Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Hành trình của tôi đã, đang và sẽ tiếp tục

Tự nhận mình là người biết nắm bắt cơ hội, lại có khả năng nhìn thấy cái đẹp tồn tại ở khắp mọi nơi, ở mọi người, mọi khoảnh khắc nên trong suốt hành trình 35 năm làm nghề, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã say mê đưa tất cả điều đó vào ống kính của mình một cách nghệ thuật và sống động. Thành quả của những tháng ngày rong ruổi lăn xả tác nghiệp chính là những cuốn sách ảnh độc đáo, mang dấu ấn đậm nét về nghĩa tình của một người cầm máy ảnh dành cho xã hội, cho con người, cho cái đẹp và tinh thần nhân văn lan tỏa...

Nhân dịp tổ chức triển lãm và ra mắt hai cuốn sách ảnh mới (*), Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã dành cho Người Đô Thị cuộc trò chuyện thú vị.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á chụp hình kỷ niệm cùng các cựu tù Côn Đảo.

Với dự án mới lần này, ông tâm huyết nhất điều gì?

Đây là hai cuốn sách ảnh đặc biệt. Đặc biệt từ chủ đề cũng như thời điểm ra mắt: vào tháng 7, tháng của tưởng nhớ và tri ân những thương binh, liệt sĩ đã hy sinh quên mình trong công cuộc giành độc lập, bảo vệ tổ quốc. Vì vậy, ở cuốn sách thứ nhất có tựa đề Tử tù, cựu tù Côn Đảo: Ngày trở lại tôi mong muốn góp tấm lòng tưởng nhớ đến những người đã mãi mãi nằm lại trong cuộc chiến nói chung, cũng như bày tỏ sự kính trọng với những tử tù, cựu tù Côn Đảo nói riêng.

Bởi họ là những “tượng đài sống” mà tôi vẫn có cơ hội tiếp cận bằng xương bằng thịt. Họ giờ đây vẫn còn kịp nhìn ngắm và tận hưởng những tháng ngày hòa bình của đất nước. Hơn thế, tôi muốn gửi đến thế hệ trẻ rằng: hãy biết trân quý giá trị hòa bình, thấu hiểu những hy sinh cao cả của những cô, chú, bác ngày trước...

Cuốn sách thứ hai có tên Biệt đội giữ bình yên “đất lửa” nội dung về những người trẻ trong dự án rà phá bom mìn khắc phục hậu quả sau chiến tranh ở miền Trung. Khi được tiếp xúc, làm việc với họ tôi cũng hết sức cảm phục những người trẻ giỏi giang và gan dạ này. Được đi và gặp những điều như vậy tôi càng cảm nhận rằng cuộc đời này thật đẹp.

Phút tĩnh lặng của cựu tù Lê Hồng Tư trước ngôi mộ đồng đội cũ. Ảnh: Nguyễn Á

Một nữ du khách đã không nén được xúc động, bật khóc trước lời kể của cựu tù Phan Thị Bé Tư, nhân chứng sống tại Côn Đảo. Ảnh: Nguyễn Á

Ông từng chia sẻ rằng khi bắt đầu thực hiện một dự án đều đặt ra mục tiêu là cung cấp được cái gì đó mới cho người đọc, người xem. Vậy cái mới của những tác phẩm lần này là gì, khi đây đã là cuốn sách ảnh thứ 17 và 18 của ông?

Ở cuốn sách về các tử tù, cựu tù, phải kể từ ấn tượng lần đầu tiên tới Côn Đảo tôi đã cảm thấy yêu quý vùng đất này ngay và từ đó đã luôn ấp ủ phải làm một điều gì đó ý nghĩa. Và tôi có ý tưởng ghi lại những nhân chứng sống từng gắn bó với hòn đảo này: những tử tù, cựu tù.

Tôi đã liên hệ Ban Liên lạc Cựu tù chính trị - tù binh TP.HCM, xin gặp các cô, chú và đề đạt nguyện vọng làm sách của mình. Rất mừng khi các cô chú ủng hộ ngay bởi chưa ai làm sách ảnh về họ cả. Các cô chú bộc bạch rằng họ đều đã ở độ tuổi gần đất xa trời rồi, vì vậy nếu làm được một cuốn sách như vậy không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà mấy đời sau con cháu cũng sẽ hiểu được ông bà mình đã làm gì.

