Nhân viên y tế học đường mong có 'danh phận' để yên tâm với nghề, gắn bó với trường

Khi hay tin sẽ có sự điều chỉnh, bổ sung quy định về vị trí việc làm và tiền lương, nhiều nhân viên y tế học đường mong muốn sớm điều chỉnh để chính thức có một 'danh phận' yên tâm công tác, cống hiến cho nghề.

Bổ sung quy định về vị trí việc làm y tế học đường

Mới đây, Bộ Nội vụ đã có phản hồi kiến nghị bổ sung nhân viên y tế học đường vào biên chế chính thức của cử tri tỉnh Quảng Bình do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Văn bản số 48/BDN về việc chuyển kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Theo kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình, y tế học đường có nhiệm vụ rất quan trọng, nặng nề, đòi hỏi phải có trách nhiệm cao với công việc và không để sai sót vì liên quan đến bảo vệ, chăm sóc sức khỏe học sinh. Đa số các trường đều có số lượng học sinh đông nhưng chỉ có 1 nhân viên y tế họ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ như kiểm thực, lưu mẫu thức ăn, tai nạn thương tích tại trường, ốm đau, phòng chống dịch bệnh...

Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ thì nhân viên y tế học đường thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và được thực hiện chế độ hợp đồng như đối với nhân viên bảo vệ, tạp vụ không thuộc nhóm vị trí việc làm được định biên trong cơ sở giáo dục. Cử tri đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, căn cứ tình hình thực tế, tính chất công việc mà đội ngũ y tế học đường phải thực hiện để bổ sung nhân viên y tế học đường vào biên chế chính thức trong cơ sở giáo dục, giúp họ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Nội vụ cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí việc làm y tế học đường tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và phối hợp với Bộ GD&ĐT để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí việc làm y tế học đường tại Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho phù hợp.

Nhân viên y tế học đường kiểm tra sức khỏe cho học sinh.

Đồng thời, Bộ Nội vụ sẽ có hướng dẫn về vị trí việc làm với các nhóm sau: Công chức lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ chuyên môn dùng chung hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập. Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.

Niềm mong mỏi của nhân viên y tế học đường

Chia sẻ với PV báo Sức khỏe và Đời sống sau khi nhận được thông tin này, chị Tưởng Thị Lương - nhân viên y tế Trường mầm non Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ: "Khi biết thông tin thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ xem xét điều chỉnh, bổ sung quy định về vị trí việc làm và tiền lương với nhân viên y tế học đường, chúng tôi cảm thấy rất vui.

Tôi cũng rất đồng tình với thông tin này vì trong trường học nhân viên y tế cũng rất quan trọng, luôn phải có trách nhiệm cao với công việc vì liên quan đến sức khỏe và tính mạng của con người. Khi được điều chỉnh vị trí việc làm và lương thì bản thân người lao động sẽ thấy công việc có vị trí hơn cũng như đời sống được nâng cao hơn, chúng tôi sẽ yên tâm với nghề và gắn bó với nhà trường".

Hơn 16 năm công tác trong ngành, chị Vương Phương Thảo (Trường Tiểu học thị trấn Yên Minh, Hà Giang) cho biết: "Nhân viên y tế học đường rất vất vả, đặc biệt là công tác tại miền núi. Ngoài chăm sóc sức khỏe cho học sinh và giáo viên thì còn phụ trách các mảng về BHYT. Nếu nhà trường còn thiếu vị trí nào thì khi được phân công vẫn đảm nhiệm. Ở vùng cao nên việc một nhân viên kiêm nhiệm nhiều điểm trường là hết sức bình thường. Công việc áp lực, vất vả nhưng không được hưởng các loại phụ cấp ưu đãi nghề".

Ngoài nguyện vọng được sắp xếp vị trí việc làm phù hợp thì nhân viên y tế học đường mong muốn có thêm nhiều chế độ đãi ngộ về nghề.

Chị Thảo cho biết thêm, chị và đồng nghiệp rất phấn khởi trước thông tin Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, điều chỉnh vị trí việc làm cho nhân viên trường học. Mong muốn sớm điều chỉnh để chính thức có một danh phận yên tâm công tác, cống hiến cho nghề. Nếu triển khai sớm thì các trường vùng cao thiếu nhân viên y tế cũng dễ dàng trong công tác tuyển dụng.

"Tâm tư của các nhân viên y tế học đường cũng đã phần nào được lắng nghe. Mong thời gian tới sẽ có các thay đổi phù hợp. Ngoài nguyện vọng được sắp xếp vị trí việc làm phù hợp với bằng cấp, công hiến thời gian dài, mọi người cũng mong có thêm nhiều chế độ đãi ngộ về nghề. Điều chỉnh mức lương sẽ giúp nhân viên y tế học đường ổn định cuộc sống, đặc biệt là ở vùng cao", chị Phương Thảo chia sẻ.

Hiệu trưởng một trường ở Hà Nội cho biết: "Đội ngũ nhân viên thiết bị trường học cũng như nhiều vị trí khác như kế toán, thư viện, y tế... rất thiệt thòi khi không có nhiều phụ cấp mà chỉ có lương cơ bản. Mức lương của họ chỉ dao động từ hơn 3 triệu/đồng đến 7 triệu đồng/tháng.

Hiện tại trường tôi chỉ có một nhân viên thiết bị trường học và kiêm nhiệm cũng khá nhiều công việc khác nhau nhưng chỉ nhận lương 6 triệu đồng/tháng chưa trừ bảo hiểm và các khoản phí khác. Chúng tôi có muốn tăng nhưng không có khoản nào để tăng. Hy vọng rằng, thời gian tới đây, đội ngũ giáo viên được quan tâm thì nhân viên thiết bị trường học cũng được điều chỉnh mức lương để yên tâm công tác".

Theo Bộ GD&ĐT, hiện trên toàn quốc có khoảng 150.000 viên chức làm công việc hỗ trợ, phục vụ trong trường học.

Trong đó có hơn 37.800 nhân viên kế toán, trên 32.100 nhân viên y tế, trên 35.100 nhân viên thư viện, gần 32.300 nhân viên thiết bị thí nghiệm, hơn 13.600 nhân viên công nghệ thông tin, văn thư, thủ quỹ, giáo vụ, hỗ trợ người khuyết tật.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhan-vien-y-te-hoc-duong-mong-co-danh-phan-de-yen-tam-voi-nghe-gan-bo-voi-truong-169240402093605719.htm