Nhiều công ty Hàn Quốc đã tính đến 'tình huống xấu nhất' trong căng thẳng thương mại Nhật - Hàn

Những căng thẳng về thương mại gần đây giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã khiến nhiều công ty Hàn Quốc rơi vào trạng thái ''lâm nguy''. Các công ty này đang tính đến những tình huống xấu nhất để kịp thời ứng phó với vấn đề hạn chế nhập khẩu từ Nhật Bản.

Nhiều công ty công nghệ hàng đầu Hàn Quốc đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung sau khi Nhật Bản ban hành lệnh cấm. (Nguồn: Getty Images)

Tháng sau là hạn chót để Chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định có loại bỏ Hàn Quốc khỏi danh sách các "quốc gia trắng" - danh sách những nước mà Nhật Bản cho là có hệ thống kiểm soát xuất khẩu đáng tin cậy hay không. Điều này sẽ yêu cầu các nhà cung cấp Nhật Bản phải có được sự chấp thuận của Chính phủ nước này trước khi xuất khẩu một số mặt hàng sang Hàn Quốc - một quá trình có thể gây ra sự chậm trễ và gián đoạn cho chuỗi cung ứng.

Trong một động thái riêng biệt hồi đầu tháng này, Nhật Bản thông báo siết chặt các quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao sử dụng trong sản xuất các chất bán dẫn và màn hình - gồm fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo), hydrogen fluoride và resist (chất cản màu). Nếu động thái này chính thức được thực hiện, hàng trăm công ty Hàn Quốc, bao gồm ''gã khổng lồ'' công nghệ Samsung Electronics, Hyundai Motor và LG Inntek bị ảnh hưởng trực tiếp.

Theo một nguồn tin giấu tên, Samsung Electronics đã gửi thư cho các đối tác địa phương trong lĩnh vực sản xuất TV, điện tử tiêu dùng và điện thoại thông minh, yêu cầu đảm bảo các nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật Bản đến cuối tháng 7 này hoặc muộn nhất là giữa tháng 8/2019. Bức thư cũng ghi rõ, Samsung cam kết sẽ ‘‘gánh’’ thêm chi phí cho việc đảm bảo kho dự trữ và bồi thường cho nhà cung cấp nếu những loại vật liệu này không được sử dụng sau thời gian đề xuất. Đó là phản ứng tự nhiên để đảm bảo chuỗi cung ứng của Samsung an toàn. Đây là một trong những thử thách khó khăn nhất mà Samsung Electronics từng đối mặt, nguồn tin cho biết.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong đã đến Tokyo vào đầu tháng 7 để thảo luận về vấn đề này với các nhà cung cấp Nhật Bản. Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, Phó chủ tịch của Hyundai Motor Chung Euisun cũng đã thực hiện một chuyến đi tương tự đến Nhật Bản vào tuần trước.

Goldman Sachs dự đoán, động thái hạn chế nhập khẩu của Nhật Bản sẽ tiêu tốn của ngành công nghiệp máy móc và điện tử Hàn Quốc khoảng 20 tỷ USD mỗi năm, chủ yếu liên quan đến vấn đề sản xuất chất bán dẫn.

"Đối với một số ngành công nghiệp của Hàn Quốc, sự phụ thuộc vào nhập khẩu của Nhật Bản là khá cao. Hàn Quốc có thể thay thế các nguyên liệu của Nhật Bản nếu nhu cầu tăng lên ví dụ như tìm cách đa dạng hóa nguồn cung. Tuy nhiên, điều đó sẽ rất khó khăn cho các công ty Hàn Quốc", Irene Choi, một nhà phân tích tại Goldman Sachs nói.

Cũng theo Kim Jin-woo, một nhà phân tích về Đầu tư và Chứng khoán Hàn Quốc, hiện tại, các ngành công nghiệp hàng không và bán dẫn đang phải chịu tác động kinh tế từ động thái hạn chế xuất khẩu từ Nhật Bản, những tác động này sẽ lan sang các ngành ô tô, thực phẩm, đồ uống và bán lẻ trong thời gian không xa.

"Kim Motor đang nhập khẩu vật liệu hóa học cho xe ô tô từ Nhật Bản. SsangYong Motor và Renault Samsung cũng đang phụ thuộc vào một số nguyên liệu của nước này. Nếu những vật liệu đó bị hạn chế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với các công ty kể trên", nhà phân tích Kim Jin-woo nhấn mạnh.

Không chỉ thế, lệnh hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản cũng có thể làm ''tổn thương'' chiến lược kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Tổng thống Moon đã thúc đẩy các phương tiện di chuyển sử dụng nguồn năng lượng hydro cùng với chip logic và các sản phẩm dược phẩm sinh học.

Hiện tại, nhiều công ty Hàn Quốc đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung sau khi Nhật Bản ban hành lệnh cấm. Công ty điện tử Ibiden, nhà cung cấp điện thoại thông minh Samsung cho biết, họ đang điều tra tác động có thể xảy ra để kịp thời ứng phó. Trong khi, Sony và Mitsu Chemicals cho rằng, họ đang "cẩn thận theo dõi tình hình".

Scott Seaman, giám đốc của Eurasia Group, một công ty có trụ sở tại Mỹ nhận định, tranh chấp thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc vẫn có khả năng kéo dài đến năm 2020. ‘‘Những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế căng thẳng giữa hai đồng minh dự kiến sẽ chỉ có hiệu quả một phần. Nhật Bản có thể sẽ loại bỏ Hàn Quốc khỏi danh sách ‘‘quốc gia trắng’’ vào tháng tới trừ khi có một bước đột phá khiến Nhật Bản trì hoãn hoặc từ bỏ kế hoạch đó. Nhưng điều này khó xảy ra", ông Scott Seaman nói.

(theo Asian Nikkei Review)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhieu-cong-ty-han-quoc-da-tinh-den-tinh-huong-xau-nhat-trong-cang-thang-thuong-mai-nhat-han-98102.html