Nhiều bệnh nhân mắc uốn ván, biến chứng nặng do chủ quan

Thời gian qua, nhiều người mắc uốn ván do chủ quan vết thương không nguy hiểm hoặc sơ cứu sai cách dẫn đến nhập viện trong tình trạng nặng. Chuyên gia y tế khuyến cáo, sau khi có vết thương, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để tiêm phòng uốn ván kịp thời.

Hà Nội ghi nhận 5 ca mắc uốn ván

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP đã ghi nhận 2 nam bệnh nhân 50 tuổi và 63 tuổi mắc uốn ván. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 5 trường hợp mắc uốn ván, trong đó, 1 người tử vong.

Trước đó, hồi tháng 3/2023, trên địa bàn Hà Nội cũng đã ghi nhận nam bệnh nhân 57 tuổi (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) làm nghề thợ xây mắc uốn ván.

Khoảng 6 tháng trước, bệnh nhân được phẫu thuật xương gót chân trái. Hiện, vết mổ của nam bệnh nhân còn đóng vảy, sưng nề nhiều do đi lại. Trước đó, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng cứng hàm, nói khó. Sau đó, bệnh nhân được người nhà đưa vào điều trị tại Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm uốn ván giai đoạn toàn phát.

Tương tự, tháng 2/2023, Hà Nội cũng ghi nhận một cụ bà (83 tuổi, ở thôn Hạ Hòa, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội đã tử vong với chẩn đoán bị uốn ván sau hơn hai tuần bị ngã khi đi dự lễ hội làng.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mở khí quản, kiểm soát chức năng hô hấp ở bệnh nhân bị uốn ván nặng.

Cùng thời điểm tháng 2/2023, khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận, điều trị thành công nhiều bệnh nhân uốn ván nặng, đặc biệt, bệnh nhân nam 47 tuổi, Bắc Ninh nhập viện với chẩn đoán uốn ván ngoại khoa giai đoạn toàn phát mức độ nặng.

Trước nhập viện 3 ngày, do bất cẩn trong lúc lao động, người bệnh bị vết thương nhỏ tại ngón 1, bàn tay trái do bị lưỡi cưa cắt. Vì chủ quan, người bệnh chỉ xử trí vết thương tại chỗ, không tiêm huyết thanh kháng uốn ván (SAT).

Sau 3 ngày, người bệnh nhập viện trong tình trạng sốt, mệt nhiều, khít hàm, nói khó, khó nuốt, đau và tăng trương lực cơ vùng gáy, lưng, bụng, bí tiểu, vết thương ngón 1 bàn tay trái có ít mủ và giả mạc. Bệnh nhân được nhận định chẩn đoán uốn ván ngoại khoa, tiên lượng rất nặng, phức tạp do có thời gian ủ bệnh ngắn.

Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí cấp cứu và điều trị: Xử trí vết thương tại chỗ, tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván SAT, kháng sinh chống vi khuẩn uốn ván, kiểm soát tình trạng tăng trương lực cơ và cơn co giật bằng thuốc an thần, giãn cơ, chống co giật, kiểm soát hô hấp.

Đặc biệt, mới đây, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã tiếp nhận, điều trị thành công nam bệnh nhân P.Đ.N., 49 tuổi (tại Hiệp Hòa, Bắc Giang) nhập viện với chẩn đoán uốn ván mức độ nặng, cửa vào từ một vết thương nhỏ trên mu bàn chân phải do đi dép có buộc dây thép sắt gây ra.

Trước nhập viện hai tuần, người bệnh có vết thương tại vùng mu bàn chân phải do đi dép buộc dây thép sắt cọ xát cứa vào. Vì chủ quan, người bệnh chỉ xử trí vết thương tại chỗ, không tiêm huyết thanh kháng uốn ván (SAT).

Sau 10 ngày, thấy người có biểu hiện mệt nhiều, co cứng cơ vùng cổ, sau lan xuống vùng lưng bụng, đau mỏi 2 góc hàm, nói khó, ăn uống khó, há miệng khó, vết thương trên mu bàn chân phải đã liền. Anh N. được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Cường (Hiệp Hòa) khám và nhanh chóng chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu.

Bệnh nhân được nhận định chẩn đoán uốn ván và điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí cấp cứu và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

Qua 6 ngày điều trị, người bệnh có biểu hiện trương lực cơ toàn thân tăng, các cơn co giật gồng cứng toàn thân tăng, suy hô hấp, tăng tiết đờm dãi nhiều ứ đọng hầu họng, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng rất cao.

Các bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã ngay lập tức mở hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi - Họng và thống nhất mở khí quản cho người bệnh ngay tại Trung tâm để kiểm soát chức năng hô hấp. Đồng thời tiếp tục điều chỉnh liều lượng thuốc an thần, giãn cơ, chống co giật phù hợp với tình trạng bệnh, kết hợp với các biện pháp điều trị hồi sức tích cực, chăm sóc toàn diện khác.

Sau 24 ngày điều trị, người bệnh đã tỉnh táo hoàn toàn, không còn các cơn co cứng toàn thân, được rút xông dạ dày, tập ăn lại tại đường miệng, há miệng bình thường, tập nói qua canuyn hai nòng có cửa sổ.

