Nhật Bản cảnh giác sự lây lan dịch COVID-19 dịp năm mới 2023

Một con phố ở Yokohama, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh sắp diễn ra kỳ nghỉ dài ngày dịp năm mới 2023, giới chức Nhật Bản đang đề cao cảnh giác trước nguy cơ lây lan nghiêm trọng dịch COVID-19 và thắt chặt một số quy định để giảm thiểu các hoạt động tập trung đông người.

Thông báo mới nhất của chính quyền thủ đô Tokyo ngày 26/12 cho biết sự kiện đếm ngược vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới ở nhà ga Shibuya sẽ không thể diễn ra. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp sự kiện này bị hủy do lo ngại có thể khiến cho dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh hơn khi nhiều người cùng tập trung tại địa điểm này.

Ngoài ra, Chính quyền Tokyo khuyến cáo người dân hạn chế uống rượu bia tại các địa điểm tập trung đông người như nhà ga, trung tâm thương mại từ 21 giờ ngày 31/12/2022 đến 3 giờ ngày 1/1/2023. Các cửa hàng tiện lợi cũng được khuyến cáo hạn chế bán đồ uống có cồn trong khoảng thời gian này.

Bên cạnh đó, 6 trạm giám sát và hơn 100 nhân viên sẽ được tăng cường để điều tiết tại các khu vực thường tập trung đông người nhằm kịp thời giải tán đám đông và giải tỏa dòng người ùn ứ ở các điểm nút giao thông.

Ngày 21/12, Nhật Bản ghi nhận 206.943 ca mắc COVID-19 mới trên toàn quốc, lần đầu tiên vượt qua mốc 200.000 ca/ngày trong vòng 4 tháng trở lại đây, cũng là con số cao nhất kể từ khi bước vào làn sóng lây nhiễm mới.

Điều đáng quan ngại là từ đầu tháng 12 đến nay, tuy số ca mắc COVID-19 mới chưa đạt mức tương đương đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm thứ 7 nhưng số ca tử vong lại cao bất thường với 399 ca vào ngày 22 và 24/12, gần sát với đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm thứ 7.

Tại Trung Quốc, ngày 26/12, Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch COVID-19 của Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định mới về việc tối ưu hóa công tác quản lý đối với người nhập cảnh Trung Quốc.

Những người nhập cảnh Trung Quốc có kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành có thể đến Trung Quốc và điền kết quả vào phiếu khai báo sức khỏe hải quan, không cần xin mã sức khỏe tại Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán của Trung Quốc tại các nước.

Những trường hợp nếu có kết quả dương tính cần đợi đến khi có kết quả âm tính mới đến Trung Quốc. Nhà chức trách cũng hủy bỏ yêu cầu xét nghiệm axit nucleic và cách ly tập trung đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Trung Quốc.

Những trường hợp có khai báo sức khỏe bình thường và không có dấu hiệu bất thường trong quá trình kiểm dịch theo quy định của hải quan được phép nhập cảnh. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ hủy bỏ các biện pháp kiểm soát số lượng chuyến bay chở khách quốc tế cũng như hạn chế số lượng hành khách; tối ưu hóa hơn nữa việc bố trí cho công dân nước ngoài đến Trung Quốc để khôi phục sản xuất, kinh doanh, du học, thăm thân, đoàn tụ..., đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cấp thị thực liên quan.

Trong diễn biến khác, theo Financial Times, hoạt động kinh doanh của Apple đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa của làn sóng COVID-19 ở Trung Quốc. Hoạt động kinh doanh của Apple đang bị đe dọa từ sự bùng phát dịch COVID-19 lan rộng ở Trung Quốc.

Các chuyên gia chuỗi cung ứng cảnh báo về nguy cơ gián đoạn sản xuất iPhone kéo dài hàng tháng ngày càng tăng. "Người khổng lồ" công nghệ Mỹ đã phải đối mặt với hơn một tháng "bất ổn" tại siêu nhà máy của nhà lắp ráp chính Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc, nơi được gọi là “thành phố iPhone,” sau đợt bùng phát dịch COVID -19 bắt đầu vào tháng 10.

Foxconn đã chuyển một số hoạt động sản xuất của mình sang các nhà máy khác trên khắp Trung Quốc, trong khi Apple đã làm việc với các nhà cung cấp linh kiện để giảm bớt thời gian chờ đợi lâu bất thường - khoảng 23 ngày đối với các khách hàng mua iPhone cao cấp ở Mỹ, theo nghiên cứu của ngân hàng UBS (Thụy Sĩ).

Khi Chính phủ Trung Quốc điều chỉnh chính sách Zero-COVID, một rủi ro lâu dài hơn hiện đang xuất hiện: khả năng thiếu hụt công nhân tại các nhà máy linh kiện hoặc nhà máy lắp ráp trên cả nước, các cơ sở kho bãi, phân phối, hậu cần và vận chuyển, các bộ phận cấu thành của chuỗi cung ứng.

Các nhà phân tích nhất trí rằng doanh thu của công ty trong quý này sẽ giảm, với lợi nhuận ròng dự kiến sẽ giảm hơn 8%. Điều này sẽ phá vỡ kỷ lục tăng trưởng doanh thu trong 14 quý khi Apple gặp phải tình trạng thiếu hụt từ 5 triệu đến 15 triệu chiếc iPhone. 1/5 doanh thu của Apple đến từ việc bán hàng ở Trung Quốc, trong khi hơn 90% iPhone được lắp ráp ở đây.

Tại Đức, phóng viên TTXVN tại Đức dẫn ý kiến đánh giá của các nhà virus học hàng đầu nước này cho rằng Đức có thể sẽ tuyên bố kết thúc đại dịch COVID-19 sau mùa đông này.

Theo nhà virus học Christian Drosten, sau mùa đông này, tỉ lệ miễn dịch cộng đồng tại Đức ngày càng tăng và bền vững đến mức dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra khó có thể bùng phát trở lại vào mùa hè tới. Hạn chế duy nhất hiện tại là sự xuất hiện có thể có của một đột biến mạnh khác của virus. Tuy nhiên, chuyên gia Drosten nhận định điều này ít có khả năng xảy ra.

Trong khi đó, chuyên gia Christian Karagiannidis, thành viên Hội đồng Chuyên gia về COVID-19, cũng cho rằng sau mùa Đông này, Đức có thể tuyên bố kết thúc đại dịch COVID-19. Dù có thể vẫn có những làn sóng lây nhiễm nhỏ trong thời gian tới nhưng theo ông, mức độ miễn dịch của người dân Đức là rất vững chắc, các đơn vị chăm sóc đặc biệt của Đức sẽ tiếp nhận ít bệnh nhân hơn nữa.

Theo chuyên gia Karagiannidis, khó có khả năng một biến thể virus nguy hiểm mới sẽ lây lan trở lại ở Đức. Ông cho rằng hiện tại, nước Đức đang ở trong một kịch bản rất thuận lợi, hệ thống miễn dịch chống virus SARS-CoV-2 hoạt động rất hiệu quả, số ca biến chứng nặng ngày càng giảm.

Một số chuyên gia, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Tiêm chủng thường trực (Stiko) Thomas Mertens, cho rằng đại dịch COVID-19 giờ đây có thể được coi là một dịch bệnh thông thường.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/291768/nhat-ban-canh-giac-su-lay-lan-dich-covid-19-dip-nam-moi-2023.html