Các cô chú đã hỗ trợ tôi làm công văn gửi cho Thành ủy và UBND TP.HCM để xin ý kiến về việc làm sách. Và tôi may mắn được tạo điều kiện để gặp 40 cựu tù, tử tù. Đặc biệt hơn là cùng đi với họ ra Côn Đảo. Các cô chú đã kể tôi nghe, nhắc lại những kỷ niệm về nơi mà họ đã hy sinh xương máu, tuổi xanh để bây giờ chúng ta mới có hòa bình, độc lập, thống nhất như ngày hôm nay.

Cựu tù Hà Văn Hiển đang mô phỏng lại cách mà ông nằm, sinh hoạt trong tư thế bị cùm chân suốt thời gian bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo. Ảnh: Nguyễn Á

Ở tập sách này, tôi đã tiếp cận 35 cựu tù, tử tù đang sinh sống tại TP.HCM, 3 cựu tù đang sinh sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu và một cựu tù ở Đồng Nai. Tôi đưa vào ống kính nhiều góc độ, khoảnh khắc về các nhân vật đặt trong bối cảnh Côn Đảo xưa và nay, những sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa mất và còn... Đi qua cuộc chiến, từng nếm trải những tháng ngày nơi “địa ngục trần gian” và đến hôm nay họ vẫn luôn bên nhau với tình yêu và niềm kiêu hãnh.

Điều đặc biệt là trong số các nhân vật của cuốn sách này, có bốn cặp vợ chồng. Biển trời Công Đảo chứng kiến họ từ những ngày tóc xanh đến nay tóc đã bạc. Thời chiến họ đoàn kết để đấu tranh với kẻ thù. Thời bình lại gắn kết bằng tình cảm, tình yêu cuộc sống. Điều đó thật đẹp.

Vì vậy cuốn sách cũng có bố cục hoàn toàn mới, từ các cụm ảnh tới kiểu chữ, câu chữ nhằm toát lên được ý nghĩa của câu chuyện thiêng liêng mà tôi muốn chuyển tải tới người đọc. Trong cuốn sách còn có những bài viết chia sẻ của các cô, chú với giọng văn tự nhiên, chân thật. Trong ngày triển lãm ra mắt sách sắp tới, các nhân vật này cũng góp mặt bằng các tiết mục văn nghệ, giao lưu cùng với bạn đọc. Khi sách vừa in xong tôi đã tận tay mang tới cho một số cô chú ở gần. Ai cũng rưng rưng cảm động.

Phút hội ngộ của các cựu tù tại Côn Đảo. Ảnh: Nguyễn Á

Còn suốn sách về đội rà phá bom mìn tôi tin rằng cũng sẽ tạo ra nhiều cảm xúc cho người xem. Mặc dù chiến tranh đã đi qua 48 năm rồi nhưng dự án này mới bắt đầu khoảng 15 năm nay. Khi gửi công văn để xin tác nghiệp về công việc của “biệt đội” này tôi được cảnh báo là rất khó và vô cùng nguy hiểm. Nhưng đối với tôi cái gì khó tôi càng thích. Và tôi được ra ngoài đó ba lần.

Lần đầu tiên tôi ra tác nghiệp thì gặp mưa tầm tã. Tôi đã ghi lại mọi thứ diễn ra dưới mưa. Bằng ống kính tôi muốn mọi người thấy được cái đẹp của họ, sự hồn nhiên lấp lánh ngay trong không gian, bối cảnh bị chiếm lĩnh bởi sự nghẹt thở, căng thẳng vì hiểm nguy rình rập. Tiếng nổ của bom, mìn tưởng như chỉ khiến con người ta sợ hãi, xa lánh, căm ghét nhưng thanh âm ấy với họ, thật lạ lùng lại mang lại niềm vui. Bởi đó là những thanh âm hạnh phúc, tín hiệu của bình yên bởi họ vừa loại bỏ được một mối nguy hiểm tiềm tàng.

Hai cuốn sách mới ra mắt này là tác phẩm thứ 17 và 18 và đây là triển lãm thứ 19 của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á. Ảnh: Trà My

Ông có tự đặt ra quy tắc cho công việc của mình? Và ông đã xây dựng kế hoạch cho mỗi cuốn sách như thế nào khi chỉ mỗi một mình “tác chiến”?

Mỗi một cuốn sách của tôi đều có chủ đề khác nhau hoàn toàn. Cách tôi làm việc, thứ nhất là vẻ đẹp của con người phải đặt lên hàng đầu, người thật việc thật. Thêm một phần nữa là chất báo chí phải cao. Tôi thích như vậy vì chúng không lẫn với ai. Câu chuyện phải đi từ trái tim đến trái tim và giúp người ta thấy được nhiếp ảnh đã làm gì cho xã hội.