Không chủ quan trong điều trị, tiêm phòng kịp thời

Bác sĩ Trương Quang Chiến – Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang trực tiếp điều trị bệnh nhân cho biết, người bệnh được các y, bác sĩ tại Trung tâm chăm sóc đặc biệt, theo dõi sát sao tình trạng bệnh nên đã kịp thời mở khí quản, đảm bảo tình trạng hô hấp.

Nam bệnh nhân P.Đ.N., 49 tuổi ( Hiệp Hòa, Bắc Giang) nhập viện với chẩn đoán uốn ván mức độ nặng, cửa vào từ một vết thương nhỏ trên mu bàn chân phải do đi dép có buộc dây thép sắt gây ra.

Việc này cũng giúp bệnh nhân tránh được phải đặt ống nội khí quản, thở máy xâm nhập kéo dài, tránh được nguy cơ viêm phổi do thở máy, giảm chi phí điều trị và thời gian nằm viện. Đây cũng là ca bệnh mở khí quản đầu tiên với người bệnh uốn ván nguy kịch tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới.

Bác sĩ Trương Quang Chiến cũng chia sẻ thêm, thời gian nằm viện dòng rã, kéo dài gần 1 tháng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với người bệnh như: loét vùng tì đè, suy dinh dưỡng, viêm phổi bệnh viện, teo cơ, suy giảm tri giác… đòi hỏi ngoài điều trị tích cực còn cần phối hợp chăm sóc toàn diện, chu đáo của các điều dưỡng viên.

Từ chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập vận động, phục hồi chức năng cho người bệnh đến chăm sóc mọi sinh hoạt, vệ sinh cá nhân như tắm, gội, ăn uống… mới có thể phục hồi tích cực và nhanh chóng.

Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, tiêm phòng vaccine uốn ván cho những người chưa tiêm phòng hoặc những người đã tiêm phòng nhưng chưa tiêm nhắc lại sau 5-10 năm là việc cần thiết, đặc biệt là những người có nguy cơ cao.

Đồng thời, khi bị vết thương, không chủ quan nghĩ rằng vết thương không nguy hiểm hoặc sơ cứu sai cách dẫn đến tình trạng nhập viện khi bệnh đã tiến triển nặng. Có thể rửa vết thương dưới vòi nước sạch ngay tại thời điểm xuất hiện vết thương để loại bỏ chất bẩn ra ngoài.

Nếu vết thương chảy máu và dính nhiều đất cát, thì nên dùng oxy già để rửa và sát khuẩn vết thương và cầm máu. Sau đó, rửa lại vết thương bằng nước xà phòng rồi lau khô, sát khuẩn bằng cồn iode. Với vết thương có dị vật cần cần rửa sạch, lấy dị vật ra, vệ sinh băng bó lại vết thương.

Các bác sĩ phẫu thuật cho ca mắc uốn ván.

Liên quan đến vấn đề này, TS Vũ Viết Sáng - Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đôi 108 cho biết, tất cả người dân (người lớn và trẻ em) đều cần được tiêm phòng uốn ván.

Đặc biệt là những người có nguy cơ mắc bệnh cao như: Phụ nữ có thai; người làm ruộng, vườn; người làm việc ở trang trại, các nông trường chăn nuôi gia súc gia cầm; người dọn vệ sinh cống rãnh, chuồng trại; công nhân xây dựng công trình; người làm kỹ thuật tiếp xúc với vật sắc nhọn; bộ đội và thanh niên xung phong…

TS Vũ Viết Sáng lưu ý, khi bị vết thương, người dân cần được xử trí tại chỗ đúng cách. Có thể rửa vết thương dưới vòi nước sạch ngay tại thời điểm xuất hiện vết thương để loại bỏ chất bẩn ra ngoài. Nếu vết thương chảy máu và dính nhiều đất cát, thì nên dùng oxy già để rửa và sát khuẩn vết thương và cầm máu.

Sau đó, rửa lại vết thương bằng nước xà phòng rồi lau khô, sát khuẩn bằng cồn iode. Với vết thương có dị vật cần cần rửa sạch, lấy dị vật ra, vệ sinh băng bó lại vết thương. Người có vết thương cần được tiêm SAT và tiêm phòng vaccine uốn ván bổ sung nếu trước đó họ chưa được tiêm vaccine uốn ván đầy đủ.

“Người dân có thể phòng ngừa bệnh uốn ván bằng cách tiêm vaccine uốn ván để tạo miễn dịch bảo vệ chủ động. Để tạo miễn dịch cơ bản, cần tiêm 3 mũi vaccine, trong đó mũi tiêm thứ 2 sau mũi tiêm đầu tiên 1 tháng, mũi tiêm thứ 3 sau mũi tiêm thứ 2 là 6 tháng. Khi đã có miễn dịch cơ bản, cần tiêm nhắc lại 1 mũi vaccine sau mỗi 5-10 năm để có miễn dịch bảo vệ bền vững” - TS Vũ Viết Sáng khuyến cáo.

Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani phát triển tại vết thương gây ra. Triệu chứng là những cơn co cứng cơ kèm theo đau. Nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như gãy xương, gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp, động kinh, viêm phổi, thuyên tắc phổi, suy thận… Nhiều trường hợp bị uốn ván nguy kịch chỉ từ vết thương nhỏ như gà mổ, gai đâm…

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhieu-benh-nhan-mac-uon-van-bien-chung-nang-do-chu-quan.html