pháp tự vệ, không nên mang gương mặt hình sự khi ra đường điều tiết giao thông và hạn chế phương pháp hình sự để xử phạt người tham gia giao thông. Trước tiên, Bộ Công an thí điểm những buổi tập huấn này ở TP.Hà Nội và TP.HCM. Khi những lớp tập huấn như thế này đạt được những mục đích nhất định, chắt lọc được những tinh hoa trong việc đào tạo hướng dẫn cho CSGT có hiệu quả thì lúc đó chính thức mở rộng trong toàn quốc.

Xin chân thành cảm ơn GS.TS!

Quyên Trung (thực hiện)

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/gsts-vu-gia-hien-chua-the-thay-doi-trong-mot-som-mot-chieu-a76529.html