Nhật Bản đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội

Với một quốc gia mà Hiến pháp không cho phép tổ chức quân đội, nhưng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) vẫn là một trong những lực lượng được trang bị tốt nhất trong khu vực.

Điều 9 trong Hiến pháp của Nhật Bản nêu rõ, "Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hòa bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe dọa bằng vũ lực. Để thực hiện mục đích ghi ở trên, lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận".

Tuy nhiên, một phần của Hiến pháp đã được bổ sung rằng, nước này có thể xây dựng và duy trì quyền tự vệ vốn có. Vì vậy, với hiệp ước an ninh mà Nhật Bản ký với Hoa Kỳ vào năm 1951 cho phép nước này duy trì một lực lượng đóng quân nhằm đối phó với sự xâm lược từ bên ngoài, cũng như các mối đe dọa bên trong và thiên tai.

Khởi đầu là Lực lượng Cảnh sát dự bị Quốc gia thành lập vào năm 1950, gồm 75.000 người được trang bị vũ khí bộ binh hạng nhẹ, sau đó là Lực lượng an toàn bờ biển ra đời sau đó hai năm. Sau này lực lượng này đổi tên thành Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) và Lực lượng Phòng vệ Biển (JMSDF) vào ngày 1 tháng 7 năm 1954, trong khi lực lượng thứ ba - Lực lượng Phòng vệ Trên không (JASDF) cũng được thành lập vào ngày này.

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Kyodo News

Sự chuyển mình mới và đẩy mạnh hiện đại hóa về mọi mặt

Sự thay đổi quyết sách cho quốc phòng của Nhật Bản được thúc đẩy một phần bởi sự hiện đại hóa quân đội nhanh chóng của Trung Quốc. Điều này bao gồm các chuyến tuần tra thường xuyên của các tàu tuần duyên Trung Quốc ở khu vực tiếp giáp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp.

Những thay đổi trên chính trường quốc tế đó buộc Thủ tướng đương nhiệm bấy giờ là Shinzo Abe phải đưa ra những chỉnh sửa về các điều khoản tự vệ trong hiến pháp của đất nước. Theo đó, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đã tăng lên đáng kể từ năm 2012 sau nhiều năm liên tiếp cắt giảm. Cụ thể, Nhật Bản đã chi 65 tỷ USD cho quốc phòng vào năm 2020.

Trong vài năm qua, các nhà hoạch định quốc phòng Nhật Bản đã tập trung vào triển khai các lực lượng và tiềm năng. Sách trắng hàng năm đều nhấn mạnh đến vấn đề này, với mục tiêu nhằm bảo vệ các hòn đảo nằm phía xa, cụ thể là quần đảo Senkaku đang tranh chấp nằm giữa đảo Okinawa và Đài Loan (Trung Quốc).

Năm 2018, Lữ đoàn Triển khai đổ bộ nhanh thuộc Lực lượng Phòng vệ trên bộ Nhật Bản (GSDF) được thành lập. Đây là một lực lượng được mô phỏng theo mô hình lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ nhằm cho phép quân đội thực hiện hiệu quả và nhanh chóng các chiến dịch phòng thủ trên cả nước.

Lữ đoàn Triển khai đổ bộ nhanh thuộc Lực lượng Phòng vệ trên bộ Nhật Bản (GSDF) tiến hành cuộc tập trận chung với lực lượng Lính thủy Đánh bộ Mỹ. Ảnh: AP

Gần đây, Nhật Bản cũng tích cực chú trọng đầu tư cho lĩnh vực không gian cho các nhiệm vụ Tình báo, Giám sát và Trinh sát. Vào tháng 5-2020, Nhật Bản đã khánh thành Phi đội vận hành Không gian của riêng mình với số lượng nhân viên ban đầu là 20 người. Đơn vị này cũng là một phần của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản và dự kiến sẽ phát triển quy mô lên đến 100 người vào năm 2023. Đơn vị mới này đóng vai trò quan trọng trong chu trình phát triển vũ khí siêu thanh mà Nhật Bản đang phát triển. Theo đó, nhờ vào các cảm biến trên không gian mà dữ liệu được gửi về mặt đất.

