Nhân tướng học trong phim hoạt hình

Không chỉ mang tính thẩm mỹ thị giác, việc đưa các chi tiết hình học vào khắc họa nhân vật có thể ngay lập tức gợi nên cảm xúc đối với người xem một cách khéo léo.

Nếu để ý kỹ, người xem có thể nhận thấy hầu hết các nhân vật phản diện trong những bộ phim hoạt hình có các đặc điểm hình dáng sắc nhọn, trong khi những nhân vật tốt bụng đều được khắc họa bởi những nét vẽ tròn trịa. Theo đó, các nhân vật như Darth Vader trong Star Wars hay tiên ác Maleficent từ Người đẹp ngủ trong rừng đều có khuôn mặt sắc nét, góc cạnh tương tự như hình tam giác, trong khi các nhân vật đáng yêu như chú gấu Baloo trong Cuốn sách rừng xanh lại có gương mặt tròn xoe.

Gấu Baloo trong Cuốn sách rừng xanh

Một khám phá mới đây cho biết, áp dụng các định lý hình học vào việc xây dựng những nhân vật điển hình là cách để các nhà làm phim Disney giúp người xem có ấn tượng ngay từ đầu về việc đâu là nhân vật xấu cần căm ghét, và đâu là người tốt cần yêu quý cảm thông.Các nhà quay phim đã tạo ra nhân vật với hình dáng khác nhau bởi não bộ con người thường quy định mỗi loại hình thù đều mang một ý nghĩa nhất định.

Nghiên cứu của kênh Youtube chuyên về điện ảnh Now you see it đã cho thấy sự ảnh hưởng của hình dạng lên tính cách nhân vật và phân tích hình học đã ảnh hưởng đến cách kể chuyện bằng hình ảnh trong phim như thế nào. Mở đầu đoạn video có tên “Hình học điện ảnh – định hình suy nghĩ của bạn”, tác giả Jack Nugent trình chiếu hai hình dạng, một có cạnh nhọn giống như ngôi sao, một có hình dạng tròn trịa, và đề nghị khán giả chọn hình dạng thích hợp với từ “kiki” và từ “bouba”. Một nghiên cứu trước đó từng cho thấy có 98% người được hỏi sẽ nối hình cạnh nhọn với từ “kiki” và hình tròn với từ “bouba”, bất kể ở độ tuổi, giới tính, nền văn hóa nào.

Từ đó, Nugent giải thích rằng não bộ luôn có xu hướnh áp đặt ý nghĩa đối với hình dạng khác nhau. Hiện tượng này được các nhà làm phim tận dụng trong quá trình xây dựng khắc họa nhân vật. Một số lượng đáng kể các nhân vật phản diện độc ác được vẽ với hình dáng “kiki” sắc sảo, như mũi nhọn, lông mày xếch. Ngược lại, các nhân vật tốt thường được vẽ sao cho mềm mại như đầu hoặc bụng tròn, giống như gấu Baloo. Hoặc điển hình là chuột Mickey, với khuôn mặt có thể được vẽ hoàn toàn từ hình và các nét tròn.

Trong hoạt hình Inside Out (2015), cô nàng Joy tượng trưng cho cảm xúc hạnh phúc của một cô bé 11 tuổi. Các nhà sáng tạo hình ảnh vẽ nhân vật này với khuôn mặt tròn xoe đáng yêu, để người xem biết được cô là nhân vật tốt trong phim.

Joy trong Inside Out

Với việc đưa hình tam giác vào những nhân vật phản diện, các nhà làm phim đã gây ra một phản ứng cảm xúc cho khán giả ngay từ lần đầu xem phim, mà họ thậm chí còn không nhận ra điều đó. Ví dụ, trong phim Star Wars,mũ che mặt của Darth Varder được thiết kế với một hình tam giác ở phía trước. Tuy nhiên, trong một bản phim làm nhái của Star Wars là Spaceballs, nhân vật tương tự với Darth Varder là Lord Dark lại đeo mặt nạ với hình tròn thay vào vị trí hình tam giác ở bản gốc. Nguyên nhân là bởi Lord Dark không phải nhân vật xấu.

Darth Varder trong phim Star Wars với mặt nạ có hình tam giác, trong khi Lord Darktrong Spaceballs có mặt nạ hình tròn

Một trong những kẻ phản diện có hình dáng sắc nhọn nhất là Maleficent, cả ở trong phiên bản hoạt hình năm 1959 lẫn phiên bản điện ảnh vào năm 2014. Không chỉ có khuôn mặt gồ ghề, trang phục của nhân vật này cũng đầy những chi tiết tương tự như hình “kiki”.

Maleficent với khuôn mặt sắc cạnh

Ngoài hình tam giác và hình tròn, não bộ cũng thường mặc định ý nghĩa cho nhiều hình dạng khác. Chẳng hạn như hình vuông tương ứng với tính cách mạnh mẽ, vững chắc, đồng thời cũng cứng nhắc và chậm thay đổi. Ví dụ điển hình của trường hợp này là nhân vật cảm xúc giận dữ Anger trong Inside Out. Giống như tên của mình, trong phim, Anger rất dễ mất bình tĩnh khi mọi thứ không xảy ra như ý muốn. Anh chàng Ralph trong phim hoạt hình Wreck it Ralph với khuôn mặt, hình dáng vuông vắn cũng có tính cách tương tự, vững chắc, thật thà và dễ nổi nóng.

Anger trong Inside Out

Ralph trong phim hoạt hìnhWreck it Ralph

Để khắc họa sự thay đổi về tính cách, bản chất nhân vật, các chuyên gia cũng áp dụng sự thay đổi về mặt hình học trong ngoại hình nhân vật. Trong phim Ratatouille, nhà phê bình ẩm thực Anton Ego là một người xấu tính, hẹp hòi, với hình dáng được vẽ một cách sắc nhọn, xương xẩu gầy gò. Tuy nhiên trong phân cảnh trở về tuổi thơ, ông lại có khuôn mặt tròn trịa, ngụ ý cho thấy khi còn bé Anton là một người đáng yêu, lương thiện.

Anton Ego trongRatatouille lúc già và lúc còn nhỏ

Một ví dụ khác, trong phim Up, ông cụ Carl Fredricksen là một người cứng đầu, khó tính, cổ hủ với khuôn mặt và hình dáng vuông. Nhưng hình ảnh hồi bé của Carl, khi còn là một cậu bé mơ mộng, ngây thơ, thích thám hiểm lại rất “tròn”. Một nhân vật khác là Russell, cậu nhóc hướng đạo sinh vui tính, lạc quan có khuôn mặt tròn và thân hình múp míp.

Một ứng dụng khác của hình học được áp dụng vào điện ảnh qua hiệu ứng “khung lồng khung”. Việc nhân vật bị đóng khung trong các hình dáng chữ nhật hoặc vuông thể hiện họ đang bị mắc kẹt trong tình thế hiện tại. Khung tròn trong màn ảnh gợi ấn tượng về gián điệp, điệp viên hoặc sự theo dõi. Chỉ qua những chi tiết nhỏ, khán giả đã được gợi ý về diễn biến tiếp theo của câu chuyện một cách vô thức mà khéo léo. Dẫu vậy, những lạm dụng trong thống kê hình học này cũng có thể dẫn đến sự khô cứng trong tạo hình, điều mà các nhà phim trẻ đang tìm cách phá bỏ.

Lan Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/nhan-tuong-hoc-trong-phim-hoat-hinh