Đã thực hiện gần 20 cuốn sách và triển lãm rồi nên cốt lõi câu chuyện cần làm như thế nào, đang dư cái gì, thiếu cái gì và cần làm gì để mới hơn so với những cuốn trước đối với tôi mà nói không còn cảm giác bỡ ngỡ nữa. Với tôi đã chụp ảnh phải cho mọi người thấy được ý chí của người cầm máy. Khi chụp thì phải đem cái tâm, khối óc của mình ra, lắng đọng mọi tâm tư để nhập vào tác phẩm. Có như vậy bức ảnh khi chụp ra mới có thể khiến người xem bị lay động, rơi nước mắt vì hiểu được thông điệp, ý nghĩa mà người nhiếp ảnh muốn nói.

Khi đã bắt tay vào công việc tôi thường phải chuẩn bị đầy đủ mọi thứ. Tuy nhiên quá trình đang làm sẽ khó tránh khỏi việc phát sinh việc này việc kia. Có những cái mình tưởng dễ nhưng cuối cùng không nuốt nổi. Có những cái mình nghĩ là sẽ gặp khó khăn kinh khủng lắm nhưng lại qua một cách rất dễ dàng. Đó là những chuyện tôi thường xuyên gặp. Nói chung phải luôn sẵn sàng nắm bắt cơ hội quanh mình.

Nhân viên Lê Thị Ái Nhi dùng máy rà cầm tay dò tìm vật liệu nổ trên hiện trường làm việc. Ảnh: Nguyễn Á

Nhân viên đội rà phá hiện trường NPA/RENEW xử lý tín hiệu trên hiện trường rà phá. Ảnh: Nguyễn Á

Ảnh của Nguyễn Á ngồn ngộn hơi thở cuộc sống, giàu chất báo chí và cũng đầy nghệ thuật. Nhân vật trong tác phẩm của anh sống động, chân thực và dễ tạo cho người xem xúc động, sự thấu cảm. Ông đã thiết lập sợi dây liên kết với nhân vật như thế nào để có thể nắm bắt thần thái và ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng như vậy?

Trải nghiệm là hai từ quan trọng nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi xem mọi thứ quanh mình đều đẹp và đón nhận một cách rất vô tư. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là sự vô tư này không đồng nghĩa với hời hợt. Phải nhìn mọi thứ xung quanh nhẹ nhàng, làm việc không chỉ bằng cái đầu mà còn ở sự rung cảm. Bởi đi tắt, ăn xổi thì khó mà đạt được kết quả như ý được.

Thứ hai, lòng tin là điều rất quan trọng trong làm nghề. Nếu không tin làm sao họ chia sẻ với mình, chấp nhận mình được. Trong những cuộc giao lưu, khán giả thích cách tiếp cận để tác nghiệp của tôi chứ không phải là nghe kể về kỹ thuật nhiếp ảnh. Nhiều người cũng tò mò muốn biết vì sao tôi có thể xin được sự đồng ý để tác nghiệp ở những không gian, môi trường hết sức đặc biệt như Nam Xu-đăng, trong mùa Covid-19... Bí quyết của tôi rất đơn giản, chỉ có ba thứ thôi đó là những nụ cười, trái tim và nhiều cuốn sách.

Trải nghiệm là hai từ quan trọng nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi xem mọi thứ quanh mình đều đẹp và đón nhận một cách rất vô tư.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á

Người ta nhìn nụ cười tìm thấy được sự tin tưởng và có cảm tình. Nên nhớ, đội ngũ nhiếp ảnh hiện nay vô cùng đông đảo, ai cũng có những nhu cầu để thể hiện, nhiều trong số họ rất giỏi. Cơ hội thì nhiều và ai mà không muốn nắm lấy, nhưng nắm lấy thế nào để người ta thấy mình làm không thực dụng mới quan trọng. Và khi mình được lựa chọn rõ ràng không phải là may mắn nữa mà phải có thực lực. Những cuốn sách chính là câu trả lời của tôi.

Tháng 4.2022 tôi nhận được giấy quyết định của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đồng ý cho tác nghiệp một tháng ở Nam Xu-đăng. Đó là điều đặc biệt nhất trong tất cả những điều đặc biệt mà tôi đã có.

Các thành viên đội khảo sát kỹ thuật di chuyển trên hiện trường làm việc. Ảnh: Nguyễn Á

Ông có bao giờ tự cắt nghĩa động lực nào đã thôi thúc bản thân thực hiện những dự án này, công việc mà như nhiều người nhận xét là “đâm đầu vào đá” bởi phải tự làm mọi thứ từ tác nghiệp đến bỏ tiền in ấn, phát hành...?

