Nhật Bản lên kế hoạch trợ cấp 13 tỉ đô la để lấy lại vị thế cường quốc chip

Nhật Bản sẽ phân bổ trợ cấp tổng cộng 2.000 tỉ yen (13 tỉ đô la Mỹ) để thúc đẩy đầu tư vào ngành công nghiệp chip và lấy lại vị thế cường quốc sản xuất bán dẫn.

Nhà máy chip của TSMC đang được xây dựng ở Kikuyo, tỉnh Kumamoto, Nhật Bản. Tokyo đã hỗ trợ một nửa chi phí xây dựng nhà máy này và đang đàm phán mức hỗ trợ cho nhà máy chip thứ hai của TMSC. Ảnh: Bloomberg

Hãng tin Bloomberg hôm 10-11 đưa tin, con số trợ cấp này bao gồm đề xuất ngân sách bổ sung 1,85 nghìn tỉ yen của Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI) và số tiền chưa chi cho các khoản trợ cấp liên quan đến chip.

Gói trợ cấp một phần trong kế hoạch chi tiết rộng lớn hơn nhằm vực dậy nền kinh tế khi Tokyo nỗ lực thu hút đầu tư vào ngành sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, đóng vai trò quan trọng đối với các công nghệ tương lai từ trí tuệ nhân tạo (AI) đến ô tô tự lái.

Hàng tỉ đô la trong gói trợ cấp dự kiến sử dụng để hỗ trợ TSMC (Đài Loan), công ty dẫn đầu ngành sản xuất chip cao cấp và Rapidus Corp., một công ty khởi nghiệp bán dẫn trong nước, nhằm mục đích tăng năng lực cạnh tranh.

Tiền trợ cấp sẽ giúp tăng tốc năng lực thiết kế và sản xuất chip thế hệ tiếp theo cũng như đào tạo các mô hình AI của Nhật Bản. Nhật Bản đang dành riêng các nguồn vốn hỗ trợ các nhà sản xuất linh kiện cao cấp, thiết bị chip, khí công nghiệp và sản xuất chất bán dẫn, cũng như đào tạo kỹ sư.

“Tình hình an ninh kinh tế toàn cầu liên quan đến bán dẫn đang trở nên nghiêm trọng hơn. Chúng tôi đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các công ty chip trong và ngoài nước muốn đầu tư vào Nhật Bản”, một quan chức của METI nói.

Nhật Bản hiện là nhà cung cấp hàng đầu các công cụ và vật liệu sản xuất chip nhưng bị tụt lại đằng sau ở lĩnh vực sản xuất chip. Nước này đang cố gắng giành lại vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp sản xuất chip vốn bị xói mòn trong nhiều thập niên qua.

Tokyo đã quyết định hỗ trợ một nửa chi phí xây dựng nhà máy chip của TSMC ở tỉnh Kumamoto trong khi đang đàm phán về mức hỗ trợ cho nhà máy chip thứ hai của công ty này. Hồi đầu năm, nhật báo Nikkan Kogyo đưa tin,TSMC có kế hoạch đầu tư hơn 1.000 tỉ yen (6,6 tỉ đô la) để xây dựng nhà máy chip thứ hai ở Nhật Bản. Nhà máy này sẽ sản xuất chip cao cấp kích cỡ 5 nanometer (nm) và 10 nm, dự kiến đi vào hoạt động vào nửa cuối thập niên 2020

Chính phủ Nhật Bản cũng sẵn sàng cung cấp khoảng 1,5 tỉ đô la để tài trợ cho kế hoạch mở rộng nhà máy ở Hiroshima của Micron Technology, hãng chip nhớ lớn nhất Mỹ.

Hồi cuối năm ngoái, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ đầu tư lên tới 70 tỉ yen (gần 462 triệu đô la) vào công ty khởi nghiệp Rapidus thông qua Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới, một cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc gia.

Rapidus là một công ty liên doanh giữa Toyota, Sony và sáu công ty khác gồm hãng chip Kioxia, hãng điện tử và bán dẫn Tokyo Electron, Tập đoàn đầu tư SoftBank, Công ty phụ tùng ô tô Denso, hãng viễn thông NTT, Tập đoàn công nghệ thông tin và điện tử NEC. Rapidus được thành lập nhằm phát triển những sản phẩm chip cao cấp thế hệ tiếp theo có kích cỡ 2 nanometer.

Rapidus muốn phát triển năng lực xuất chip cao cấp, có thể cạnh tranh với những công ty như TSMC và Samsung Electronics. Tetsuro Higashi, Chủ tịch của Rapidus, tiết lộ công ty sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất chip cao cấp vào năm 2027, với mục tiêu củng cố nền kinh tế Nhật Bản bằng cách đảm bảo nguồn cung ổn định.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hồi tháng 9, Atsuyoshi Koike, CEO của Rapidus, cho biết tham vọng của công ty là phát triển một cụm sản xuất chip trải dài trên toàn quốc, với khả năng tiếp cận thuận tiện tới nhiều cảng.

“Tham vọng lớn của tôi là hiện thực hóa một ‘Thung lũng Hokkaido’ trải rộng từ TP. Tomakomai đến TP. Ishikari và có thể cạnh tranh với Thung lũng Silicon về quy mô”, Koike nói.

Koike tuyên bố công ty ông sẽ cần 2 nghìn tỉ yen (13,2 tỉ đô la) cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trước khi bắt đầu sản xuất thử nghiệm và 3 nghìn tỉ yen (19,82 tỉ đô la) để bắt đầu sản xuất chip cao cấp hàng loạt.

Rapidus đã ký thỏa thuận hợp tác với IMEC, một tổ chức nghiên cứu sản xuất chip, có trụ sở tại Bỉ, để phát triển hợp tác quốc tế trong hoạt động thiết kế và sản xuất chip của Rapidus

Luc Van den Hove, CEO của IMEC, ghi nhận nỗ lực của Nhật Bản nhằm lấy lại vị thế nhà sản xuất chip hàng đầu là rất “ấn tượng”.

“Nhật Bản lần này có cách tiếp cận táo bạo và đưa ra quyết định rất nhanh chóng”, Luc Van den Hove nói với các phóng viên ở Tokyo hôm 9-11.

Ông đánh giá những gì Rapidus đang cố gắng đạt được là vô cùng khó khăn, nhưng tin rằng chính phủ Nhật Bản có động lực để giúp Rapidus thành công. IMEC đang xem xét mở văn phòng ở Tokyo và Hokkaido, nơi Rapidus dự kiến xây dựng nhà máy.

Theo Bloomberg, Reuters, Techhq.com

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhat-ban-len-ke-hoach-tro-cap-13-ti-do-la-de-lay-lai-vi-the-cuong-quoc-chip/