Từ bộ binh…

Những năm gần đây, Nhật Bản được đánh giá là quốc gia sở hữu nhiều công nghệ quốc phòng hàng đầu thế giới, thậm chí không hề thua kém các cường quốc quân sự như Mỹ, Nga.

Về bộ binh, đất nước Mặt trời mọc đã tự phát triển các loại xe tăng, pháo tự hành được đánh giá cao về sức mạnh tác chiến.

Theo đó, mũi nhọn bọc thép của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản là xe tăng chiến đấu chủ lực Type-10. Đây là loại xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ ba do tập đoàn MHI sản xuất nhằm bổ sung và thay thế dần cho xe tăng Type-74 và Type-90. Với giá 9,4 triệu USD/chiếc, đây là một trong những xe tăng đắt nhất thế giới hiện nay. Một tính năng đặc biệt của Type-10 là khả năng kết nối mạng không dây giữa các xe tăng với nhau giúp nâng cao nhận thức tình huống trên chiến trường.

Xe tăng Type-10 khai hỏa trong một cuộc tập trận. Ảnh: Sina

Trong tương lai, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản dự kiến sẽ chuyển đổi một trong các Sư đoàn và hai Lữ đoàn của mình thành các Lữ đoàn triển khai nhanh (ARDB) và được trang bị khả năng cơ động, cũng như khả năng Tình báo, Giám sát và Trinh sát. Điều này cho thấy, phần lớn lực lượng tăng thiết giáp của đơn vị này sẽ được triển khai thành các binh chủng ở phía Bắc và phía Tây, thay vì phân bổ trên toàn lãnh thổ Nhật Bản.

Cùng với đó, việc tăng cường loạt xe tác chiến cơ động mẫu 16 (Type-16 MCV) cũng cho thấy mức độ đầu tư lớn của Nhật Bản cho quốc phòng. Vai trò chính của "sát thủ diệt xe tăng thế kỷ XXI" Type 16 là hỗ trợ hỏa lực trực tiếp cho các đơn vị bộ binh, có thể giao chiến với các phương tiện bọc thép thù địch, cũng như các tòa nhà và công sự dã chiến.

Pháo tự hành bánh lốp Type 19 tại cuộc tập trận Firepower. Ảnh: Reddit.

Khả năng di chuyển được cải thiện cũng là yếu tố thúc đẩy Nhật Bản phát triển pháo tự hành bánh lốp Type 19. Type 19 sử dụng khung gầm của xe vận tải hạng nặng MAN 8x8 của Đức. Thông số kỹ thuật của xe chưa được công bố nhưng rất có thể Type 19 kế thừa khẩu pháo cỡ nòng 155mm của pháo tự hành bánh xích Type 99.

Nhật Bản đã mua thêm 7 chiếc Type 19 trong ngân sách quốc phòng năm 2020. Bên cạnh đó, nước này cũng đang phát triển một phương tiện lội nước bánh xích mới để thay thế cho những chiếc AAV-7 hiện đang được ARDB vận hành.

…đến hải quân

Nhật Bản cũng tiến đến làm chủ công nghệ phát triển tàu sân bay sau khi nâng cấp thành công tàu khu trục mang máy bay trực thăng lớp Izumo có thể chở theo và triển khai tác chiến cùng máy bay chiến đấu F-35.

Tokyo đang sở hữu nhiều lớp tàu khu trục tối tân như Maya, Atago và Kongo đều được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis như lớp tàu Arleigh Burke của Mỹ. Aegis là một hệ thống tích hợp công nghệ radar, tác chiến điện tử hiện đại kèm theo đó là các tên lửa đánh chặn tối tân. Ngoài 3 lớp tàu chiến vừa nêu, tàu khu trục lớp Akizuki mà Nhật Bản đã triển khai nhiều năm qua cũng có sức mạnh tác chiến đáng nể. Tokyo cũng sở hữu đầy đủ công nghệ phát triển các loại tàu chiến khác như tàu hộ tống, tàu đổ bộ, tàu vận tải đổ bộ. Ngoài Izumo, Nhật Bản còn có thêm ba tàu DDH (tàu lớp Izumo thứ hai) và hai tàu lớp Hyuga nhỏ hơn.

Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản. Ảnh: AP

Về tàu ngầm, Nhật Bản cùng với Đức hiện nay được xem là hai nhà sản xuất hàng đầu thế giới về tàu tấn công chạy bằng động cơ điện và diesel. Cụ thể, Tokyo được biết đến với các lớp tàu Soryu và Oyashio. Với độ choán nước toàn tải khi lặn lên đến 4.200 tấn, tàu ngầm lớp Soryu có tốc độ tối đa khoảng 35km/giờ và tầm hoạt động hơn 11.000km, đồng thời đạt độ ồn cực thấp. Australia cũng đã từng xem xét đặt mua dòng tàu ngầm này của Nhật Bản nhưng thỏa thuận về sau bất thành. Các tàu cũng được trang bị tên lửa Raytheon SM-2 và SM-3 Block I nhằm đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và hiện đang trong quá trình phát triển.

Nhật Bản hạ thủy tàu chiến khinh hạm đa chức năng 30FFM. Nguồn:defensenews

Vào ngày 19-11-2020, Nhật Bản đã hạ thủy tàu chiến Kumano-chiếc tàu đầu tiên thuộc lớp khinh hạm đa chức năng mới 30FFM - tại cơ sở đóng tàu của Tập đoàn Mitsui ở Okayama. Loại tàu này áp dụng các công nghệ mới như hệ thống không người lái và giảm tiết diện radar. Dự kiến, tàu Kumano sẽ được đưa vào phiên chế của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản vào năm 2022.

Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản cũng đã đưa vào vận hành tàu ngầm phi hạt nhân đầu tiên JS Oryu được trang bị pin lithium-ion giúp hoạt động lâu và an toàn hơn dưới nước. Việc trang bị pin lithium-ion là bước tiến quan trọng để thử nghiệm công nghệ cho tàu ngầm điện-diesel thế hệ tiếp theo của Nhật Bản.

…và làm chủ vùng trời

Sau nhiều năm sử dụng máy bay trinh sát săn ngầm P-3 Orion do Mỹ cung cấp, thì Nhật Bản đã phát triển dòng Kawasaki P-1 để thay thế. Từ năm 2000, Nhật Bản cũng đã hợp tác với Mỹ để phát triển chiến đấu cơ Mitsubishi F-2 như là một bản thửa riêng từ dòng F-16 lừng danh. Nhật Bản cũng là đối tác trong dự án tiêm kích thế hệ 5 tàng hình F-35 do Mỹ khởi xướng.

Đến nay, sau khi đã tiếp nhận F-35 thì Tokyo cũng đang theo đuổi chương trình phát triển dòng chiến đấu cơ Misubishi F-3 để có thể sánh ngang cùng dòng F-2 Raptor mà Mỹ không xuất khẩu.

Một chiếc F-15J của không quân Nhật Bản. Ảnh: AP

Nhật Bản duy trì Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) rộng lớn xung quanh lãnh thổ của mình và các máy bay đánh chặn của nước này thường xuyên được giao nhiệm vụ xác định và giám sát các máy bay quân sự nước ngoài xâm nhập vào vùng đó.

Cùng với máy bay đánh chặn F-15J, nước này cũng sẽ trang bị thêm máy bay F-35 Lightning của Lockheed Martin của Mỹ, đồng thời phát triển hệ máy bay chiến đấu mới để thay thế 87 máy bay chiến đấu đa năng Mitsubishi F-2A/B.

Trên các tàu sân bay Mỹ, máy bay chỉ huy cảnh báo E-2 được coi là "mắt thần trên không" của hải quân Mỹ. Ảnh: AP

Tháng 10-2018, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật khi đó Takeshi Iwaya thông báo nước này sẽ mua thêm 9 chiếc E-2D, với tổng trị giá 3,135 tỉ USD, để thay thế đội E-2C “đang lão hóa”. Trước đó, Nhật Bản đã quyết định mua thêm 17 chiếc máy bay trực thăng vận tải cánh xoay MV-22 Osprey để bổ sung vào các thành phần quan trọng của lực lượng đổ bộ đang được xây dựng dưới sự trợ giúp và tư vấn đắc lực của quân đội đồng minh Mỹ.

LAM ANH – VĂN HIẾU (Theo defense.info)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/nhat-ban-day-manh-hien-dai-hoa-quan-doi-654374