Đầu tiên tôi cảm thấy mình có nhiều năng lượng. Không có năng lượng thì dù có tiền cũng không làm được.

Tôi bước chân vào con đường làm sách ảnh nghệ thuật là từ năm 2008. Từ đó đến nay các dự án đều tự bỏ tiền túi làm, không nhận tài trợ. Thay vào đó sẽ vận dụng tiền bán sách và duy trì nó. Đó là điều không phải ai cũng muốn làm và ai cũng làm được. Phải công nhận rằng mỗi khi bắt tay làm dự án nói mình không suy nghĩ, không đau đáu thì đó là nói dóc. Suy nghĩ nhiều thứ lắm, trăn trở sách phải đến với thật nhiều người để mình thu hồi vốn và tái đầu tư cho dự án mới. Nhưng tôi chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ cuộc bởi nhận được nhiều ủng hộ của bạn bè, đồng nghiệp, những người quen biết và bạn đọc rộng rãi. Khi được đón nhận, ủng hộ như vậy tự nhiên lại có động lực lạ lùng lắm, kích mình phải làm.

Chẳng hạn như cuốn sách Họ đã sống như thế, câu chuyện về những người khuyết tật, những thân phận kém may mắn nhưng không buông xuôi mà mạnh mẽ vươn lên và tỏa sáng đến nay vẫn hiện diện ở nhiều gia đình, công ty... Người ta mua về dạy con nếu không may chệch hướng, hay để truyền cảm hứng cho nhân viên công ty. Sau khi ra mắt cuốn sách này, hàng trăm trường học, cơ quan nhà nước mời tôi và những nhân vật trong cuốn sách đi tới để giao lưu. Và như vậy chúng tôi truyền cảm hứng cho những người có nhu cầu. Có thể nói trong cuộc đời người ta được hạnh phúc một lần, tôi thì may mắn vì được hạnh phúc nhiều lần.

Trong giờ giải lao trên hiện trường. Ảnh: Nguyễn Á

Đi con đường riêng như vậy có bao giờ ông cảm thấy đơn độc?

Có chứ. Nhưng đó là con đường mình đã chọn vì tôi được làm những điều mình thích và tôi cũng thích những điều mình làm. Vì vậy hành trình của tôi đã, đang và sẽ tiếp tục. Tôi còn nhiều thứ để làm lắm bởi năng lượng tôi có, khả năng tôi có, tư duy tôi có, niềm vui tôi có. Và tôi có những động lực từ mọi người, từ những thứ xung quanh đến với mình.

Ông có đồng ý với nhận xét rằng: là người chụp chân dung cuộc đời, chuyện đời người khác nhưng chính Nguyễn Á cũng đang viết chuyện đời mình qua những thước ảnh?

Cuốn Họ đã sống như thế có thể nói là mang hình bóng cuộc đời của tôi, về những khó khăn đã nếm trải. Kể ra thì rất dài nhưng có thể nói rằng phải cảm và rung động mới làm được ra câu chuyện này. Vì vậy nó ám ảnh tôi đến ngày hôm nay. Những tấm gương không lành lặn về tứ chi, mù lòa nhưng tại sao người ta vẫn vươn lên giỏi hơn những người bình thường chúng ta? Chính mình lúc này lại nhận được niềm cảm hứng từ những nhân vật mà mình đi làm.

Vậy kế hoạch của ông sau lần triển lãm và ra mắt sách này?

Tôi có thể khẳng định rằng còn nhiều dự án táo bạo đang ở phía trước.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á sinh năm 1968. Hội viên xuất sắc của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Đã triển lãm và đạt nhiều giải thưởng trong và ngòa nước. Trong đó, 19 triển lãm và sách ảnh nghệ thuật bắt đầu từ năm 2008 đến nay đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội và nhận được các giải thưởng quan trọng, có thể kể đến, như: Họ đã sống như thế (Giải thưởng Nhà nước năm 2022, Giải A giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc năm 2010), Tâm và Tài – họ là ai? (Giải A Giải thưởng nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới), Hoàng Sa – Trường Sa biển đảo Việt Nam (Cúp vàng xuất sắc năm 2014), Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 (Giải 3 Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2021), Hành trình cùng lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Xu-đăng (Giải 2 Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2022, Giải Mai vàng – Báo Người Lao Động năm 2022)...

Trà My thực hiện

_____________

(*) Cuộc triển lãm, ra mắt sách ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM) từ ngày 27-30.7.2023.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nhiep-anh-gia-nguyen-a-hanh-trinh-cua-toi-da-dang-va-se-tiep-tuc-40461.html