Nhiều cơ hội để Đà Nẵng có tên trong hệ sinh thái vi mạch bán dẫn thế giới

Thảm đỏ của Đà Nẵng là khung pháp lý thuận lợi, cơ chế, đào tạo, kết nối quốc tế và tâm huyết của lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng.

Đà Nẵng là một trong 3 trung tâm của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn cả nước, nhu cầu về nhân lực cho lĩnh vực này rất lớn. Đây là vấn đề đặt ra tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; vấn đề đặt ra với thành phố Đà Nẵng” do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng nay (10/10).

Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm là 19%, tương đương khoảng 6,16 tỷ USD. Hiện Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, trong đó TP.HCM chiếm 85%, Đà Nẵng chiếm 7%, còn lại là Hà Nội khoảng 8%.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT phát biểu tại hội thảo

Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được 40 - 50%. Trong đó, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%. Đa phần các trường Đại học hiện nay chưa có một chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch/bán dẫn, chủ yếu là trên cơ sở các ngành liên quan. Nguyên nhân là sự hạn chế về đội ngũ chuyên gia thiết kế vi mạch/bán dẫn, đáp ứng tiêu chuẩn nhân sự và chi phí đầu tư vào hệ thống phần mềm, phòng thí nghiệm để đào tạo.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, doanh nghiệp khẳng định, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin hiện nay rất lớn và rất quan trọng cho công cuộc chuyển đổi số. Vì vậy, các địa phương cần dự báo tốt về số lượng kỹ sư cần đào tạo cho mỗi công đoạn thiết kế, chủng loại chip bán dẫn hướng tới. Cần đa dạng hóa các mô hình đào tạo, đào tạo theo dự án cụ thể và hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học để đảm bảo cân đối giữa nhu cầu và đào tạo…

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, Đà Nẵng có nhiều cơ hội trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới. Bằng mọi cách, phải xây dựng Đà Nẵng có tên trong hệ sinh thái vi mạch bán dẫn thế giới. Để làm được điều đó, cần có mhân lực, thu hút đầu tư và có cơ chế chính sách “thảm đỏ” đón DN. Thảm đỏ của Đà Nẵng là khung pháp lý thuận lợi, cơ chế, đào tạo, kết nối quốc tế và tâm huyết của lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng.

“Bên cạnh nhân lực, thu hút đầu tư, việc quan trọng Đà Nẵng cần phải có nhân vật danh vọng trong ngành này có mặt tại Đà Nẵng, hợp tác với những công ty lớn trên thế giới. Kêu gọi những tập đoàn lớn nhất vào Đà Nẵng. Đây là khởi đầu vô cùng quan trọng. Quan trọng nữa là có một khung pháp lý về phát triển lĩnh vực này", ông Bình nêu rõ.

Nghị quyết số 43 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định 5 lĩnh vực ưu tiên nguồn lực phát triển. Trong đó có 1 lĩnh vực liên quan trực tiếp đến triển khai chuyển đổi số, đó là công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số và 4 lĩnh vực còn lại cơ bản phát triển trên nền tảng và hạ tầng số.

Theo tính toán, đánh giá của Bộ TT&TT, năm 2022 kinh tế số của TP Đà Nẵng gồm kinh tế ICT, kinh tế nền tảng, internet và kinh tế trong ngành, lĩnh vực khác đóng góp 19,76% GRDP. Đến nay, TP Đà Nẵng có 2.450 DN công nghệ số, trung bình 2,3 DN công nghệ/1.000 dân, đứng thứ 2 toàn quốc, sau TP.HCM và gấp 3 lần trung bình toàn quốc; có 46.000 nhân lực công nghệ số.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định, phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch là lĩnh vực ưu tiên của thành phố. Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố; đạt tối thiểu 8.950 DN công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số. Tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn, vi mạch với cách làm như thế nào, cần những chính sách gì, thời gian, lộ trình…là những vấn đề đang đặt ra của Đà Nẵng. Các ý kiến tư vấn chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ số, vi mạch, bán dẫn, lãnh đạo các Hiệp hội, DN, các trường Đại học, các cơ sở đào tạo tại hội thảo là căn cứ để thành phố xây dựng kế hoạch phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

“Các nguồn lực không chỉ là cơ hội mới, là sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng DN và của các cơ sở đào tạo để có những thay đổi trên lĩnh vực mà Đà Nẵng có một vài lợi thế nhất định. Vì vậy, cần có giải pháp, biện pháp như đào tạo ngay nhóm kỹ sư hiện có, có chính sách cho sinh viên tham gia học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, thu hút chuyên gia; đầu tư phát triển cho một số DN vi mạch hiện có, xúc tiến và thu hút DN lớn để có lan tỏa”, ông Lê Trung Chính nhấn mạnh.

Đình Thiệu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nhieu-co-hoi-de-da-nang-co-ten-trong-he-sinh-thai-vi-mach-ban-dan-the-gioi-post1051595.vov