Nhân rộng mô hình quản lý dịch hại trên cây trồng

Giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón; chất lượng mẫu mã quả đẹp, đều; đảm bảo sức khỏe người lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận trên một đơn vị canh tác... là những kết quả đạt được trong thực hiện mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng do Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh triển khai trên địa bàn trong thời gian qua.

Vườn nhãn của nông dân bản Nam Tiến, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu áp dụng IPM.

Vụ nhãn năm nay, hơn 1.000 gốc nhãn của gia đình chị Nguyễn Thị Tú, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu thu được 15 tấn, giá bán bình quân 15.000 đồng/kg. Chị Tú là một trong những thành viên HTX sản xuất, kinh doanh phát triển cây ăn quả và dịch vụ tổng hợp Nam Tiến áp dụng mô hình ứng dụng quản lý dịch hại trên cây nhãn do Chi cục Trồng trọt và BVTV hướng dẫn.

Chị Tú cho biết: Tham gia mô hình IPM, chúng tôi được hỗ trợ phân bón, thuốc BVTV và được tập huấn kỹ thuật ứng dụng IPM trong canh tác nhãn như: vệ sinh vườn, xử lý ra hoa sớm, muộn, bón phân, tưới nước, tỉa cành, tạo tán, ứng dụng các biện pháp cơ giới, vật lý, hóa học... Qua theo dõi, so sánh mô hình đối chứng, các đối tượng sâu, bệnh hại trên cây nhãn xuất hiện với mật độ, tỷ lệ và mức độ gây hại giảm từ 20-30%; chi phí đầu tư phân bón giảm 15-20%; tỷ lệ đậu quả cao hơn 10%, độ đồng đều, màu sắc quả tươi sáng mã và tỷ lệ bị nứt quả ít hơn so với vườn canh tác truyền thống; năng suất đạt khoảng trên 12 tấn/ha. Giá trị kinh tế thu được trên 240 triệu đồng (tăng trên 40 triệu đồng so với cùng diện tích đất canh tác theo phương pháp truyền thống).

Mô hình IPM trên cây cam tại xã Mường Thải, huyện Phù Yên, có 4 hộ dân của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Thải tham gia, được triển khai từ đầu tháng 3/2022. Các hộ dân đã được tập huấn về kỹ thuật từ khâu chuẩn bị đất, thời vụ trồng, quản lý dinh dưỡng, biện pháp tưới nước, cắt tỉa, tạo tán, quản lý dịch hại... Ứng dụng IPM giúp nông dân từ chỗ thụ động làm theo cán bộ kỹ thuật một cách máy móc, chuyển sang chủ động thực hiện và tuyên truyền, vận động người khác cùng làm.

Bà Nguyễn Thị Phấn, thành viên HTX dịch vụ cam Mường Thải, cho biết: Trước đây, người dân trồng cam phun thuốc theo định kỳ, thì nay đã biết điều tra đối tượng dịch hại, đến ngưỡng nào đó mới phun và dùng bằng chế phẩm sinh học là chủ yếu. Riêng gia đình tôi còn ủ thêm cá, đậu tương để bón cho cây, tăng sức đề kháng, mọi vật tư chăm sóc cho vườn cam đều được ghi tên, ngày mua, ngày sử dụng để theo dõi. Năm nay, hơn 1 ha cam của gia đình tôi ước cho thu khoảng 30 tấn quả.

Với mục tiêu chuyển giao khoa học kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng nhằm giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc BVTV đối với sức khỏe con người, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 5/1/2021 về việc triển khai thực hiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Theo đó, năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai 3 mô hình IPM áp dụng trên cây nhãn, xoài, cam, quýt với diện tích 21 ha tại địa bàn các huyện Thuận Châu, Yên Châu, Phù Yên và Sốp Cộp. Điểm chung lớn nhất là các mô hình này đều hướng đến việc phát triển nông nghiệp năng suất cao, trên cơ sở hạn chế dư lượng thuốc BVTV, xây dựng nền cân bằng sinh thái bền vững.

Chi cục đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, UBND các xã họp thông báo đến các hộ dân có diện tích trồng cây ăn quả tập trung, hệ thống giao thông thuận lợi cho công tác kiểm tra, theo dõi chăm sóc để tham gia mô hình. Sau đó, tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân về các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV, kỹ thuật trồng chăm sóc cây... để các hộ dân nắm quy trình quản lý dịch hại và những lợi ích, hiệu quả của mô hình đem lại.

Ông Dương Gia Định, Chi cục Trồng trọt và BVTV, cho biết: Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng là định hướng, giải pháp phù hợp trong canh tác bền vững đã được các cấp, ngành quan tâm, được nông dân, các HTX, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp hưởng ứng, áp dụng. Thực hiện IPM đã giảm được mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc BVTV đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, giảm lượng phân bón hóa học, làm môi trường sản xuất sạch và bền vững. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, góp phần thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, hướng đến nền nông nghiệp sạch, việc đẩy mạnh áp dụng IPM được xem là chìa khóa thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững, tạo nhiều nông sản chất lượng, an toàn, rất cần nhân rộng.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhan-rong-mo-hinh-quan-ly-dich-hai-tren-cay-trong-53006