Nhiệt điện than bủa vây ĐBSCL: Phá thế 'thập diện mai phục'

Không cần phải xây rải khắp các nhà máy nhiệt điện, có thể tập trung nơi nào thuận tiện cho nhập khẩu than rồi truyền tải đến các hộ tiêu thụ.

Đảm bảo môi trường là vô cùng khó

Không đồng tình với quan điểm mà lãnh đạo Tổng cục Năng lượng- Bộ Công thương- đưa ra đó là một trong những đặc điểm khi xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than là gần nguồn cung cấp than, gần nguồn cung cấp nước làm mát với lưu lượng rất lớn sẽ nhiều thuận lợi, theo GS.TS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, nước thải từ các nhà máy nhiệt điện sẽ làm thay đổi nhiệt độ và lượng ô xy trong nước, tùy theo thiết kế, lưu lượng tuần hoàn, so với lưu lượng nước của dòng sông lấy để làm mát.

Từ đó sẽ khiến cho nhiệt độ nước tại khu vực thải vượt mức cho phép, ảnh hưởng môi sinh, động thực vật sống ở khu vực cửa sông từ trước đến nay. Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện thích xây dựng gần sông là bởi vì có nguồn nước thuận lợi, có thể lấy từ các sông hồ lớn, mà tiết kiệm được chi phí đường ống vận chuyển nếu làm tại các khu vực khác xa hơn.

Vì thế, việc quan trọng là phải làm sao đảm bảo mức tăng nhiệt độ không gây tác hại đến môi sinh, môi trường khu vực đó.

Nhưng riêng với ĐBSCL khi nước mặn lấn càng sâu thì lấy nước làm mát càng phải lưu ý, thiết bị làm việc với nước ngọt là loại khác, làm việc với nước lạnh là loại khác, cửa sông nằm trong phạm vi phải bảo vệ thì khi thiết kế khâu làm mát phải tính toán, lưu ý vấn đề này.

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, TS Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam phân tích: "Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được tư vấn trong nước thực hiện, tư vấn nước ngoài thẩm tra. Chính phủ, Bộ Công Thương và kể cả EVN đã cân nhắc thẩm tra, thẩm định rất nhiều lần.

Không cần thiết phải xây quá nhiều nhà máy nhiệt điện than

Trong đó, có 03 tiêu chí quan trọng là đảm bảo an ninh năng lượng, vấn đề kinh tế và môi trường, nhưng để đạt được 03 tiêu chí này là cực kỳ khó.

Ngay như ý kiến của lãnh đạo Tổng cục năng lượng chưa đủ bởi vì cần một tiêu chí quan trọng nữa là nhà máy phải đặt gần trung tâm phụ tải điện. Nếu đặt nhà máy ở khu vực miền Bắc hoặc miền Trung mà cấp điện cho miền Nam thì nảy sinh vấn đề tổn thất điện năng trong truyền tải (tổn thất là mất tiền), chi phí cao, hành lang chiếm đất đường điện và hàng loạt các vấn đề liên quan khác đi kèm.

Phụ tải điện khu vực miền Nam là lớn nhất cả nước, khả năng không đáp ứng kịp về nguồn điện vì một số dự án nhiệt điện đang xây dựng chậm tiến độ. Hiện tại, các cơ quan có thẩm quyền đang gấp rút làm thủ tục đầu tư đường dây 500kV mạch 3&4 từ Vũng Áng đi Pleiku 2 để truyền tải công suất từ miền Bắc & miền Trung cứu nguy cho miền Nam thiếu điện từ năm 2019 trở đi.

Những nguy cơ từ nhà máy nhiệt điện

Trước việc, ĐBSCL đang ở trong tình thế "thập diện mai phục", từ dự án nhà máy giấy cho đến kế hoạch xây dựng 14 nhà máy điện than, ông Trường lo ngại, chất thải của nhà máy giấy Lee & Man chắc chắn còn nguy hại hơn chất thải của nhà máy nhiệt điện.

Nhà máy điện than tiêu thụ than rất nhiều, nhưng về sử dụng nước không nhiều như luyện gang, luyện thép. Vì thế lượng vận tải than và diện tích bãi chứa và bãi thải xỉ lớn nên thường bố trí nhà máy điện gần biển hay sông. Từ đây, điện được truyền tải đến các nơi tiêu thụ. Chỉ có các nhà máy sản xuất hoặc khu công nghiệp nào tiêu thụ lớn thì xin phép tự xây dựng nhà máy điện, thường là điện than hay điện dầu khí.

Đối với những mỏ than nằm ở vị trí cách trở, người ta vận chuyển than bằng đường ống từ mỏ tới nhà máy điện như tuyến đường ống 174 km ở bang Ohio-Mỹ với lượng vận chuyển là 1,3 triệu tấn/năm. Tuyến 439 km ở Arizona với lượng vận chuyển là 4,8 triệu tấn/năm.

Nói rõ về nguy cơ môi trường từ nhà máy nhiệt điện, ông Trường chỉ rõ: "Thứ nhất, tro xỉ thải của nhà máy nhiệt điện nếu không xử lý tốt và có kết hợp với việc làm phụ gia xi măng thì sẽ nhanh chóng bị lấp đầy. Ở khu vực đồng bằng rộng lớn và bằng phẳng chỉ cần những cơn gió nhẹ có thể đưa bụi đi xa ảnh hưởng đến môi trường.

Thứ hai, việc không giám sát môi trường một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng có thể dẫn đến việc các nhà máy cho dù có hệ thống xử lý nhưng họ cho đi tắt không xử lý và điều này có thể thải một lượng lớn SOx, NOx gây ra mưa axit trên diện rộng và ảnh hưởng tương đối vô hình đến cuộc sống chung. Tuy nhiên, điều này rất khó có thể minh chứng về nguồn gốc và quy trách nhiệm.

Thứ ba, trong một số thời điểm đặc biệt khi khởi động lò, khi đốt dầu kèm, hệ thống lọc bụi tĩnh điện không hoạt động như ý. Khi đó lượng bụi thải ra môi trường là khá nhiều và trên diện rộng.

Thứ tư, nước làm mát cho nhà máy nhiệt điện sau đó lại quay trở lại sông nên không mất đi đâu cả. Vì nó chỉ làm mát mà thôi nên nguy cơ cho cái này chỉ là sự tăng nhẹ của nhiệt độ nước sông (lên khoảng 35- 38 độ C) và với lưu lượng lớn nên nó có thể tác hại đến biến đổi hệ sinh thái sông. Tuy nhiên, chưa thấy có báo cáo nào nói rõ về vấn đề này.

Thứ năm, nhìn chung, đã sản xuất là có ô nhiễm cho nên phải cân nhắc xem xét bài toán “trade-off” đánh đổi lợi ích giữa kinh tế và môi trường tức là lợi ích lớn nhất và giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường ở mức cho phép chấp nhận Quy chuẩn môi trường".

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/nhiet-dien-than-bua-vay-dbscl-pha-the-thap-dien-mai-phuc-3323014/