Nhận thức của học sinh qua cuộc thi Vẽ tranh và sáng tác Thông điệp về phòng chống HIV/AIDS

Theo Ban tổ chức cuộc thi 'Vẽ tranh và sáng tác Thông điệp dành cho trẻ em, về Chăm sóc và chống kỳ thị đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS' năm 2016, học sinh các trường tiểu học, THCS trên toàn quốc và Hà Nội đã gửi hàng ngàn bức tranh về dự thi. PV Gia đình và Trẻ em đã ghi lại những cảm nhận của các em về cuộc thi.

Học sinh tham gia vẽ tranh về đề tài phòng chống phân biệt, kì thị đối xử với trẻ em bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Dự thi vì muốn chia sẻ với các bạn bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS

Tại Trường THCS Thành Công, Hà Nội (một trong 03 trường có nhiều học sinh dự thi nhất), tôi gặp cô Nguyễn Thu Hà (GV Chủ nhiệm lớp 9A6 – người đã kết nối với Ban tổ chức cuộc thi để phát động trong trường) và được cô cho biết: Sau khi có thể lệ cuộc thi, nhà trường đã phổ biến rộng rãi và phát động học sinh toàn trường dự thi. Ở mỗi lớp, trong giờ giáo dục công dân, giáo viên chủ nhiệm đều giúp các em hiểu một số kiến thức về HIV/AIDS, cách phòng tránh và giáo dục các em không xa lánh, kỳ thị phân biệt đối xử đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Các thầy cô dạy mĩ thuật, cũng gợi ý đề tài và giúp các em hiểu rõ cách thức dự thi. Bài dự thi đẹp, có ý nghĩa được các thầy cô cho điểm cao ở cả hai môn giáo dục công dân và mĩ thuật. Nhờ vậy, học sinh của trường đều tham gia nhiệt tình. Gần 500 tranh của các em gửi về dự thi, là thành quả sự nỗ lực của thầy và trò. Thông qua đó, các em đã hiểu rõ hơn về HIV/AIDS và cách phòng chống, cũng như biết chia sẻ với những trẻ em thiệt thòi chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Tranh dự thi của em Lê Kiều Linh học sinh lớp 9A9, Trường THCS Thành Công, Hà Nội.

Hỏi chuyện em Lê Kiều Linh lớp 9A9 Trường THCS Thành Công, Hà Nội em đã kể về lí do mình sáng tác tranh và thông điệp dự thi. Em đã đọc câu chuyện về các bạn bị ảnh hưởng bởi HIV, thấy các bạn đều sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn và chịu nhiều thiệt thòi như bạn N.B.T (12 tuổi, sống tại phường Ninh Xá, TP. Bắc Ninh) bố mẹ và anh trai đều bị HIV. Cả gia đình sống nhờ vào quán nước vỉa hè; bạn H.T.H (11 tuổi, sống tại xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) bố mất vì HIV khi mới 1 tuổi, bản thân H và mẹ cũng bị nhiễm HIV. Hai mẹ con sống dựa vào làm ruộng và may thuê nên cuộc sống luôn thiếu thốn… Mỗi bạn có hoàn cảnh khác nhau, nhưng có một điểm chung là các bạn vẫn còn phải chịu sự kỳ thị, xa lánh, trêu chọc của mọi người và bạn bè xung quanh. Em còn biết, cuộc sống của các bạn không có điều kiện chữa trị thường rất ngắn. Chính vì thế em rất thương và muốn làm điều gì đó giúp các bạn qua thông điệp em gửi gắm trong tranh đó là: “Đừng kì thị - Hãy kết bạn”.

