Nhân sỹ trí thức gửi bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992

Sáng 4/2, 15 nhân sỹ trí thức đại diện cho 72 người đầu tiên và hàng nghìn công dân đã ký tên vào bản “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992” đã gặp mặt trực tiếp và trao đổi ý kiến với ông Lê Minh Thông, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Biên tập Ủy ban, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hà Nội đã nhấn mạnh bản kiến nghị là sự tham gia đóng góp của hàng chục nhân sỹ, trí thức đã được đăng tải trên mạng internet và được sự ủng hộ của hàng ngàn công dân Việt Nam. Đây là một sinh hoạt chính trị bình thường, “trước lạ, sau quen” tạo nên không khí dân chủ trong hoạt động thu thập ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992. “Rất mong Ủy ban công bố bản tóm tắt kiến nghị và Hiến pháp mẫu trên báo chí để nhân dân góp thêm ý kiến” – ông Lộc đề xuất.

Đánh giá về vai trò Hiến pháp đối với vận mệnh đất nước, ông Nguyễn Trung, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, khẳng định việc sửa Hiến pháp là cơ hội lớn để đất nước tạo ra sức mạnh dân tộc “đủ trưởng thành để tổ chức một diễn đàn công khai, cởi mở để phát huy trí tuệ của nhân dân như một hội nghị Diên Hồng mới”.

Trong khi đó, ông Lê Công Giàu nguyên Phó Bí thư Thường trực Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã đề nghị gia hạn thời gian lấy ý kiến dự thảo Hiến pháp thêm khoảng 1 năm để nghiên cứu, thảo luận kỹ, tránh tình trạng lấy ý kiến qua loa, hình thức.

Sau khi nhận bản kiến nghị và Hiến pháp mẫu, thay mặt Ủy ban, ông Lê Minh Thông đã tỏ ý trân trọng những ý kiến đóng góp của mọi người dân và sẽ gửi văn bản đến tận tay Ban Biên tập.

Bản Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992 do các nhân sỹ trí thức trong và ngoài nước cho đến nay (4/2) đã thu hút được hơn 2.000 người ký tên. Bản kiến nghị đã đưa ra 7 kiến nghị chính về Lời nói đầu và Chương I; về quyền con người; về sở hữu đất đai; về tổ chức Nhà nước; về lực lượng vũ trang; về trưng cầu dân ý đối với Hiến pháp và cuối cùng là thời hạn đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp. Trong đó riêng kiến nghị về quyền con người cũng đang cộng hưởng chung với nhiều đóng góp riêng lẻ của các trí thức tham gia trên các phương tiên truyền thông về những bất cập khi quyền hiến định đối với quyền con người vẫn bị nằm dưới pháp luật (góp ý của TS. Đặng Minh Tuấn Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội). Cụ thể hơn nữa, ThS Nguyễn Linh Giang thuộc Viện Nhà nước & Pháp luật đã đánh giá trên tờ Pháp Luật TP.HCM (30/1) rằng Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992 vẫn chưa khắc phục được những hạn chế của HP hiện hành trong cơ chế bảo đảm thực thi quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Hạn chế ấy thể hiện ở cụm từ “theo quy định của pháp luật”.

Danh sách đoàn đại biểu nhân sỹ trí thức

1- Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội

2- Phan Hồng Giang, TSKH ngành nghiên cứu văn học, Hà Nội

3- Lê Công Giàu, nguyên Phó Bí thư thường trực Đoàn TNCS HCM – TPHCM, TPHCM

4- Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ KH & CN, Hà Nội

5- Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, Hà Nội

6- Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Hà Nội (vắng mặt đột xuất).

7- Tương Lai, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội

8- Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội

9- Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH & KTVN, Hà Nội

10- Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hà Nội (Trưởng đoàn)

11- Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, TPHCM

12- Nguyên Ngọc, Nhà văn, Hội An

13- Hoàng Xuân Phú, GS, Viện Toán học, Hà Nội

14- Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục & Thanh thiếu niên-Nhi đồng Quốc hội, Hà Nội

15- Nguyễn Trung, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội

16- Tô Nhuận Vỹ, Nhà văn, Huế.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/nhan-sy-tri-thuc-gui-ban-kien-nghi-sua-doi-hien-phap-1992