Còn em Nguyễn Trúc Linh ở Huỳnh Thúc Kháng – Đống Đa, Hà Nội lại chia sẻ: “Em vẽ bức tranh Những thiên thần nhỏ dự thi, đó chính là những trẻ em bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV. Các bạn ấy rất cần được toàn xã hội quan tâm, nâng niu, chăm sóc. Bởi các bạn mang trong mình căn bệnh AIDS đã là một bất hạnh lớn, nếu bị kì thị, xa lánh thì tương lai sẽ khép lại và cuộc sống của các bạn trở nên vô nghĩa. Vì vậy, chúng ta - những người may mắn được sống bình thường, không nên kì thị, phân biệt đối xử với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS mà hãy yêu thương, giúp đỡ, chắp cánh cho những ước mơ của các bạn, để các bạn được hưởng mọi quyền của trẻ em, được vui chơi, học hành và hòa nhập với cộng đồng”.

Tranh dự thi của em Nguyễn Thị Mỹ Duyên

Cuộc thi là cơ hội để học sinh tiếp thu kiến thức phòng chống HIV/AIDS

Trong thời gian diễn ra cuộc thi, chúng tôi còn tới trường Trường THCS Thăng Long - Hà Nội, Trường Tiểu học Lê Văn Tám – Hà Nội… và được nghe học sinh, giáo viên nói lên những cảm nghĩ của mình khi biết tới cuộc thi. Trò chuyện với chúng tôi, Em Ngô Mai Anh, học sinh lớp 9A, Trường THCS Thăng Long, Hà Nội cho biết, em đã từng tìm hiểu về HIV/AIDS, Luật phòng chống HIV/AIDS..., thấy có cuộc thi vẽ tranh về đề tài này dành cho học sinh em rất phấn khởi nên gửi tranh cùng thông điệp dự thi. Cuộc thi đã tạo cơ hội để trẻ em tiếp thu kiến thức và hiểu rõ hơn về căn bệnh HIV/AIDS, giáo dục trẻ cách tự phòng chống HIV/AIDS... Qua đó khuyến khích trẻ em, cộng đồng dân cư, các cơ quan, đoàn thể... có những hành động thiết thực giúp đỡ cho những trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV. Đây cũng sẽ là diễn đàn để những trẻ em bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, có thể chia sẻ kinh nghiệm, bày tỏ nguyện vọng của mình.

Tranh dự thi của em Nguyễn Thị Diệu Linh với thông điệp: Đối với bạn đó chỉ là một cái nắm tay đầy thiện ý... Nhưng đối với họ, đó là khao khát tột bậc về cuốc sống bình đẳng. Đừng kì thị người nhiễm HIV!

Một cô giáo ở Trường Tiểu học Lê Văn Tám cho rằng, đại dịch HIV/AIDS không chỉ mang đến hệ lụy cho quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của mỗi quốc gia, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống an toàn và sự phát triển toàn diện của trẻ em. Các em là đối tượng phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do HIV/AIDS gây ra. Những nhóm quyền cơ bản của trẻ em đều đã bị đại dịch HIV/AIDS tác động làm hạn chế, làm xấu đi, thậm chí làm mất đi những quyền cơ bản mà trẻ bị ảnh hưởng được hưởng. Cuộc thi “Vẽ tranh và sáng tác Thông điệp dành cho trẻ em, về Chăm sóc và chống kỳ thị đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS” năm 2016, đã giúp cho trẻ em và toàn xã hội hiểu rõ HIV/AIDS là một căn bệnh, không phải là một tệ nạn xã hội và phải đối xử bình đẳng với người mắc bệnh, không kì thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS (trong đó có trẻ em). Bởi không có gì đáng buồn hơn khi các em phải sống trong cô lập, bị phân biệt đối xử ngay cả trong việc học tập và vui chơi. Chính vì vậy, việc đảm bảo quyền học tập cho trẻ em nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV là vô cùng cần thiết. Các em rất cần được đến trường học, được hòa nhập vào cộng đồng. Qua cuộc thi đã chuyển tải đến mọi người thông điệp, trẻ nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS rất cần những tấm lòng nhân ái. Chúng ta phải chung tay, góp sức để các em không bị cộng đồng xa lánh, hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ, chăm sóc các em, tạo cho các em một môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Theo Tạp chí Gia đình và trẻ em

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/nhan-thuc-cua-hoc-sinh-qua-cuoc-thi-ve-tranh-va-sang-tac-thong-diep-ve-phong-chong-hivaids-220318.html